Tướng Trung Quốc: Kim Jong-un sẽ phải trả giá đắt nếu không đi Bắc Kinh

25/05/2015 15:03
Hồng Thủy
(GDVN) - Từ Quang Dụ khẳng định, nếu Kim Jong-un không đi Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt, nhưng cái ông Dụ gọi là "giá đắt" thực sự là gì thì viên tướng này không nói.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên, ông Kim Jong-un.
Chủ tịch CHDCND Triều Tiên, ông Kim Jong-un.

Đài Phượng Hoàng, Hồng Kông có quan điểm thân Bắc Kinh ngày 23/5 phát sóng chương trình bình luận thời sự "Nhất hổ nhất tịch đàm". Kỳ này, Phượng Hoàng bình luận xoay quanh vấn đề liệu Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có sang Bắc Kinh dự kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Trung - Nhật hay không.

Các ý kiến đưa ra trong buổi tọa đàm bình luận này hầu hết cho rằng ông Kim Jong-un sẽ không đi, nhưng Từ Quang Dụ, một viên Thiếu tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu khẳng định: 90% Kim Jong-un sẽ sang Trung Quốc dịp 3/9 tới, nếu không nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải "trả giá đắt".

Có 2 lý do ông Dụ đưa ra để chứng minh khả năng Kim Jong-un "gần như chắc chắn" đi Bắc Kinh. Thứ nhất là cuộc duyệt binh lần này có ý nghĩa chính trị "quá trọng đại" nên lãnh đạo Triều Tiên không thể xem thường. Thứ hai, Kim Jong-un chắc chắn sẽ phải cân nhắc giữ một chút thể diện cho Trung Quốc và bởi Bắc Kinh đã "giúp Triều Tiên" quá nhiều.

Từ Quang Dụ khẳng định, nếu Kim Jong-un không đi Bắc Kinh sẽ phải trả giá đắt, nhưng cái ông Dụ gọi là "giá đắt" thực sự là gì thì viên tướng này không nói.

Các khách mời còn lại như Chương Văn, Hồ Nhất Hổ, Lý Đôn Cầu, Kim Sang-soon đều cho rằng ít khả năng ông Kim Jong-un sẽ dự duyệt binh tại Thiên An Môn 3/9 tới. Chương Văn cho rằng nếu đi Bắc Kinh, Kim Jong-un sẽ "khó ăn khó nói" với Putin khi Nga cũng là đồng minh chiến lược mời thì Chủ tịch CHDCND Triều Tiên không đi, Tập Cận Bình mời Kimg Jong-un lại đến.

Từ Quang Dụ làm khách mời của đài Phượng Hoàng.
Từ Quang Dụ làm khách mời của đài Phượng Hoàng.

Cùng quan điểm cho rằng ít khả năng Kim Jong-un đi Bắc Kinh dự duyệt binh 3/9, tờ Hoa Nam Buổi Sớm và Đa Chiều hôm nay cho rằng, lý do chính là vì nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên "thiếu cảm giác an toàn" khi xuất ngoại. Thời cố Chủ tịch Kim Jong-il, hai nước Trung - Triều vẫn có câu cửa miệng, tình hữu nghị của họ được "tạo nên từ máu đỏ". Nhưng khi Kim Jong-un lên nắm quyền, ông đã không coi ý kiến của Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ra gì.

Người chú rể là Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Jang Song-thaek được cho là thân Trung Quốc cũng bị Kim Jong-un hành quyết. Còn từ phía Trung Quốc, sau khi lên nắm quyền ông Tập Cận Bình đã phá lệ cũ, đi thăm Hàn Quốc trước và đến nay chưa đả động gì chuyện sẽ sang thăm Bắc Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un được cho là người lúc nào cũng lo sợ, ngay cả các "cận thần" ông cũng không tin. Đài TYN Hàn Quốc cho rằng, lo sợ đi nước ngoài sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực dễ bị lật đổ nên Kim Jong-un đã từ chối sang Nga, lần này cũng vậy, nhà lãnh đạo này sẽ không đi Trung Quốc.

Củng cố thêm lập luận này, Đa Chiều dẫn lại chuyện đảo chính ở Campuchia năm 1970 buộc hoàng thân Norodom Sihanouk lúc đó phải lưu vong. Ông nội Kim Jong-un là Chủ tịch Kim Nhật Thành khi đó đã dành riêng một biệt thự ở Bình Nhưỡng cho ông Sihanouk tá túc, ông Kim Jong-un chắc hẳn không thể không biết ít nhiều về chuyện này.

Đa Chiều bình luận, Kim Jong-un như "con chim phải đạn sợ làn cây cong" cũng không có gì là lạ. Ông được xác định kế vị khi sức khỏe của người cha đã xấu đi nhiều và Kim Jong-un chưa có đủ thời gian làm quen với thử thách, xác lập với quyền lực.

Chân dung các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân trên một bức pa-no tuyên truyền tại Trung Quốc.
Chân dung các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân trên một bức pa-no tuyên truyền tại Trung Quốc.

Quay sang Trung Quốc, Đa Chiều cho rằng giới quân chủ Trung Quốc lâu nay khi chọn người phó thác "con côi" thường phải suy tính 2 điều kiện: Một là tuyệt đối trung thành, hai là không có tướng mạo đế vương. Sau khi đưa Giang Trạch Dân lên, Đặng Tiểu Bình đã thu hồi quyền lực của anh em Dương Thượng Côn và Dương Bạch Băng trao lại cho 2 viên Thượng tướng nghỉ hưu, Lưu Hoa Thanh và Trương Chấn, phó thác cho 2 viên tướng này "phò tá" Giang Trạch Dân.

Đặng Tiểu Bình làm vậy không phải vì 2 anh em họ Dương không trung thành với mình, mà vì tài năng, chí hướng của họ không kém Giang Trạch Dân. Trong khi đó 2 viên tướng già đang "kinh nghiệm đầy mình" lại không có đất dụng võ, được làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương thì mừng hết chỗ nói nên sẽ không có ý đồ gì khác.

Nhìn lại các quan chức cấp cao, khai quốc công thần bên cạnh Kim Jong-un, Đa Chiều cho rằng mặc dù họ trung thành với Kim Nhật Thành là điều không có gì bàn cãi, nhưng chưa chắc đã coi trọng "ấu chúa" Kim Jong-un, trong khi những đại thần này quyền lực và kinh nghiệm đều rất lớn.

Bởi vậy "phò mã" Jang Song-thaek đương làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương hay Hyon Yong-chol, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng đều bị tiêu diệt cũng không phải chuyện gì khó hiểu. Có điều, các "đại thần" ở Bình Nhưỡng sẽ không chịu bó gối chờ chết, Đa Chiều bình luận.

Hồng Thủy