Tuyên bố đáng chú ý của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Liên Hợp Quốc

28/09/2013 07:53
Việt Dũng
(GDVN) - Ông Shinzo Abe tiếp tục thúc đẩy Nhật Bản trở thành "người tiên phong của chủ nghĩa hòa bình tích cực", "vì hòa bình và an ninh của thế giới".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu: Sẽ không nhượng bộ, nhưng cũng không làm leo thang tranh chấp với Trung Quốc
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu: Sẽ không nhượng bộ, nhưng cũng không làm leo thang tranh chấp với Trung Quốc

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 9 đưa tin, ngày 25 tháng 9 năm 2013 (giờ địa phương), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đến tham gia Đại hội Liên hợp quốc, đã phát biểu phản đối việc có dư luận cho ông là "cánh hữu".

Ông nói: "Nếu mọi người muốn gọi tôi là người theo chủ nghĩa quân phiệt cánh hữu, thì xin cứ tự nhiên đi". Ông cho hay: "Một quốc gia láng giềng" có chi tiêu quân sự mỗi năm tăng trên 10%, "Chính phủ của tôi" chỉ tăng 0,8% chi tiêu quân sự.

Ông Shinzo Abe không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng ai cũng cho rằng ông không chỉ nước nào khác ngoài TQ. Ngoài ra, theo báo Trung Quốc, ông Shinzo Abe phát biểu như vậy còn có mục đích khác, đó chính là thúc đẩy bỏ lệnh cấm về quyền tự vệ tập thể, để Nhật Bản trở thành "người tiên phong của chủ nghĩa hòa bình tích cực".

Những động thái của Nhật Bản cũng đã gây phản ứng cho Trung Quốc và Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lo ngại, đã "thúc giục" nhà lãnh đạo Nhật Bản cần "xem xét nghiêm túc mối quan tâm của cộng đồng quốc tế".

Báo Trung Quốc dẫn "có nhà phân tích" , tuyên truyền cho rằng, đằng sau sửa đổi Hiến pháp, tìm kiếm quyền tự vệ tập thể là tham vọng muốn ném bỏ lịch sử xâm lược, xây dựng quân đội mạnh của cánh hữu Nhật Bản. Bài báo còn dẫn tờ "JoongAng Ilbo" Hàn Quốc cho rằng: "Quyền tự vệ tập thể Nhật Bản là khúc dạo đầu của Chiến tranh Lạnh mới".

Ngày 27 tháng 8 năm 2013, ông Shinzo Abe trong chuyến thị sát cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti, căn cứ làm nhiệm vụ chống cướp biển
Ngày 27 tháng 8 năm 2013, ông Shinzo Abe trong chuyến thị sát cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti, căn cứ làm nhiệm vụ chống cướp biển

Bài báo còn "dẫn lời" Tổng thư ký đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Akihiro Ohata ngày 26 tháng 9 cho rằng, ông Shinzo Abe nói mình là "người theo chủ nghĩa quân phiệt" ở Đại hội Liên hợp quốc là không thích hợp, "là một lãnh đạo quốc gia không nên nói những lời như vậy". Theo một quan chức của đảng New Komeito, phát ngôn của Thủ tướng "rất thiếu cân nhắc", trái lại gây tổn hại cho hình tượng quốc tế của Nhật Bản.

Theo báo Trung Quốc, quyền tự vệ tập thể được ông Shinzo Abe chủ trương thực hiện cũng gây tranh cãi lớn ở nước này. Tờ "Asahi Shimbun" tháng 8 đã tiến hành thăm dò ý kiến, kết quả có 27% người ủng hộ, 59% người phản đối. Đảng liên minh cầm quyền New Komeito cũng luôn có thái độ thận trong trong vấn đề sửa đổi Hiến pháp.

Ngày 26 tháng 9, đài truyền hình YTN Hàn Quốc cho rằng, tuy chính quyền Shinzo Abe tính toán vào đầu năm tới sẽ thông qua danh nghĩa giải thích Hiến pháp để hợp pháp hóa quyền tự vệ tập thể, nhưng vật cản lớn nhất đến từ đối tác đảng New Komeito và dư luận Nhật Bản.

Khúc Tinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc ngày 26 tháng 9 trả lời phỏng vấn “Thời báo Hoàn Cầu” cho rằng, Nhật Bản sở dĩ bị đoạt lấy quyền tự vệ tập thể theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc là do họ đã phát động chiến tranh xâm lược trong lịch sử.

Khúc Tinh tưởng tượng cho rằng, hiện nay, hành động của Nhật Bản vẫn "còn xa mới làm cho nhân dân thế giới yên tâm". Khúc Tinh vô cùng lo ngại, cho rằng, tội phạm chiến tranh còn được tế bái ở ngôi đền Yasukuni, ông Shinzo Abe còn nói "những người khác nhau có cách hiểu khác nhau về xâm lược". Chính khách Nhật Bản còn công khai biện hộ cho tội ác "nô lệ tình dục"...

Ông Shinzo Abe thúc đẩy thực hiện quyền tự vệ tập thể, sửa đổi Hiến pháp hòa bình, trở thành quốc gia bình thường.
Ông Shinzo Abe thúc đẩy thực hiện quyền tự vệ tập thể, sửa đổi Hiến pháp hòa bình, trở thành quốc gia bình thường.

Theo bài báo trên tờ "JoongAng Ilbo" Hàn Quốc ngày 25 tháng 9, hiện nay, quyền tự vệ tập thể là sự lựa chọn tất yếu của hai nước Mỹ-Nhật để kiềm chế Trung Quốc. Báo Trung Quốc lo ngại, Mỹ buộc Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nay lại tiếp tục để cho "nước có tội phạm chiến tranh" cầm lấy súng, đây thực sự là điều trớ trêu của lịch sử.

Tuy đối mặt với rất nhiều phản đối và nghi ngờ (Trung Quốc), nhưng ông Shinzo Abe vẫn có thái độ nhất quán. Tờ "Japan News Network" cho rằng, khi trả lời phỏng vấn báo chí tại New York, Thủ tướng Shinzo Abe cho  biết, hoạt động khủng bố xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, vì hòa bình và an ninh của thế giới, hoạt động của Lực lượng Phòng vệ không nên xem xét hạn chế của yếu tố địa lý.

Vì vậy, ông Shinzo Abe cho biết, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ cùng với quân Mỹ thực hiện quyền tự vệ tập thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới, chứ không phải là phương án thỏa hiệp "giới hạn điều kiện, giới hạn khu vực" như một số nghị sĩ trong đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền nói đến.

Đơn vị tinh nhuệ WAiR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Đơn vị tinh nhuệ WAiR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.
Việt Dũng