"Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân"

01/02/2017 08:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Trung Quốc không làm rõ những thông tin trên, những gì họ nói và làm dường như khiến cho phần còn lại của thế giới phải tự hiểu, Bắc Kinh nói một đằng...

The Washington Free Beacon ngày 31/1 đưa tin, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm phiên bản mới của một tên lửa tầm xa có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân. Đây là sự thay đổi đáng kể trong sức mạnh hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh.

Vụ thử nghiệm tên lửa DF-5C được tiến hành đầu tháng này sử dụng 10 đầu đạn. Hoạt động này nằm trong sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, hai quan chức quen thuộc với báo cáo về vụ thử nghiệm tên lửa cho biết.

Quả tên lửa này được phóng đi từ Trung tâm Không gian Thái Nguyên ở miền Trung Trung Quốc và bay đến sa mạc phía Tây nước này. Không có thêm các thông tin chi tiết khác xung quanh vụ thử tên lửa.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross cho biết, Lầu Năm Góc thường xuyên theo dõi sự phát triển quân sự của Trung Quốc và tính toán khả năng phòng thủ của Hoa Kỳ.

Hình minh họa, nguồn: Youtube.
Hình minh họa, nguồn: Youtube.

Vụ thử nghiệm này rất quan trọng, vì nó cho thấy lực lượng tên lửa chiến lược bí mật của Trung Quốc đang gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của họ.

Ban đầu, ước tính Trung Quốc có khoảng 250 đầu đạn hạt nhân.

Khi Trung Quốc nâng cấp từ tên lửa mang 1 đầu đạn hạt nhân hoặc 3 đầu đạn hạt nhân lên tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân có nghĩa là, số đầu đạn hạt nhân dự trữ lớn hơn so với ước tính 250.

Lực lượng vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ hiện nay, kể cả trên đất liền hay trên biển đều được bố trí để ngăn chặn các lực lượng hạt nhân ngày càng lớn của Nga và lực lượng hạt nhân nhỏ hơn của Trung Quốc.

Năm 2010 Mỹ và Nga ký với nhau Hiệp ước Start về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược, thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược năm 1991. Cột mốc mới mà Washington và Moscow cần đạt là hạ con số đầu đạn hạt nhân hiện có của mỗi bên xuống 1.550 đầu đạn.

Nếu Trung Quốc tăng số đầu đạn hạt nhân trong kho lên 800 hoặc 1000 quả, có khả năng sẽ khiến Lầu Năm Góc tăng số đầu đạn hạt nhân của Mỹ, bằng cách lôi chúng ra khỏi kho.

Tướng John Hyton, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ xác nhận trước Thượng viện tháng Chín năm ngoái rằng:

"Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân của họ và đang phấn đấu cho một khả năng đánh trả an toàn.

Mặc dù họ vẫn tiếp tục tuyên truyền học thuyết "Trung Quốc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước", Bắc Kinh tiếp tục nâng cấp công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa để mang nhiều đầu đạn hạt nhân và công nghệ phóng tốc độ cao.

Những phát triển mới này gắn liền với sự thiếu minh bạch trong vấn đề hạt nhân, quy mô và kích cỡ lực lượng tên lửa hạt nhân có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược của khu vực, là nguyên nhân khiến khu vực tiếp tục phải cảnh giác, quan tâm".

"Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân" ảnh 2

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết: Trung Quốc không bá chủ, không bành trướng

(GDVN) - Làm được những việc này, không những tên tuổi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lưu danh thiên cổ, mà vị thế và uy đức của Trung Hoa cũng không thể nghĩ bàn.

Tuần trước, kênh truyền hình CCTV4, Trung Quốc phát sóng về các mối đe dọa hạt nhân, trong đó xuất hiện bản đồ họa tên lửa đạn đạo DF-41 được triển khai ở miền Bắc nước này.

Đặc biệt là hình ảnh đồ họa cho thấy quỹ đạo tấn công của tên lửa DF-41 nhằm vào Hoa Kỳ. Ngày 25/1, CCTV4 phát sóng hình ảnh một quả tên lửa liên lục địa DF-41 mang 10 đầu đạn hạt nhân.

Rick Fisher, một nhà phân tích của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và quốc tế cho biết, Trung Quốc thử nghiệm tên lửa mang nhiều đầu đạn dường như nhắm mục đích gửi tín hiệu cho chính quyền Donald Trump vì phát biểu của ông về Đài Loan, quân sự hóa Biển Đông. [1]

Điều đáng nói là, những cổ súy phát triển kho vũ khí hạt nhân trên Thời báo Hoàn Cầu hay hình ảnh vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa, từ chỗ gắn 1 hoặc 3 đầu đạn lên 10 đầu đạn xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia CCTV4 ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc nói chưa ráo miệng:

"Vũ khí hạt nhân nên được cấm hoàn toàn và tiêu hủy dần theo thời gian, để thế giới này không còn loại vũ khí hủy diệt ấy". [2]

Nếu Trung Quốc không làm rõ những thông tin trên, những gì họ nói và làm dường như khiến cho phần còn lại của thế giới phải tự hiểu, Bắc Kinh nói một đằng, làm một nẻo?

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử dạy rằng: "giảo ngôn lệnh sắc, tiên hĩ nhân", nghĩa là người nào khéo miệng, sắc mặt giả dối, thì kẻ ấy ắt hẳn ít có lòng nhân.

Vì vậy, muốn tạo được uy tín thì không có cách nào khác là bản thân phải giữ chữ tín, như Tăng Sâm mỗi ngày đều tự vấn: dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ? Giao thiệp với bạn bè, có chân thành và uy tín hay không?

Ngày nào chữ tín còn chưa được thực sự coi trọng, ngày nào ý thức thượng tôn pháp luật quốc tế còn bị xem nhẹ, Khổng Tử và các bậc tiền hiền Trung Hoa còn bị đem ra phục vụ các mục đích chính trị, thì ngày đó giấc mộng Trung Hoa vẫn còn xa.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://freebeacon.com/national-security/china-tests-missile-10-warheads/#

[2]http://www.channelnewsasia.com/news/world/xi-calls-for-world-without-nuclear-weapons-equality-for-all/3448894.html

Hồng Thủy