TS.Vũ Ngọc Hoàng: Cần 3 'TỰ' khi xây dựng văn hóa và phát triển nền GD toàn dân

08/04/2022 06:45
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đề nghị, nên dành hẳn một vài kênh truyền hình và một số trang điện tử miễn phí để phục vụ cho việc dạy học, giúp đỡ tự học cho mọi người.

LTS: Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu 3 tính cách của học sinh khi xây dựng văn hóa và phát triển một nền giáo dục toàn dân.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về công tác bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông hiện nay?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tất nhiên đây là một công việc có vị trí rất quan trọng. Chỉ có tự học, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều con đường, nhiều cách thức khác nhau mỗi học sinh mới có thể bù đắp được những thiếu khuyết về tri thức, những thứ người học cần và đang thiếu, về đời sống xã hội và trong công việc. Từ đó có được sự tự tin và nâng khả năng giải quyết các vấn đề.

Vấn đề tự học tự đào tạo của người học đã được nhiều ý kiến, nhiều văn bản nói đến trong những năm qua. Nghị quyết Trung ương V khóa 8 đã nêu: “Tập trung sức nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra năng lực tự học, tự sáng tạo của học sinh, sinh viên; Bảo đảm mọi điều kiện và thời gian tự học cho học sinh, sinh viên, phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân”.

Tự học thường xuyên là công việc quan trọng bậc nhất để người học trưởng thành. Khi đó người học chủ động hơn, làm chủ được sự học của mình, không thụ động, bị động, tư duy cũng độc lập hơn, mà tư duy độc lập chính là sự trưởng thành, tự mình.

Người học hiểu nhiều nhất những gì mình cần (trừ những trường hợp cá biệt người ta không biết mình cần gì…) nên việc tự học sẽ thiết thực nhất. Những bậc trí thức lớn chắc chắn là những người biết tự học và thường xuyên tự học. Tự học là con đường quan trọng nhất để thành trí thức. Tự học là đặc điểm hàng đầu của người trí thức.

Ảnh minh họa: nguồn trường Marie Curie, Hà Nội

Ảnh minh họa: nguồn trường Marie Curie, Hà Nội

Trong thực tế có những người không có bằng cấp gì đáng kể nhưng họ rất giỏi, hơn nhiều người có bằng cấp cao. Mỗi kiến thức ở nhà trường thì khó mà thành trí thức lớn. Nói vậy không có nghĩa là học ở trường không quan trọng, mà ngược lại nó tạo nền tảng ban đầu để trên cơ sở đó mà tiếp tục tự học suốt đời.

Và trong đó, giúp học trò biết cách tự học, phát triển năng lực tự học là việc quan trọng nhất để người học ấy đi mãi đến cuối đời. Đổi mới giáo dục thực chất là đổi mới cách học, còn cách dạy và cách quản lý chẳng qua cuối cùng là cũng để giúp cho cách học được tốt hơn.

Đã có những ý kiến nghiên cứu cho rằng, khi nghe giảng học sinh chỉ tiếp thu được một phần kiến thức, tự học tiếp thu nhiều hơn hẳn, tự học trong/bằng công việc thực tế sẽ tiếp thu được nhiều nhất.

Phóng viên: Để xây dựng văn hóa và phát triển một nền giáo dục toàn dân thì cần xây dựng những tính cách nào cho học sinh, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cho rằng, cần xây dựng 3 tự (tự trọng, tự học, tự chủ). Đây là ba nội dung quan trọng nhất trong xây dựng văn hóa và phát triển một nền giáo dục toàn dân, nó sẽ tác động lan ra nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Cần tập trung cao cho ba nội dung này, không dàn mỏng quá nhiều vấn đề.

Có trung thực thì sẽ biết tự trọng, với chính mình và trước cộng đồng. Biết tự trọng sẽ không làm việc xấu. Còn tinh thần độc lập tư duy và tự học sẽ làm phát triển năng lực cá nhân và cộng đồng. Độc lập tư duy cũng là tự chủ trong học tập, không thụ động, gần đồng nghĩa với tự học.

Tự chủ chính là sự trưởng thành. Tự chủ giúp con người ta trở thành chính mình. Nói giúp cho người học trưởng thành chính là giúp họ biết tự chủ. Không được tự chủ chẳng ai có thể trưởng thành. Nhiều dân tộc có cái văn hóa làm lễ “trưởng thành” cho trẻ em là một cách giúp trẻ em nhanh trưởng thành. Đối với người trưởng thành hoặc giúp cho họ trưởng thành thì phải tôn trọng tính tự chủ và độc lập tư duy của họ, không thể áp đặt, bắt họ phải nghĩ phải hiểu như mình, không được nghĩ khác.

Tôi đề nghị, nên dành hẳn một vài kênh truyền hình và một số trang điện tử miễn phí để phục vụ cho việc dạy học, giúp đỡ tự học cho mọi người. Thực hiện cấp phép mở và nối mạng hệ thống thư viện trong và ngoài nước để phát triển tài nguyên giáo dục mở (khuyến nghị của UNESCO).

Một trong vài môn học chính về giáo dục thể chất nên cho học võ thuật, vừa là tinh thần vừa là thể chất, góp phần làm cho dân tộc mạnh mẽ và có tinh thần thượng võ, dũng cảm và cao thượng, khoan dung.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)