Từ bi

25/12/2015 14:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Muốn cứu rỗi bản thân và kẻ khác khỏi những khổ đau, phiền não trong cuộc đời này không thể thiếu sự cảm thông, lòng từ bi và thương xót.

BBC News ngày 25/12 đưa tin, trong bài giảng cho các tín đồ Thiên Chúa dịp Giáng sinh năm nay, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi: "Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy rẫy sự thờ ơ, nên càng phải thể hiện sự cảm thông, lòng từ bi và thương xót đồng loại".

Lời kêu gọi của người đứng đầu Vatican không chỉ mang ý nghĩa với 1,2 tỷ tín đồ của Tòa thánh, mà còn rất đáng để mỗi con người, mỗi nhà cầm quyền suy ngẫm để tìm ra lối thoát trong một xã hội ngày càng bất an bởi đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, bạo động và khủng hoảng.

Đức Giáo hoàng Francis đã có bài giảng đầy ý nghĩa trong dịp lễ Giáng Sinh, ảnh: BBC.
Đức Giáo hoàng Francis đã có bài giảng đầy ý nghĩa trong dịp lễ Giáng Sinh, ảnh: BBC.

Mở đường đối thoại

Sự cảm thông, lòng từ bi và thương xót đồng loại là những giá trị hết sức tốt đẹp và nhân văn mà bất cứ tôn giáo chân chính nào cũng đều hướng tới.

Muốn cứu rỗi bản thân và kẻ khác khỏi những khổ đau, phiền não trong cuộc đời này không thể thiếu sự cảm thông, lòng từ bi và thương xót. Và tất nhiên, để làm được điều này ngoài lòng từ bi, con người cần có trí tuệ, bởi trí tuệ sáng suốt mới giúp ta tránh được sai lầm.

Trong bối cảnh các tổ chức khủng bố, cực đoan đội lốt tôn giáo, đặc biệt là đội lốt Hồi giáo đang hoành hành và reo rắc khổ đau, sợ hãi khắp thế giới, rất cần những tiếng nói của người trong cuộc bảo vệ sự trong sáng của đạo Hồi.

Điều tốt đẹp này đã xảy ra. Theo đài VOA ngày 22/12, một nhóm người Hồi giáo Kenya đi trên một chiếc xe bus bị những tay súng Hồi giáo cực đoan phục kích, đã bất chấp nguy hiểm tính mạng để bảo vệ những hành khách khác theo đạo Thiên Chúa bằng cách từ chối làm theo đòi hỏi của những tên khủng bố.

Những hành khách đạo Hồi đã đưa khăn trùm đầu của mình cho những người không theo đạo Hồi trên xe bus gặp nạn. Những kẻ khủng bố đã ra lệnh cho hành khách xuống xe và đứng thành hai nhóm, người theo đạo Hồi và người không theo đạo Hồi. Tuy nhiên không người nào tách ra khỏi đoàn và những kẻ khủng bố đã phải bỏ đi.

Người cởi chuông

Hồi giáo chân chính đang là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, của những kẻ cuồng tín, cực đoan đội lốt đạo Hồi. Những giá trị nhân văn, tốt đẹp của đạo Hồi đang bị những kẻ đội lốt đạo Hồi đe dọa và hủy hoại. 

Thế giới Hồi giáo cũng đã bắt tay vào hành động chống khủng bố với việc ngày 14/12 vừa qua tại Riaydh, Saudi Arabia thành lập Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố gồm 34 nước. Họ ra tuyên bố chung kêu gọi đoàn kết các nước theo đạo Hồi đoàn kết lại, chống chủ nghĩa khủng bố đội lốt đạo Hồi.

Liên minh này khẳng định họ có nhiệm vụ bảo vệ các quốc gia Hồi giáo khỏi sự đe dọa của tất cả các nhóm khủng bố và các tổ chức giáo phái nào trên thế giới tạo điều kiện và nuôi dưỡng khủng bố để chúng có thể thực hiện những hành động tấn công giết chóc vào những người dân vô tội trên trái đất.

Những kẻ khủng bố đội lốt Hồi giáo thuộc tổ chức ISIS phải chăng cũng là những con bệnh cần được trị liệu?
Những kẻ khủng bố đội lốt Hồi giáo thuộc tổ chức ISIS phải chăng cũng là những con bệnh cần được trị liệu?

Tuy nhiên, nếu chỉ bằng súng đạn, e rằng khó có thể chặn đứng được các thế lực khủng bố đội lốt Hồi giáo. Bởi lẽ Mỹ, Nga, các nước châu Âu và cả thế giới Ả Rập đâu thiếu gì bom đạn.

Hàng tấn bom đạn, tên lửa đã nã xuống những thành phố, làng mạc ở Iraq và Syria, những nơi được cho là chỗ ẩn náu của ISIS, nhưng cho đến nay thắng bại vẫn bất phân. Trong khi đó hàng trăm ngàn người dân hai quốc gia này đã mất đi sinh mạng, người may mắn sống sót thì đang phải bán xới tha hương.

Kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố khét tiếng ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, sinh năm 1971 tại Samarrra, Iraq. Trước năm 2003, trùm khủng bố này từng là nhà truyền giáo, giảng sư về luật hồi giáo ở tỉnh Diyala miền Trung Iraq.

Theo phân tích của tình báo Mỹ và Iraq, Abu Bakr al-Baghdadi có bằng tiến sĩ về nghiên cứu Hồi giáo ở một trường đại học tại Baghdad. Tiểu sử chính thức của Abu Bakr al-Baghdadi trên các diễn đàn "thánh chiến" tháng 7/2013 nói rằng người này có bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong ngành nghiên cứu Hồi giáo từ Đại học Hồi giáo Baghda.

Nguyên nhân nào đã dẫn Abu Bakr al-Baghdadi tới con đường cực đoan, khủng bố khi là người rất am hiểu đạo Hồi? Trả lời câu hỏi này, có lẽ cần các nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới Hồi giáo vào cuộc, để bảo vệ mình và cũng là bảo vệ sự trong sáng của đạo Hồi và hòa bình, ổn định cho nhân loại.

Muốn cởi chuông cần phải tìm người buộc chuông. Bom đạn có thể tiêu diệt được những kẻ khủng bố nhưng không thể tiêu diệt được tư tưởng khủng bố khi đói nghèo, bạo loạn, bất công, chiến tranh, kỳ thị phân biệt tôn giáo, chủng tộc vẫn tồn tại, chủ quyền lãnh thổ và độc lập của các nước nhỏ vẫn chỉ là con cờ của các nước lớn mà đứng sau là những tay lái súng quốc tế.

Thế giới Hồi giáo cần vào cuộc, đánh thức lương tri bằng chính những giá trị nhân văn cao cả của tôn giáo mình trong những người đang bị tư tưởng khủng bố cực đoan, cuồng tín điều khiển.

Và lãnh đạo các siêu cường, thay vì chỉ chăm chăm kéo máy bay ném bom, tên lửa hành trình, tàu chiến đến nước khác để trình diễn và tiếp thị vũ khí dưới vỏ bọc chống khủng bố, hãy hợp tác với thế giới Hồi giáo, chủ động đối thoại và lắng nghe, tấn công thẳng vào sào huyệt của tư tưởng khủng bố, chủ nghĩa khủng bố.

Hồng Thủy