Tướng Thước: Cái gốc của tham nhũng chính là người đòi, nhận hối lộ

29/07/2013 13:26
Hoàng Lực (Thực hiện)
(GDVN) - "Cái gốc của tội tham nhũng là từ người đòi hối lộ và nhận hối lộ. Người nhận hối lộ “đẻ” ra tội hối lộ, nêu anh từ chối thì rõ ràng dù người đưa hối lộ có muốn cũng không hoàn thành mục đích của họ, do vậy cần phân định rõ đối tượng đưa hối lộ để xử lý và nghiêm trị người đòi hối lộ, người nhận hối lộ." Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết.
"Cần phân định rõ hai trường hợp đưa hối lộ"

Mới đây tại cuộc hội thảo về biện pháp phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức, có ý kiến cho rằng không nên xử lý người đưa hối lộ nhằm khuyến khích người dân tăng cường tố cáo hành vi nhận hối lộ và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho biết: hiện nay nhiều nước quyết định không xử lý người đưa hối lộ, ví dụ như Hàn Quốc, Singapore…. Trong khi đó theo ông Hiệp trong quy định hiện nay của chúng ta thì đưa hối lộ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự. Đây có thể là rào cản đối với người tố cáo tham nhũng...

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X người được biết đến với tính cách cương trực luôn thẳng thắn đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực trong xã hội.
Nói về hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, về nguyên tắc chung thì cả người đưa hối lộ và nhận hối lộ là một, cả hai đều nằm trong tội danh đưa hối lộ. Tuy nhiên người nặng tội nhất là người chủ mưu. 
Theo Tướng Thước, tuy về nguyên tắc đều là hành vi hối lộ nhưng bản chất của từng đối tượng lại khác nhau. Với người đưa hối lộ cần phân rõ hai trường hợp, thứ nhất người đưa hối lộ nhằm mục đích riêng của mình tức là chủ động hối lộ người khác để đạt được lợi ích riêng. Thứ hai là người đưa hối lộ bị người nhận hối lộ bằng cách nào đó ép buộc, nếu không đưa hối lộ sẽ gây khó dễ xử lý trong công việc.
“Trong vấn đề này nếu đưa ra pháp luật thì người nhận hối lộ phải bị xử lý mức cao nhất đặc biệt với những người cố ý, gợi ý ép buộc người khác đưa hối lộ mình thì phải xử lý nghiêm.

Vì người nhận hối lộ “đẻ” ra tội hối lộ, nêu anh từ chối thì rõ ràng dù người đưa hối lộ có muốn cùng không hoàn thành mục đích của họ được. Vì vậy cái gốc của tội này là người đòi hối lộ và nhận hối lộ ” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phân tích.
Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: người đưa hối lộ nếu xuất phát từ mục đích cá nhân, không chính đáng nhằm chuộc lợi ích của mình nên đi hối lộ thì quy vào tội đồng lõa với tội danh đưa hối lộ. Với trường hợp người đi hối lộ nhưng do bị ép buộc thì cần phải cân nhắc cẩn thận.
“Hai trường hợp đưa hối lộ khác nhau nên cần phân định rõ, với người đưa hối lộ do bị ép buộc không nên xử lý hình sự sẽ gây tâm lý e ngại tố cáo tham nhũng của người dân” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ ý kiến.  

"Cần giải quyết tận gốc rễ của vấn đề chống tham nhũng"


Để chống tham nhũng, theo Tướng Thước thì cần phải giải quyết từ gốc rễ vấn đề. Ở đây người nhận hối lộ nằm trong các cơ quan công quyền của nhà nước hoặc liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước. 
“Cho nên muốn giải quyết vấn đề này cần đi vào vấn đề làm trong sạch hóa bộ máy, cán bộ nhà nước của mình. Cụ thể là phải cải cách hành chính, quản lý cán bộ, giáo dục cán bộ. Nếu không có người nhận hối lộ thì người đưa hối lộ sẽ bị xứ lý ngay, cái gốc là giáo dục cán bộ trong các cơ quan bộ máy hành chính của mình” – Trung tướng Thước đưa ra giải pháp.
Trong hội thảo về các biện pháp phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức, có ý kiến cho rằng cần tham khảo các chính sách của các nước với người tố cáo tham nhũng. Trong đó đáng chú ý là việc sẽ trích một phần trăm nhất định số tiền, tài sản do tham nhũng mà có của người nhận tham nhũng thưởng cho người tố cáo hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước với người dân tố cáo hành vi tham nhũng quan trọng nhất là các cơ quan nhà nước phải bảo vệ an toàn cho người tố cáo tham nhũng. Về vấn đề lợi ích kinh tế cho người dân tố cáo tham nhũng, Tướng Thước cho rằng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Nhưng tóm lại những gì người tố cáo bị thiệt hại về kinh tế mà khi đã điều tra làm rõ vấn đề thì cần đền bù thiệt hại kinh tế cho người đi tố cáo. 
“Nếu người đi tố cáo hành vi tham nhũng là người bị ép buộc đưa hối lộ sau đó tố cáo hành vi này thì sau khi làm rõ vụ việc tài sản bị ép đưa hối lộ phải trả lại cho người tố cáo” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho hay.
Cùng chung ý kiến với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Đỗ Văn Đương, bày tỏ sự đồng tình về việc xem xét để không xử lý với trường hợp đưa hối lộ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “cần phải có sự phân tách rõ ràng về hành vi, đối tượng”.
Theo ông Đương, hiện có 2 dạng đưa hối lộ cần phân biệt đó là người đưa hối lộ bị ép buộc và người chủ động đưa hối lộ.

“Đối với người bị ép đưa nhưng họ không tự mình trực tiếp đưa hối lộ mà phải thông qua người khác thì cũng xem như là một dạng bị ép buộc thì có thể miễn vì chúng ta đang khuyến khích sự tố giác đó, nếu trị cả người bị ép buộc phải đưa thông qua người môi giới thì sẽ làm hạn chế công tác phòng chống tham nhũng”, ông Đương nói.
Hoàng Lực (Thực hiện)