Vì sao quân sự là điểm nhạy cảm nhất trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung?

03/05/2019 06:39
Thanh Bình
(GDVN) - Do tồn tại mâu thuẫn khó hòa giải trong các vấn đề Đài Loan và Biển Đông…, quân đội hai nước Mỹ-Trung không tránh khỏi việc lên kế hoạch đấu tranh quân sự.

Quan hệ quân sự Mỹ-Trung luôn là tập hợp các hình ảnh phản chiếu phức tạp, hai bên đều cảm thấy khó khăn trong việc đánh giá, nhìn nhận đối phương là đối tác, đối thủ hay kẻ thù.

Ngay cả trong thời kỳ quan hệ quân sự hai nước tốt nhất vào những năm 1980, hai bên xác định nhau là đối tác chiến lược nhưng trong vấn đề Đài Loan vẫn tương đối thù địch.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 11/2017 (Ảnh: Reuters).

Hiện tại, mặc dù trong vấn đề chống khủng bố, cướp biển, gìn giữ hòa bình thế giới cũng như các lĩnh vực an ninh phi truyền thống khác, Mỹ-Trung vẫn là đối tác không thể thiếu, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa hai nước này vẫn đang ở mức chưa từng có.

Quan hệ quân sự hai nước luôn là điểm yếu lớn nhất trong quan hệ tổng thể Mỹ-Trung.

Quân đội của bất cứ quốc gia nào đều phải luôn trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để có thể đối phó với tình huống xấu nhất.

Do tồn tại mâu thuẫn khó hòa giải trong các vấn đề Đài Loan và Biển Đông…, quân đội hai nước Mỹ-Trung không tránh khỏi việc lên kế hoạch đấu tranh quân sự nhằm vào đối phương trong tình huống xấu nhất.

Quan hệ quân sự Mỹ - Trung đã xấu đi trong vài năm trở lại đây sau các hành động quân sự hóa bất hợp pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC vào tháng 5/2018.

Để đáp trả, một chỉ huy hải quân Trung Quốc hủy chuyến thăm đối tác Mỹ và một tàu hải quân Mỹ còn bị từ chối thăm cảng ở Hong Kong.

Cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy hiện đại hóa quân sự, sự chênh lệch về năng lực quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục thu hẹp, mâu thuẫn mang tính cơ cấu giữa hai nước liên quan đến việc phân chia quyền lực và trật tự trong khu vực ngày càng rõ ràng hơn.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng cáo buộc Bắc Kinh tìm cách hạ uy tín Mỹ và khẳng định sẽ không chịu chùn bước (Ảnh minh họa: Reuters).
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng cáo buộc Bắc Kinh tìm cách hạ uy tín Mỹ và khẳng định sẽ không chịu chùn bước (Ảnh minh họa: Reuters).

Sau khi Mỹ chính thức coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất, mâu thuẫn này đang vượt qua các vấn đề truyền thống trở thành nguyên nhân chính của cuộc đấu sức.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã từng cáo buộc Bắc Kinh tìm cách hạ uy tín của Tổng thống Donald Trump và khẳng định Mỹ sẽ không chịu chùn bước cả về kinh tế lẫn quân sự.

Sự đề phòng lẫn nhau về mặt an ninh và đối địch nhau về quân sự giữa hai nước đã quyết định mức độ phát triển quan hệ tổng thể Mỹ-Trung.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, sự phát triển quan hệ quân sự của hai nước đã thụt lùi so với sự cải thiện quan hệ trong các lĩnh vực khác, ở một mức độ rất lớn đã quyết định mức độ khó khăn của hai nước trong việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới.

Trên thực tế, nhận thức về đối thủ của hai bên Mỹ-Trung có xu hướng tăng từ sau năm 2010.

Hàng loạt sự kiện cho thấy rằng Mỹ coi Trung Quốc chí ít là đối thủ quân sự hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặc dù Trung Quốc chưa cho thấy họ trực tiếp thách thức quyền chủ đạo quân sự châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Trong khi đó, theo quan điểm của nhiều người Trung Quốc, Mỹ là mối đe dọa lớn nhất của Trung Quốc.

Vì sao quân sự là điểm nhạy cảm nhất trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung? ảnh 3Mỹ đã tạo cho Trung Quốc nhiều cơ hội, nguy cơ đánh mất vị thế toàn cầu

Sau khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền năm 2016, hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức tập trận có quy mô lớn ở quanh các vùng biển Trung Quốc nhảy vào tranh chấp với các nước khác.

Tuy các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố cuộc tập trận này không có ý đồ gây chiến với Trung Quốc nhưng quân đội Mỹ lại coi tập trận này là khâu đầu tiên trong kế hoạch tác chiến tự do hàng hải.

Kể từ năm 2017, hải quân Mỹ đã nhiều lần triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu đến vùng biển gần Trung Quốc, đó là Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Mục đích được cho là thể hiện sự chuyển đổi chiến lược quốc phòng của Mỹ, tích cực tham gia cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn.

Từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên lãnh đạo, nước Mỹ đã hoàn thành chuyển đổi chiến lược quốc phòng từ lấy chống khủng bố làm trung tâm trong thời kỳ George W.Bush cầm quyền sang lấy chiến thắng trong cạnh tranh giữa các nước lớn là điểm cốt lõi.

Dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2019 đã thể hiện rõ việc xây dựng quân đội nước này tập trung để đối đầu với Trung Quốc và Nga.

Là cường quốc quân sự chiếm ưu thế ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đảm bảo an ninh cho các đồng minh của mình bằng các lực lượng triển khai thường trú ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Mỹ cũng đề xuất đảm bảo an ninh cho Đài Loan để giúp duy trì hiện trạng quan hệ giữa hòn đảo này với Trung Quốc, bất chấp việc Mỹ luôn khẳng định tôn trọng chính sách một Trung Quốc.

Trong khi đó, các học giả Trung Quốc nhận định Trung Quốc không có khả năng xâm phạm nước Mỹ, nhưng Trung Quốc có đầy đủ năng lực khiến Mỹ phải trả giá với mức không thể chịu nổi nếu ngày nào đó họ xâm phạm Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

1. https://thediplomat.com/tag/u-s-china-military-relations/

2. http://www.aei.org/publication/the-future-of-china-u-s-military-relations/

3. https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/2170458/these-us-china-military-tussles-are-how-next-world-war-begins

4. https://nationalinterest.org/feature/competitive-coexistence-american-concept-managing-us-china-relations-42852?page=0%2C1

5. https://www.scmp.com/news/china/politics/article/2167050/us-vice-president-mike-pence-increases-jabs-china-says-it-wants

Thanh Bình