Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã quên sự phản biện của báo chí?

28/05/2022 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Báo chí từng phản ánh về những sai phạm của thị trường chứng khoán từ nhiều năm trước, nhưng cơ quan quản lý không xử lí mạnh tay với sai phạm.

Ngày 18/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025.

Cơ quan này cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HOSE; cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Còn các ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; ông Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; ông Nguyễn Sơn, Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.

Ngày 19/5, Bộ Tài chính cũng có quyết định cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với ông Trần Văn Dũng, do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Đồng thời giao Thứ trưởng tài chính Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kể từ ngày 19/5.

Nhiều lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị kỉ luật, cách chức, được dư luận tán thành bởi sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban kiểm tra trung ương, làm ổn định thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt câu hỏi về việc báo chí từng phản ánh nhiều về những sai phạm của thị trường chứng khoán, nhưng những tồn tại vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác.

Trước đó, năm 2018, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh bằng nhiều bài viết về hành động bán chui cổ phiếu của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC này.

Theo đó, trong ba ngày (20, 23, 24/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC. Cũng trong thời gian này, FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch cũng bán “chui” 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD).

Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết số tiền 65 triệu đồng, còn đối với FLC Faros là 130 triệu đồng; không áp dụng hình phạt bổ sung như buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm mà có.

5 năm sau, chiều 10/1, ông Quyết bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC song không công bố thông tin trước đó. Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này - biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Tuy nhiên, Quyết định xử phạt này của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã bị thu hồi sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam.

Có thể thấy, dù đã có rất nhiều cảnh báo, rất nhiều phản ánh về hành vi của Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, việc xử phạt không nghiêm đã dẫn đến những hành vi lặp lại gây thiệt hại đến nền kinh tế và các nhà đầu tư.

Bình luận về sự việc trên, trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết:

"Tôi rất ủng hộ báo chí trong việc phòng, chống tham nhũng, bởi thông tin truyền thông là lực lượng rất tiên phong và họ đi đầu trong rung tiếng chuông cảnh báo, để cho các cơ quan Nhà nước, Đảng, Ủy ban kiểm tra trung ương, thanh tra chính phủ và các cơ quan dân cử như hội đồng nhân dân, quốc hội vào cuộc", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, thị trường chứng khoán là thị trường bình đẳng, bởi đều do cổ đông đều đóng góp cổ phần quy ra cổ phiếu, cổ phiếu chia ra cổ tức.

Vì vậy, việc lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Việt Nam bị bắt và khởi tố sau những vụ sai phạm lớn của doanh nghiệp là đúng người, đúng tội.

Đó là sự khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta là phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không trừ một ai.

Ông Lê Như Tiến cũng cho biết, ông rất hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban kiểm tra trung ương đối với những sai phạm của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua:

"Tôi nhận thấy tính nhất quán là Đảng và Nhà nước, hệ thống chính trị vào cuộc rất mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống tham nhũng.

Như Tổng Bí thư đã từng nói việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ trừ một ai nếu như tay đã nhúng chàm.

Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều quan chức nhà nước như Bộ trưởng, Thứ trưởng, các tướng lĩnh trong quân đội và công an, lãnh đạo các tỉnh thành bị xử lý.

Bây giờ việc xử lý sai phạm còn về lĩnh vực điều hành kinh tế của đất nước là lũng đoạn thị trường chứng khoán. Trước đó, chúng ta đã rung tiếng chuông cảnh báo từ về sai phạm như này rồi".

Bình luận thêm về sự việc trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, việc để xảy ra những sai phạm trong lĩnh vực thị trường chứng khoán đã làm mất lòng tin của nhân dân và nhà đầu tư.

Vì vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban kiểm tra trung ương, bà An rất hoan nghênh cơ quan này đã phát hiện và xử lí sai phạm rất nghiêm trọng của nền thị trường chứng khoán trong thời gian dài.

“Tôi rất hoan nghênh sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban kiểm tra trung ương, để làm lành mạnh thị trường chứng khoán, bởi thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế Việt Nam, cho đất nước phát triển bền vững.

Việc xử lí nghiêm những sai phạm của thị trường chứng khoán là sự mong ước của người dân cả nước nói chung, của những nhà đầu tư chứng khoán nói riêng”, bà An chia sẻ.

Bà An cũng đặt ra câu hỏi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị quản lý thị trường chứng khoán nhưng vẫn để doanh nghiệp sai phạm nhiều lần, vậy là do đơn vị này không có trình độ hay có biết nhưng vẫn để xảy ra sai phạm?

Nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc cơ quan quản lý được giao phụ trách cơ quan này ngay từ năm 2017, biết lắng nghe dư luận thông qua các bài báo trong đó có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) để giám sát và kiểm tra thị trường, thì sẽ không có những lần nghẽn tắc thậm chí "sập sàn" chứng khoán và đặc biệt là không có nhiều cán bộ, lãnh đạo bị xử lý như vừa qua.

"Điều người dân cần là cơ quan quản lý nhà nước phải ngăn cản sai phạm, chứ không phải để lúc xảy ra rồi mới chấn chỉnh, kỷ luật, dù rằng việc này cũng rất cần. Tuy nhiên, theo tôi là hơi muộn, nếu không muốn nói là quá muộn!

Sự lũng đoạn thị trường đã có từ nhiều năm về trước, làm méo mó thị trường chứng khoán. Rất may là Ủy ban kiểm tra trung ương đã vào cuộc xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn câu hỏi đặt ra là đơn vị nào quản lý Ủy ban thị trường chứng khoán khi để xảy ra nhiều sai phạm như vậy.

Chúng ta cần phải xử lý tận gốc sai phạm, chứ việc xử lý các lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán chưa chắc đã là gốc của vấn đề.

Cơ quan báo chí từng phản ánh về những sai phạm của thị trường chứng khoán từ nhiều năm trước, nhưng cơ quan quản lý không xử lý mạnh tay với sai phạm, để lãnh đạo các doanh nghiệp “nhờn” luật”, bà An cho hay.

Mạnh Đoàn