Ts Trần Công Trục: Truyện Kiều và thông điệp cho quan hệ Việt-Mỹ

12/07/2015 07:05
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Từ chỗ "tan sương đầu ngõ" đến "vén mây giữa trời" là còn cả một chặng đường. Vấn đề đặt ra là ai sẽ vén? Vén như thế nào? Nếu hiểu Biển Đông như "bầu trời"...

LTS: Xung quanh chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt Mỹ, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ bình luận xung quanh kết quả chuyến thăm và một số dự báo, mong muốn hy vọng về tình hình Biển Đông, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thanh tâm điểm chú ý của dư luận trong và ngoài nước tuần qua. Bên cạnh tính lịch sử của hoạt động bang giao giữa hai nước trong sự kiện này, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Việt - Mỹ cũng như ý định thực sự của Mỹ ở Biển Đông ra sao được thể hiện qua chuyến thăm cũng là nội dung được dư luận theo dõi sát sao với rất nhiều hy vọng.

Trong cơ thanh khí tương tầm

Một "bất ngờ" về mặt ngoại giao là khi chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lẩy 2 câu Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để kết thúc cho bài phát biểu chào mừng. Động thái này không chỉ cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ tham mưu cho ông Biden đã quá giỏi mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp đằng sau.

Khi đọc Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ mà hai bên ký kết trong chuyến thăm của Tổng bí thư cũng như chứng kiến thịnh tình, chân tình của người Mỹ khi tiếp phái đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, phát ngôn của hai phía về tình hình hiện nay trên Biển Đông, nhiều người đã dấy lên niềm hy vọng.

Người Việt không ngây thơ trông chờ Mỹ đem quân "cứu" Việt Nam một khi nổ ra chiến tranh trên Biển Đông, nhưng hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông.

Phía Mỹ cũng đã khẳng định những điều này. Như vậy có thể nói đây chính là điểm hội tụ lợi ích chiến lược của Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như khu vực nói chung ở Biển Đông. Để nổ ra chiến tranh không ai có lợi, nhưng để chủ nghĩa bành trướng quân sự, thói sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế lên ngôi ở Biển Đông thì lại càng bất lợi cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ, bởi vậy hai bên cần hợp tác ngăn chặn điều này.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nâng ly chúc mừng sau khi ông Biden lẩy Kiều kết thúc bài phát biểu chào mừng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nâng ly chúc mừng sau khi ông Biden lẩy Kiều kết thúc bài phát biểu chào mừng.

Nói như người xưa là "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Cụ Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:

"Trong cơ thanh khí tương tầm,
Ở đây hoặc có giai âm chăng là?"

"Ứng" vào quan hệ Việt - Mỹ hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ tìm đến nhau, tăng cường giao lưu hợp tác là do "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", nói cách khác là cùng có chung lợi ích, nhưng là lợi ích đúng đắn, hợp pháp, duy trì hòa bình ổn định, luật pháp quốc tế, chống đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông.

Còn "giai âm" trong Truyện Kiều là phán đoán của Kim Trọng về khả năng lầm lẫn 2 địa điểm Thúy Kiều lưu lạc, Lâm Thanh và Lâm Truy cũng nhắc nhở cả hai phía về những nghi vấn còn rơi rớt lại xung quanh chủ trương, chiến lược của nhau ở Biển Đông, cần ngồi lại trao đổi thẳng thắn cùng tháo gỡ.

Vén mây giữa trời

Hai câu Kiều mà ông Joe Biden trích dẫn có ý nghĩa đặc biệt. Một khi hai bên đã nhận thức được rằng "trời còn để có hôm nay", sau hàng chục năm chiến tranh khói lửa, nay hai bên có thể ngồi lại với nhau, làm bạn với nhau, giúp nhau phát triển và cùng nhau bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định, luật pháp quốc tế và trật tự ở Biển Đông là điều quý vô cùng. Khói súng đã không còn, sương đã tan đầu ngõ.

Quan hệ Việt - Mỹ đã đi qua một chặng đường dài, những nghi kỵ lẫn nhau do một thời từng là đối thủ như sương mù kín ngõ, không thấy đường đi nay đã tan biến. Nhưng từ chỗ "tan sương đầu ngõ" đến "vén mây giữa trời" là còn cả một chặng đường. Vấn đề đặt ra là ai sẽ vén? Vén như thế nào? Nếu hiểu Biển Đông như "bầu trời" trong ẩn dụ của câu Kiều này, thì rồi đây "bầu trời" sẽ trong xanh hay vẩn đục thêm? Đó là điều mà cả hai bên cần nghiêm túc suy nghĩ.

Đặt vấn đề này ra bởi lẽ các nội dung liên quan đến Biển Đông trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt - Mỹ vẫn là nhắc lại những đồng thuận mang tính nguyên tắc mà hai phía đạt được trước đó, thiếu một bước đột phá mà dư luận mong mỏi. Trong khi đó trên thực địa thì Trung Quốc ngày một hung hăng, mối đe dọa bành trướng lãnh thổ, xưng hùng xưng bá ở Biển Đông ngày một lớn thêm theo đà bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp các đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV).

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc thăm Mỹ, chỉ vài ngày sau thì Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "bồi lấp sắp xong" và chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng "phục vụ mục đích phòng thủ và dân sự" ở các đảo nhân tạo này.

Nội dung về Biển Đông trong chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Trường Long còn nhiều dấu hỏi, ảnh: Tân Hoa Xã.
Nội dung về Biển Đông trong chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Trường Long còn nhiều dấu hỏi, ảnh: Tân Hoa Xã.

Động thái này đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có tiếp tục ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc hay phản ứng ra sao? Liệu Mỹ có cho máy bay, tàu quân sự tiến vào 12 hải lý vùng biển vùng trời quốc tế quanh các rặng san hô, bãi đá ngầm mà Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp để Mỹ bảo vệ UNCLOS như đã tuyên bố hay không?

Đặc biệt là tháng 9 năm nay là lần đầu tiên ông Tập Cận Bình thăm chính thức Hoa Kỳ, nhưng cho đến giờ Trung Quốc không có dấu hiệu nào thay đổi hay "giảm tốc" các hoạt động bành trướng ở Biển Đông, ngài Obama sẽ nói gì với ông Tập Cận Bình về Biển Đông, đó là điều dư luận đang đặt câu hỏi.

Mấy lời tâm phúc ruột rà

Đã có những cái bắt tay nồng nhiệt, đã có những nụ cười rạng rỡ và chân thành của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khi tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng trong câu chuyện lợi ích, cả hai phía đều đến với nhau vì lợi ích quốc gia của mình, trong đó có những điểm chung với đối tác. Chỉ có điều Trung Quốc cũng là một đối tác lớn có lợi ích và mâu thuẫn đan xen mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều không thể bỏ qua trong quan hệ đối ngoại, làm thế nào để cân bằng nó là bài toán không đơn giản.

Trong vấn đề Biển Đông, liệu Hoa Kỳ có theo đuổi tới cùng mục tiêu bảo vệ hòa bình ổn định, duy trì luật pháp và trật tự quốc tế, chống đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực hay không nếu Bắc Kinh ngỏ ý đổi chác lợi ích trong các vấn đề quốc tế khác mà người Mỹ đang gặp khó khăn như khủng hoảng Ukraine, chủ nghĩa hồi giáo cực đoan IS, Trung Đông, hạt nhân Iran hay Bắc Triều Tiên?

Những điều này đã từng xảy ra khi Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 và ra Tuyên bố Thượng Hải, bởi vậy dù vui nhưng chưa thể hoàn toàn yên tâm:

"Vui là vui gượng kẻo mà,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai."

Ngược lại về phía Việt Nam, những băn khoăn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khi ông thăm chính thức Việt Nam về các hoạt động cải tạo, gia cố ở Việt Nam ở các điểm đóng quân canh giữ ngoài Trường Sa và kêu gọi các bên bao gồm Việt Nam dừng các hoạt động tương tự. Điều này cho thấy đã đến lúc người Việt chúng ta cũng phải đưa ra bộ hồ sơ pháp lý chứng minh chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông nói chung.

Muốn được bạn bè quốc tế ủng hộ, đầu tiên mình phải minh bạch và nhất quán, trước sau như một. Hãy cung cấp cho Hoa Kỳ và các bên quan tâm những chứng lý pháp lý có giá trị khẳng định chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông, chia sẻ tầm nhìn và lợi ích chiến lược với người Mỹ cũng như bạn bè có cùng quan tâm, cùng chung lợi ích mới có thể giành được sự ủng hộ. Sự ủng hộ và hỗ trợ chỉ có thể đến khi chính chúng ta chứng minh được rằng mình đúng, chính nghĩa thuộc về ta.

Việt Nam và Hoa Kỳ muốn hợp tác lâu dài đều nên đặt mình vào địa vị đối phương khi tính toán các lợi ích chiến lược. Trong hợp tác cần có sự chia sẻ chứ không thể chỉ đơn thuần là mong muốn, đòi hỏi từ phía đối phương.

Mong rằng Hoa Kỳ đã xác định tầm nhìn bảo vệ trật tự quốc tế, luật pháp quốc tế, tự do - an ninh hàng không hàng hải ở Biển Đông, chống các hành động vũ lực và đe dọa dùng vũ lực thì hãy kiên trì với mục tiêu của mình, người Việt nên và sẽ hết lòng hỗ trợ cho mục tiêu ấy. Xin mượn vài câu Kiều của cụ Nguyễn Du để kết thúc bài viết này tại đây:

"Từ rằng: Quốc sĩ xưa nay,
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?
Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!"

Ts Trần Công Trục