Trung Quốc sử dụng tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình Type 056 làm gì?

05/03/2013 08:16
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Do nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang đói khát về năng lượng, sự phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng lớn, nên Trung Quốc có nhu cầu ngày càng cấp bách giải quyết cái gọi là “tranh chấp trên biển” với các nước khác.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình Type 056 Hải quân Trung Quốc
Tàu hộ vệ hạng nhẹ tàng hình Type 056 Hải quân Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu ngày 4/3 đăng bài nhận đinh về vai trò của tàu hộ vệ Type 056. Bài viết cho rằng, với sự tiến bộ của sức mạnh quốc gia tổng hợp và khoa học công nghệ quốc phòng, hiện nay Hải quân Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển tốc độ cao chưa từng có, từ tàu sân bay cho đến tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tấn công trên biển, tên lửa đất đối hạm, tên lửa đạn đạo chống hạm…

Do nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang đói khát về năng lượng, sự phụ thuộc vào bên ngoài ngày càng lớn, nên Trung Quốc có nhu cầu ngày càng cấp bách giải quyết cái gọi là “tranh chấp trên biển” với các nước khác.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã tập trung vào chế tạo tàu hộ vệ tàng hình hạng nhẹ Type 056 và đã biên chế cho hải quân của họ mặc dù Bắc Kinh vẫn chủ trương phát triển hải quân tác chiến xa bờ. Tuy nhiên, bài học từ chiến tranh Giáp Ngọ và cuộc tấn công Trung Quốc của liên quân 8 nước trước đây cho thấy, Trung Quốc trước hết muốn phòng thủ chắc chắn ở các vùng biển gần, rồi mới nói đến phát triển hải quân mạnh tác chiến ngoài khơi.

Tàu hộ vệ Type 056
Tàu hộ vệ Type 056

Đồng thời, với sự chuyển đổi trọng tâm tác chiến của Hải quân Trung Quốc, khả năng tác chiến biển gần cũng được tăng cường, từ đó đối phó với các “mối đe dọa” mới, tạo “hậu phương vững chắc” cho tác chiến cơ động biển xa của Hải quân Trung Quốc.

Vì vậy, theo tư duy chiến lược đó, trong tình hình Trung Quốc không ngừng đưa ra những tàu chiến tầm xa cỡ lớn mới, họ cũng tập trung phát triển những tàu chiến cỡ vừa và nhỏ có khả năng tác chiến ở những vùng biển xung quanh, chẳng hạn tàu cao tốc tàng hình mang tên lửa Type 022.

Nhưng tàu cao tốc tàng hình mang tên lửa Type 022 phần lớn sử dụng cho tác chiến chống hạm, tính năng tổng hợp hoàn toàn không mạnh. Vì vậy, Trung Quốc có nhu cầu nhanh chóng phát triển một loại tàu hộ vệ cỡ nhỏ có khả năng tác chiến tổng hợp, thực hiện các nhiệm vụ như chống hạm, chống tàu ngầm, truy đuổi và tấn công mục tiêu trên đất liền ở các vùng biển gần, đồng thời phối hợp với tàu cao tốc Type 022.

Vì thế, tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 do Trung Quốc đã phát triển sẽ có 3 tác động lớn: Một là, phòng thủ biển gần. Trong lịch sử, sự phát triển của tàu nổi Hải quân Trung Quốc cơ bản có xu thế hai cực: Hoặc là phát triển tàu nổi cỡ lớn có khả năng tác chiến biển xa, hoặc là phát triển tàu cao tốc cỡ nhỏ để phòng thủ biển gần, rất ít phát triển tàu chiến biển gần hạng nhẹ giữa hai loại trên.

Tàu hộ vệ Type 056
Tàu hộ vệ Type 056

Tàu chiến cỡ lớn dùng để tác chiến biển xa như tàu khu trục dòng 051 có lượng giãn nước gần 4.000 tấn, tàu hộ vệ dòng 053 có lượng giãn nước trên 2.000 tấn. Còn tàu chiến cỡ nhỏ như các loại tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu cao tốc tên lửa và tàu ngư lôi với số lượng khá nhiều. Lượng giãn nước của chúng đều chỉ vài trăm tấn, cơ bản chỉ có thể phù hợp với tác chiến phòng thủ ven bờ. Chúng chủ yếu phối hợp với lực lượng phòng thủ bờ biển tấn công đối phương xâm lược, không có khả năng tác chiến biển gần.

Hiện nay, Trung Quốc đã cho ra đời tàu hộ vệ Type 056 là để lấp đi chỗ trống đó, cải thiện hệ thống phòng thủ của Hải quân Trung Quốc, đồng thời có khả năng tấn công tầm xa nhất định, lấp đi kẽ hở phòng thủ cho Hải quân nước này, dự kiến sẽ nhanh chóng trở thành chủ lực phòng thủ biển gần của Hải quân của họ.

Có quan điểm cho rằng, Trung Quốc thiết kế tàu hộ vệ Type 056 chuyên dùng để đối phó với tàu tuần duyên (chiến đấu duyên hải) của Mỹ được triển khai ở Biển Đông. Thậm chí tàu hộ vệ Type 056 được tin là đóng vai trò bảo vệ cho tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh. Trong thời gian biên đội tàu sân bay đậu tại bến cảng, tàu Type 056 sẽ làm nhiệm vụ cảnh giới.

Tàu hộ vệ Type 056
Tàu hộ vệ Type 056

Hai là, hộ tống vận tải biển. Cải cách mở cửa của Trung Quốc ngày càng diễn ra sâu sắc, phụ thuộc ngày càng lớn vào thương mại với bên ngoài, nhu cầu năng lượng nhập khẩu cũng tăng mạnh. Dự báo, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có 60% dầu mỏ phải nhập khẩu của nước ngoài, vận chuyển thương mại ở nước ngoài chủ yếu dựa vào vận tải biển, an ninh biển đã trở thành bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia.

Hiện nay, các tàu làm nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden, vùng biển Somalia đều là tàu chiến chủ lực của Hải quân Trung Quốc, như các tàu Type 052B, 052C, 054, 054A, 071  đều là lực lượng tác chiến chính kiểu mới nhất do Trung Quốc mới chế tạo và đưa vào biên chế cách đây không lâu. Chúng được sử dụng để đối phó với cướp biển quy mô nhỏ, nhiều người ví von, Bắc Kinh thịt gà dùng dao mổ trâu.

Nhưng, xét tới Hải quân Trung Quốc thiếu nghiêm trọng kinh nghiệm tác chiến và hoạt động ở biển xa, vì vậy họ đưa tàu chủ lực đi hộ tống nhằm mục đích thử nghiệm tính năng ngoài biển xa của tàu chiến mới và luyện khả năng tác chiến biển xa cho Hải quân, từng bước tích lũy kinh nghiệm. Song, nếu đang ở trong thời chiến thì Trung Quốc sẽ không sử dụng tàu chiến chủ lực để làm nhiệm vụ đó, mà do bộ phận hậu cần và chi viện. Hải quân Trung Quốc rõ ràng thiếu tàu chiến thích hợp cho thực hiện nhiệm vụ này.

Do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ hộ tống, làm cho tàu hộ tống không cần phải  trang bị các loại vũ khí và thiết bị điện tử có chức năng đầy đủ như tàu chiến chủ lực. Vì vậy, tàu hộ vệ Type 056 đưa vào sử dụng có thể thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, sau khi được biên chế, tàu Type 056 chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra cảnh giới, độc lập hoặc hiệp đồng tác chiến săn ngầm, tác chiến đối hải ở biển gần với các lực lượng khác.

Tàu hộ vệ Type 056
Tàu hộ vệ Type 056

Sau khi trang bị loại tàu chiến này, Hải quân Trung Quốc có thể để cho các loại tàu chiến chủ lực thôi làm nhiệm vụ hộ tống biển xa, tập trung vào “huấn luyện tác chiến biển xa” nặng nề hơn.

Ba là, đối phó với tranh chấp đảo. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh áp đặt chủ trương chủ quyền trên biển và tìm cách tranh đoạt các nguồn tài nguyên biển. Bài báo cho rằng, mặc dù Trung Quốc sở hữu lượng lớn tàu chiến biển xa cỡ lớn, có khả năng tác chiến tương đối mạnh, có thể phát động tấn công đối với đối phương, nhưng Trung Quốc không nên sử dụng chúng cho tuyến đầu xung đột.

Trong khi đó, lực lượng tác chiến biển gần của Trung Quốc như các loại tàu tên lửa, tàu hộ vệ thường chỉ có chức năng đơn nhất, phạm vi tác chiến nhỏ, nơi xảy ra tranh chấp là chuỗi đảo thứ nhất lại nằm ngoài phạm vi tác chiến của chúng. Vì vậy, phát triển một loại tàu hộ vệ hạng nhẹ đa năng có khả năng tác chiến tổng hợp, tiến hành tác chiến ở bên trong và bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất sẽ thích hợp với nhiệm vụ nêu trên.

Theo bài báo, mặc dù tàu hộ vệ Type 056 có hỏa lực không mạnh bằng tàu chiến chủ lực, nhưng “để để ứng phó với xung đột trên biển”, nó được trang bị pháo 76 mm, tên lửa chống hạm và ngư lôi chống tàu ngầm, có năng lực phòng không nhất định. Vì vậy, nó tương đối phù hợp trên các mặt khi tác chiến ở biển gần. Dưới sự yểm hộ của hỏa lực trên bờ, loại tàu hộ vệ hạng nhẹ này “có thể đảm đương bất cứ nhiệm vụ phòng thủ đảo, đá nào”, khi tuần tra cũng kinh tế và thiết thực hơn so với tàu chiến chủ lực.

Vũ khí của tàu hộ vệ Type 056
Vũ khí của tàu hộ vệ Type 056

Trung Quốc chế tạo và biên chế tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 cho thấy họ quan tâm đến tác chiến ở các vùng biển gần, phục vụ cho tham vọng lãnh thổ trên biển. Họ có thể sử dụng tàu hộ vệ Type 056 như một loại tàu tuần tra biển gần, khi cần thiết sẽ phối hợp với tàu chiến chủ lực tham gia nhiệm vụ tác chiến biển xa, trong thời bình có thể thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra, bảo vệ ngư dân, hộ tống, “bảo vệ chủ quyền” và các nhiệm vụ tác chiến khác ở các “vùng biển gần, vùng đặc quyền kinh tế”. Đây là loại tàu hộ vệ mới có giá trị kinh tế và đa năng.

Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)