Trung Quốc thọc vào Hoa Đông hòng kéo Nhật khỏi Biển Đông

30/12/2015 14:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc không muốn Nhật Bản tiếp tục can thiệp vào Biển Đông. Cuộc chiến của Trung Quốc ở Hoa Đông và việc phát triển lực lượng Cảnh sát biển...

Bloomberg ngày 30/12 bình luận, giữa lúc quan hệ Trung - Nhật đang căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, tuần này lại nổ ra tranh cãi mới giữa 2 nước khi 3 tàu Trung Quốc, gồm 1 tàu khu trục có vũ trang cũ của hải quân tiến vào 12 hải lý quanh quần đảo Senaku ở Hoa Đông mà Nhật Bản đang kiểm soát, một quan chức chính phủ Nhật cho biết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề APEC năm ngoái tại Bắc Kinh. Ảnh: The Wall Street Journal.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề APEC năm ngoái tại Bắc Kinh. Ảnh: The Wall Street Journal.

Giulio Pugliese từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc đại học Heidelberg nói với Bloomberg: "Trung Quốc không muốn Nhật Bản tiếp tục can thiệp vào Biển Đông. Cuộc chiến của Trung Quốc ở Hoa Đông và việc phát triển lực lượng Cảnh sát biển của nước này nhắc nhở Nhật Bản về những nguy cơ kéo dài nếu hải quân Nhật Bản xuất hiện ở vùng biển Đông Nam Á xa xôi".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau 2 lần kể từ năm ngoái và cam kết giảm nguy cơ xung đột trên biển Hoa Đông. Nhưng căng thẳng giữa 2 nước đã leo thang trong những tuần gần đây khi các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có vũ trang đã xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều ở vùng biển xung quanh Senkaku.

"Trong tương lai gần, khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhiều hơn và hoạt động của Cảnh sát biển Trung Quốc ở Senkaku tăng cao, thậm chí sẽ xảy ra những cuộc chạm trán, đối đầu với Cảnh sát biển Nhật Bản với những tàu có vũ trang mới hơn và lớn hơn.

Đây là điều đáng lo ngại đến mức người Nhật sẽ nhận ra rằng, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách năng lực với mình, làm yếu những lợi thế về chất lượng của Cảnh sát biển Nhật Bản từ lâu được xếp trên các lực lượng tương ứng của Trung Quốc", Koh Swee Lean, một cộng tác viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế trường S. Rajaratnam, Singapore cho biết.

Gần đây Mỹ và Nhật Bản đã phản ứng cứng rắn hơn trước hoạt động quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành với hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp). Nhật Bản phản ứng bằng cách tăng quân đóng ở Hoa Đông và chuẩn bị triển khai tên lửa chống hạm tên lửa phòng không trên một chuỗi đảo ở Hoa Đông.

Tuy nhiên người viết cho rằng, với những gì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện trong việc bảo vệ tự do hàng không, hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, âm mưu này của Trung Quốc có thể gây khó khăn nhất định cho Nhật nhưng không thể làm thay đổi quyết tâm của Tokyo. Dù Biển Đông căng thẳng hay không, Nhật Bản vẫn phải luôn sẵn sàng bảo vệ Senkaku, và Biển Đông càng căng thẳng thì Nhật Bản càng cảnh giác trước những âm mưu bành trướng lãnh thổ.

Nhật Bản, Hoa Kỳ và mới đây nữa là Ấn Độ có tiếng nói, hành động ngày càng quan trọng ở Biển Đông là để bảo vệ quyền tự do, an ninh hàng không hàng hải cho tuyến đường thương mại trên biển trọng yếu hàng đầu, đồng thời cũng để giữ sự cân bằng chiến lược và trật tự quốc tế, trật tự châu Á - Thái Bình Dương sau chiến tranh. Không thể để Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc, không thể để Bắc Kinh xưng hùng xưng bá trong khu vực dưới mỹ từ trỗi dậy hòa bình.

Hồng Thủy