Trượt lớp 10 công lập không phải là đã hết!

30/06/2021 06:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gia đình cần chia sẻ giúp các em nhận ra rằng kết quả thi đó có thể không phản ánh hết năng lực của bản thân, còn cả hành trình quan trọng phía trước.

Năm học 2021-2022, Hà Nội có hơn 93.000 thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập. Theo chỉ tiêu, 122 trường trung học phổ thông công lập, công lập tự chủ tài chính sẽ có khoảng hơn 60.000 thí sinh trúng tuyển.

Với 102 trường tư thục và công lập tự chủ tài chính sẽ có hơn 25.000 chỉ tiêu trúng tuyển. Còn lại khoảng 7.000 thí sinh có thể vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên...

Sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập, rất nhiều học sinh không đỗ đã chuyển hướng, vào trường ngoài công lập.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho biết: “Theo tôi năm nay đề thi khá dễ nên có rất nhiều em đạt điểm cao, vì vậy mà điểm chuẩn của các trường cũng sẽ tăng. Năm nay, trường chúng tôi có mức chuẩn là 50 điểm trong khi năm 2019 là 46,5 điểm.

Không trúng tuyển vào lớp 10 công lập nhưng các em còn nhiều cơ hội khác để phát triển, bởi hiện nay mô hình trường ngoài công lập đang được phát triển khá mạnh cả về quy mô, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy và chất lượng cũng rất tốt.

Phụ huynh và các em cần bình tĩnh, cũng đừng thất vọng bởi đã không thực hiện được mong muốn ban đầu. Điều quan trọng lúc này là cần lựa chọn ngay những trường Trung học phổ thông phù hợp với năng lực học tập của chính bản thân thí sinh để theo học, cần phấn đấu hoàn thành 3 năm học cuối cấp với kết quả tốt nhất”.

Thực tế hiện nay vẫn nhiều phụ huynh vẫn có suy nghĩ trường công là sự lựa chọn tốt nhất và áp đặt tư tưởng ấy cho con mình. Chính điều này đã gây áp lực không hề nhỏ lên các em và vô tình các bậc cha mẹ cũng đã tự tạo thêm áp lực cho mình. Khi các con thi trượt dẫn đến tự xấu hổ với bản thân, không khí gia đình cũng kém vui, điều này có ảnh hưởng khá lớn, tác động nhiều đến tâm lý của các con.

Theo cô Nhiếp: “Có một số lý do khiến nhiều em học sinh không đạt đủ điểm vào các trường công lập bởi có thể các trường đã lấy đủ chỉ tiêu, vì lực học chưa bằng các bạn, hoặc thiếu một chút may mắn.

Theo tôi với sự phát triển của xã hội, giờ đây thị trường phát sinh thêm khá nhiều ngành nghề mới nên nhu cầu nhân lực ngày càng thiếu, vậy nên việc không thi đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa đã đóng bởi vẫn còn rất nhiều mô hình đào tạo khác để các con lựa chọn.

Tôi biết có nhiều ông bố bà mẹ mặc dù con thi đủ điểm vào trường công lập nhưng họ vẫn hướng cho con mình nộp hồ sơ vào trường tư thục, bởi theo quan điểm của họ, trường công lập và tư thục đều được phát triển song song, mỗi bên có một thế mạnh riêng và họ muốn con mình được học trong môi trường tốt hơn nữa, tất nhiên là chi phí cũng sẽ cao hơn”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học trường tư thục cũng có rất nhiều cơ hội thành công

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Thành viên tổ tư vấn Uỷ ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, chia sẻ: "Việc các em bị trượt vào lớp 10 trường cấp 3 công lập, hãy coi đó là bài học kinh nghiệm để cố gắng hơn nữa với các kỳ thi tiếp theo bởi hiện nay các em còn quá trẻ, còn rất nhiều cơ hội khác đang chờ đón.

Những thí sinh không có nguyện vọng học tiếp lên trình độ đại học, thì việc học nghề theo mô hình 9+ đang là một ngã rẽ phù hợp. Hầu hết trường trung cấp hay cao đẳng hiện nay đều đã triển khai hệ đào tạo này. Rõ ràng, trung học phổ thông không phải là con đường duy nhất bởi vẫn còn có những cánh cửa khác đang mở ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Đây là thời điểm mỗi gia đình cần hiểu đúng năng lực của con em mình, mức độ hỗ trợ của phụ huynh để quyết định mở cánh cửa nào phù hợp nhất cho tương lai các em. Chọn một trường ngoài công lập thật tốt, chấp nhận một khoản đóng học phí cao hơn nhiều so với trường công lập, nhưng theo tôi đây là một khoản xứng đáng đáng để đầu tư.

Học tại trường tư thục không phải là điều quá kinh khủng mà ở đó các con sẽ được học các kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém gì so với các trường công lập. Thậm chí còn có cách học ngoại ngữ rất mới, được trải nghiệm tốt hơn, như vậy có thể nói là các con không hoàn toàn mất hết cơ hội.

Thực tế hiện nay vẫn nhiều phụ huynh mang tư tưởng “sính” trường công và mặc nhiên áp đặt tư tưởng ấy cho con mình. Đa số phụ huynh vẫn nghĩ trường công là mô hình có bao cấp hoặc con em phải vào trường công mới danh giá, là đúng hướng, nhưng lại không quan tâm đến việc đó có phù hợp với con mình hay không".

Nhiều trường tư thục đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến, đó cũng là một lợi thế, một sự lựa chọn đúng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Nhiều trường tư thục đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến, đó cũng là một lợi thế, một sự lựa chọn đúng. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Sau mỗi mùa thi lại có những câu chuyện buồn xảy đến, đặc biệt là đối với những thí sinh không đạt được sự kỳ vọng như ban đầu.

Do đó, người lớn cần chia sẻ cho các em nhận ra rằng kết quả thi có thể không phản ánh hết năng lực của bản thân. Thất bại chưa chắc đã phải do bản thân yếu kém, mà do các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, phương thức học tập chưa hiệu quả… những người dừng lại sau cú ngã mới là người thất bại. Ngược lại, nếu biết rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại để đi tiếp, thì đó mới là người thành công trong tương lai.

Có nhiều nhà phát minh vĩ đại trên thế giới đã từng thất bại hàng nghìn lần, họ coi mỗi lần thất bại là một cơ hội học hỏi, và kết quả là cuối cùng họ đã đem lại cho nhân loại những phát minh như ánh sáng, các nghiên cứu về Y tế… Thành công nó không bắt buộc ta phải học trường này hay trường kia. Nếu so điểm số hoặc thành tích học tập thông thường mà đánh giá con người thì nhà khoa học Edison hay Einstein cũng sẽ bị coi là học kém.

Theo tôi, các bậc phụ huynh nên truyền tải những thông điệp như vậy cho con mình, giúp các con thay đổi nhận thức, nhìn sự việc với con mắt tích cực để có thể chinh phục những thử thách tiếp theo, cuộc sống mới chỉ bắt đầu, còn nhiều cơ hội nữa sẽ đến với các con.

Ngoài ra có thể theo học tại trường tư thục, thực tế cho thấy không ít trường Trung học phổ thông ngoài công lập vẫn có tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học công lập với điểm số khá cao.

Nhiều trường tư thục thậm chí đi đầu trong việc áp dụng các mô hình giáo dục hiện đại, các phương pháp dạy học tiên tiến, đó cũng là một lợi thế, một sự lựa chọn hoàn toàn đúng.

Xét cho cùng, tương lai của mỗi con người là tìm được một nghề nghiệp phù hợp với năng lực, ổn định để đem lại thu nhập nhằm nuôi sống bản thân và gia đình mình. Chính vì thế, việc thí sinh không đậu tuyển sinh vào lớp 10 công lập không phải là kết thúc quá trình học của mình. Nhiều cơ hội, nhiều cánh cửa mới sẽ được mở ra cho các em lựa chọn”.

Tùng Dương