Vì sao giáo viên còn ngại ngần với bài giảng điện tử?

10/05/2021 08:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo cô Trúc Phương (Trường Tiểu học Quỳnh Lôi, Hà Nội), việc ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng giúp học sinh nắm được cả về lý thuyết và thực hành.

Đưa công nghệ thông tin vào bài giảng là xu hướng chung của thế giới, là phương pháp có nhiều thuận lợi trong giảng dạy, đặc biệt phát huy hiệu quả trong giai đoạn phòng chống Covid-19 như hiện nay, tuy nhiên không phải bất cứ giáo viên nào cũng sẵn sàng đổi mới.

Cách truyền tải thu hút học sinh

Những năm qua, việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin thời đại số 4.0 vào bài giảng đã được nhiều trường học, giáo viên áp dụng thành thạo, tạo nên nhiều thuận lợi trong công tác dạy và học.

Đáp ứng nhu cầu cho việc học tập của các em học sinh trong thời kỳ công nghệ thông tin và khuyến khích đội ngũ giáo viên ở các cấp học đổi mới nội dung, phương pháp dạy học một cách sáng tạo, hiện đại, tăng cường tính tích cực và tự học. Giải pháp này lại càng cần thiết hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều trường học, nhiều địa phương phải tạm dừng dạy học tập trung tại trường.

Là một trong những giáo viên đổi mới bằng cách tiếp nhận cách giảng dạy mới, đưa công nghệ thông tin vào các bài giảng, cô giáo Đào Trúc Phương, Trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nhiều năm qua, tôi và rất đồng nghiệp đã rất thành thạo việc sử dụng các file trình chiếu trên Powerpoint để phục vụ công tác và giảng dạy tại trường học. Chúng tôi vận dụng, kết hợp những ưu điểm của các phần mềm, ứng dụng với nhau. Chủ động tích hợp, chuyển đổi các bài giảng thông thường sang tương tác tích cực.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp học sinh nắm được kiến thức cả về lý thuyết và thực hành. Với những hướng dẫn cụ thể nhưng đề cao tính tự học do đó học sinh hiểu bào và thực hành được ngay sau các nội dung lý thuyết.

Đây là phương pháp đề cao tính tự học của tất cả các đối tượng và bài giảng điện tử E-Learning đáp ứng được các nhu cầu trong quá trình học tập".

Cô giáo Đào Trúc Phương, Trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô giáo Đào Trúc Phương, Trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo cô Trúc Phương, thế mạnh của phương pháp học tập này chính là thích ứng được mọi hoàn cảnh học tập và tạo ra các điều kiện để học sinh có thể tự học ở các thời điểm khác nhau không bị ràng buộc về không gian, thời gian cũng như mọi hoàn cảnh khác nhau.

Ví dụ điển hình như một giờ học môn Tự nhiên và xã hội lớp 3, cô Trúc Phương giảng theo bài giảng điện tử E-Learning. Thay vì cách làm truyền thống như nhiều giáo viên thường sử dụng bằng cách giới thiệu cho học sinh qua lời nói và hình ảnh có sẵn trong sách vở, cô Trúc Phương đã xây dựng bài giảng trình chiếu bằng các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.

“Tôi luôn tự đặt mình ở vị trí, nhu cầu của học sinh để đặt ra câu hỏi. Ví dụ, nếu các con học môn Tự nhiên và xã hội về các loài chim, sẽ muốn biết về hệ sinh thái, giống loài…, thì không chỉ những hình ảnh vốn có trong sách. Có điều kiện sử dụng công nghệ cho các con hình dung được về âm thanh, về quá trình các loài chim phát triển, di chuyển, sinh sản…

Những nội dung đó, nếu các con nghe giảng truyền thống không chỉ nhàm chán mà việc chứng kiến cụ thể, diễn tả sinh động và được thu hút bằng âm thanh, hình ảnh. Việc tập trung nếu bài giảng truyền thống được 70-80% thì đối với một bài giảng ứng dụng công nghệ gần như 100% đối với tất cả học sinh”, cô Phương chia sẻ.

Không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng thay đổi

Mặc dù có những ưu điểm rất nổi trội nhưng không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng tiếp nhận, bởi vì yếu tố công nghệ gây cản trở với nhiều người, nhất là những giáo viên lớn tuổi thường ngại cập nhật.

“Giáo viên cần có sự kiên trì, nhẫn nại thậm chí bỏ ra nhiều công sức hơn rất nhiều so với một bài giảng theo cách giảng truyền thống. Việc tìm hình ảnh, lồng ghép âm thanh, kết hợp nhiều ứng dụng phần mềm mới có được một bài giảng hoàn chỉnh không phải bất cứ giáo viên nào cũng đáp ứng được”, cô Phương cho biết.

Cô Đào Trúc Phương đạt giải Nhì trong cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học cấp Quận năm học 2020 - 2021” do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tổ chức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Đào Trúc Phương đạt giải Nhì trong cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học cấp Quận năm học 2020 - 2021” do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tổ chức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo cô Phương, có rất nhiều nguyên nhân trong việc nhiều giáo viên không sẵn sàng để tham gia dạy học như: tuổi tác giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, vùng miền, thời gian, khả năng tìm hiểu và cập nhật kỹ năng soạn bài giảng... nhưng quan trọng nhất là tâm huyết của mỗi giáo viên trong bài giảng của mình dành cho các học sinh.

“Tôi có con nhỏ, hai vợ chồng đều là giáo viên nên ngoài thời gian trên lớp lại phải thay nhau làm việc nhà để vừa đảm bảo được công việc ở trường, vừa đảm bảo được công việc gia đình.

Nhiều hôm vì cả hai đều muốn dành tâm huyết của mình vào bài giảng trên lớp nên cho con nhỏ ngủ rồi, làm hết công việc nhà hai vợ chồng lại cặm cụi soạn giáo án mới.

Dù mất công, bỏ nhiều thời gian, nhưng khi chứng kiến hình ảnh học sinh mong chờ đến môn học của mình dạy, ánh mắt các em say sưa nhìn theo và lắng nghe bài giảng, lúc đó chính là thành quả mà bao công sức của mình bỏ ra được đáp lại”, cô Phương tâm sự.

Theo cô Đào Trúc Phương, để duy trì những bài giảng thường xuyên, đều đặn và có hiệu quả cao thì buộc các giáo viên phải chủ động, chăm chỉ, tìm hiểu.

Tuổi tác là một trong những lí do mà một số bộ phận giáo viên nêu ra khi không thể áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ, phần mềm công nghệ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự chây ì, lười tìm hiểu của một số bộ phận giáo viên.

Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất tại các vùng miền, địa phương khác nhau cũng trở thành một nguyên nhân lớn trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng của giáo viên.

"Giáo viên được làm việc tại địa bàn cũng như ngôi trường có điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ là lợi thế rất lớn, tuy nhiên mấu chốt của vấn đề chính là tình yêu nghề, luôn trăn trở và muốn áp dụng phương thức giảng dạy tốt nhất, mới nhất dành cho học sinh, đó mới là điều kiện tiên quyết, tạo nên đổi mới, cải cách trong ngành giáo dục", cô Phương nói.

Cao Kim Anh