TT Obama vạch ra thách thức của Libya thời hậu Gaddafi

21/10/2011 11:34
Nguyễn Hường (Theo Rian)
(GDVN) - Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử Libya, ngày nhân dân Libya kết thúc một chương dài và đau đớn,  nhưng vẫn còn một con đường dài phía trước.
Đó là một phần trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào tối ngày 20/10 sau khi thông tin về cái chết của Đại tá Gaddafi chính thức được Chính phủ chuyển tiếp Libya lên tiếng xác nhận.

"Hôm nay, chính phủ Libya đã công bố về cái chết của Muammar Gaddafi. Điều này đánh dấu sự kết thúc của một chương dài và đau đớn cho người dân Libya, những người đã có cơ hội để quyết định vận mệnh của mình tại một đất nước Libya mới và dân chủ.

Trong bốn thập kỷ, chế độ Gaddafi đã cai trị người dân Libya bằng một bàn tay sắt. Các quyền cơ bản của con người đều bị bác bỏ. Thường dân vô tội bị bắt giữ, đánh đập và giết hại. Sự giàu có của Libya được sử dụng một cách lãng phí. Tiềm năng to lớn của người dân Libya kìm hãm. Khủng bố được sử dụng như một vũ khí chính trị.

"Hôm nay, chúng tôi có thể nói dứt khoát rằng chế độ Gaddafi đã kết thúc. Đồn lũy của chế độ cũ đã giảm. Chính phủ mới đang củng cố sự kiểm soát của mình trên quy mô toàn quốc và một trong những nhà độc tài cai trị lâu nhất trên thế giới đã không còn" - Tổng thống Mỹ nói.

Khi chỉ ra một tương lai mới và tốt đẹp hơn của người dân Libya sau cái chết của Đại tá Gaddafi, Tổng thống Obama cũng đã không quên vạch ra những thách thức to lớn trước mắt của chính quyền non trẻ này.

"Những người dân Libya hiện nay có một trách nhiệm lớn lao trong công cuộc xây dựng một Libya khoan dung và dân chủ ... Chúng tôi mong đợi công bố giải phóng của đất nước Libya, sự hình thành nhanh chóng của một chính phủ lâm thời, và quá trình chuyển đổi ổn định trong cuộc bầu cử tự do và công bằng đầu tiên của Libya " - ông Obama nói.

Tổng thống Obama cũng cho biết thêm rằng, con đường đi tới dân chủ của đất nước Libya còn dài, còn quanh co và đầy rẫy khó khăn khi việc chuyển đổi quyền lực phải đối mặt với nhiệm vụ hòa giải với các bộ lạc ủng hộ Gaddafi.

Việc tái thiết đất nước Libya thời hậu chiến cũng có tầm quan trọng và nhiều khó khăn không kém, trong khi hàng ngàn người Libya đã thiệt mạng và vô số cơ sở hạ tầng bị phá hủy trong các cuộc xung đột đẫm máu kể tưừ tháng 8 và từ khi NATO triển khai các hoạt động quân sự nhằm lật đổ chế độ cũ ở Libya, và quốc khố đã cạn kiệt.

Kết thúc bài phát biểu của mình Tổng thống Obama đã lên tiếng hứa hẹn rằng: Mỹ "sẽ là một đối tác" của Libya trong quá trình tiến tới tự do và dân chủ và cam kết sẽ hộ trợ tài chính giúp  Libya tái thiết.

Nguyễn Hường (Theo Rian)