Vì sao Quản lý thị trường Đà Nẵng quên cả thẩm quyền mà cứ đi...xin ý kiến?

28/08/2015 06:00
Phan Thiên
(GDVN) - Ông Nguyễn Thanh Hồng - Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục SHTT cho biết: "Trong trình tự không quy định nào bắt buộc phải hỏi rồi mới xử lý"

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 24/06 Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng tạm giữ một số lượng mì chính (bột ngọt) lớn (khoảng 7 tấn) vì bị nghi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Số mì chính bị tạm giữ là của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hà Trung Hậu (địa chỉ số 28, đường số 3, Cư xá Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) phân phối cho chi nhánh ở Đà Nẵng.

Gói mì chính (bột ngọt) gắn dấu hiệu "Ajino-Takara" bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Ba chữ tượng hình" của Ajinomoto.
Gói mì chính (bột ngọt) gắn dấu hiệu "Ajino-Takara" bị nghi ngờ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu "Ba chữ tượng hình" của Ajinomoto.

Mặc dù, đã có kết luận của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ về sai phạm của Công ty Hà Trung Hậu, tuy nhiên, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cố tình kéo dài thời gian xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Không chỉ chần chừ kéo dài không xử lý vi phạm, ngày 24/8 Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã có chủ trương yêu cầu Đội quản lý thị trường số 8 trả lại toàn bộ số hàng (khoảng 7 tấn mì chính) này cho Công ty Hà Trung Hậu.

Quan điểm của Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho rằng, chỉ dựa vào kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thì chưa đủ cơ sở pháp lý để xử phạt được Công ty Hà Trung Hậu.

Kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã rõ ràng, Quản lý thị trường Đà Nẵng không cần phải hỏi thêm ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ
Kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã rõ ràng, Quản lý thị trường Đà Nẵng không cần phải hỏi thêm ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ

Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Hồng - Trường phòng thực thi và giải quyết khiếu nại - Cục Sở hữu trí tuệ. 

Ông Hồng cho biết: "Kết luật giám định hay ý kiến chuyên môn của Cục thì có giá trị tương đương nhau. Việc xử lý là họ (Quản lý thị trường Đà Nẵng-PV) có thể xử lý mà không cần ý kiến của ai cả, cái đấy không nhất thiết. Họ có thể hỏi ý kiến chuyên môn của Viện hay Cục, song không có điều kiện (bắt buộc) phải hỏi thì mới xử lý vi phạm".

Cũng theo ông Hồng, cho dù có ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ thì quan điểm của cơ quan thực thi mới là quan điểm chính thống vì họ là người ra quyết định xử phạt chứ không phải là cơ quan như Cục Sở hữu trí tuệ hay Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.

"Nếu sự việc đã rõ ràng, không cần thêm thông tin họ có thể xử lý trực tiếp mà không cần ý kiến Viện hay Cục...

Thậm chí, có trường hợp Cục hay Viện có ý kiến nhưng Quản lý thị trường không đồng ý thì họ vẫn xử phạt theo quan điểm của họ.

Trong trình tự thì cũng không bắt buộc họ phải hỏi ý kiến của Cục Sở hữu trí tuệ thì mới xử phạt.", ông Hồng nhấn mạnh.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, Chi Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng có văn bản đề nghị cho ý kiến chuyên môn trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ thì Cục sẽ trả lời. Tuy nhiên trong trường hợp này tôi chưa thể thông báo vì đây là quan hệ công tác giữa bên Cục và bên Quản lý thị trường, không thể công khai được.

Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao trong trình tự không bắt buộc phải hỏi ý kiến của Cục sở hữu trí tuệ mà Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng vẫn cương quyết hỏi?

Có hay không việc Quản lý thị trường Đà Nẵng bao che cho vi phạm, cố tình tạo tình huống để ủng hộ hàng nhái?

Các vi phạm của Công ty Hà Trung Hậu chiểu theo quy định hiện hành thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Về việc này, Luật sư Vũ Thái Hà (Công ty Luật TNHH YouMe) cho biết:

Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.

Do đó, việc Đội quản lý thị trường số 8 thuộc Chi cục quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng trưng cầu giám định Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là đúng với các quy định của pháp luật khi xử lý vụ việc.

Văn bản kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ được coi là một nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc. Việc đề nghị giám định lại chỉ thực hiện trong trường hợp Đội quản lý thị trường số 8 (người trung cầu giám định) không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề. Việc giám định lại có thể do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thực hiện hoặc một tổ khác thực hiện.

Theo Điều 214 về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo

b) Phạt tiền

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ.

b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tiêu huỷ hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hoá quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hoá.

Mức tiền phạt được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được.

Phan Thiên