Vì sao Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng nhanh đến chóng mặt?

08/03/2012 07:18
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - “Trung Quốc có rất nhiều vấn đề để cần đến vũ khí trang bị quân sự. Trung Quốc đang ở một khu vực không có bất cứ một đồng minh và bạn bè tự nhiên nào”.
Máy bay J-20 của Trung Quốc.
Máy bay J-20 của Trung Quốc.

Ngày 5/3, tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore cho rằng, trong bối cảnh Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay tiếp tục tăng trưởng 2 con số, cả năm là 670,274 tỷ nhân dân tệ, tăng 11,2% so với ngân sách năm 2011.

So với kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ, Anh, Đức vào năm tới thì việc tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý.

Vương Tương Tuệ - Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược – Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh cho rằng, vào thập niên 1980 Trung Quốc chi tiêu quốc phòng quá thấp, khiến cho quân bị nhiều năm không được đổi mới, cho nên chi tiêu quốc phòng tăng trưởng nhanh gần 20 năm chỉ là bổ sung.

Trang mạng Bloomberg ngày 5/3 cho rằng, Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng năm 2012 để ứng phó với các nước trong khu vực. Do nghĩa vụ trên thế giới ngày càng tăng, cộng với một số tranh chấp lãnh thổ từ lâu, nhu cầu của Trung Quốc đối với tàu chiến, tên lửa và máy bay chiến đấu tăng lên.

Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và chính quyền Obama đặt trọng điểm chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng lên. Ngoài ra Trung Quốc và Việt Nam, Philippinese, Nhật Bản tồn tại tranh chấp chủ quyền ở một số vùng biển có trữ lượng dầu khí phong phú, hơn nữa còn có tranh chấp lãnh thổ lâu dài với Ấn Độ.

Tàu sân bay của Trung Quốc chạy thử trên biển.
Tàu sân bay của Trung Quốc chạy thử trên biển.

Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc Raby cho rằng: “Trung Quốc có rất nhiều vấn đề để cần đến vũ khí trang bị quân sự. Trung Quốc đang ở một khu vực không có bất cứ một đồng minh và bạn bè tự nhiên nào”.

Taylor Flavell – giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts, người nghiên cứu về Trung Quốc và quan hệ với các nước láng giềng, cho rằng, những năm gần đây, chi tiêu ngoài ngân sách của Trung Quốc, chẳng hạn như chi tiêu mua sắm vũ khí nước ngoài, luôn giảm xuống. Trung Quốc cũng đưa trợ cấp cho quân nhân nghỉ hưu vào ngân sách quốc phòng, nhưng Mỹ thì không như vậy.

Kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào sự phát triển của thương mại toàn cầu, trước đây nhân tố này từng thúc đẩy các nước như Mỹ tăng chi tiêu quân sự.

Năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc vượt 3.600 tỷ USD, đồng thời Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Quy mô kinh tế của Mỹ gấp gần 3 lần Trung Quốc, còn ngân sách quân sự của Mỹ gấp khoảng 5 lần Trung Quốc.

Tờ “Độc lập” Nga ngày 5/3 cho rằng, ngân sách quốc phòng năm 2012 của Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD, nhưng con số này vẫn có khoảng cách rất lớn so với Mỹ.

Xe tăng 99G đã sản xuất hàng loạt.
Xe tăng 99G đã sản xuất hàng loạt.

Andrea Kalniekolev, Phó Giám đốc Học viện Á-Phi, Đại học Moscow bình luận, Trung Quốc đã học tập tư duy của Mỹ khi thực hiện chiến lược quân sự: Một trong những mục đích tăng cường quân sự của Trung Quốc là để bảo vệ công dân và lợi ích thương mại của họ ở nước ngoài.

Những năm gần đây, Trung Quốc còn điều nhiều tốp tàu chiến đến Ấn Độ Dương bảo vệ tàu thương mại, tránh bị cướp biển Somalia gây thiệt hại.

Andrea cho rằng, các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lo ngại đối với sự tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, và việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự sẽ gây ra chạy đua vũ trang trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chắc đã ngang nhiên sử dụng vũ lực khi xảy ra xung đột lần đầu tiên. Mọi người đều biết, trong mấy chục năm qua, Bắc Kinh luôn thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp.

Đối với sự lo ngại của một số nước láng giềng, người phát ngôn của chính quyền Trung Quốc giải thích rằng, chi tiêu quân sự của Trung Quốc chỉ chiếm 1,28% GDP, còn Mỹ, Anh và nhiều nước khác lại vượt 2%.  

Máy bay chiến đấu J-15 phiên bản Hải quân.
Máy bay chiến đấu J-15 phiên bản Hải quân.

Báo Nga viết, Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu quân sự, ở mức độ rất lớn, là do tình hình quốc tế phức tạp hiện nay. Người Trung Quốc đã nhìn thấy rõ rằng, luật pháp quốc tế không nhất định có thể bảo đảm được chủ quyền của một quốc gia.

Chẳng hạn, trong vấn đề Libya, không phải là Trung Quốc, mà là các nước NATO, rất tùy tiện vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, phát động can thiệp quân sự. Bắc Kinh cho rằng, không có quân đội mạnh sẽ không thể kiên quyết thực hiện chính sách độc lập.

Không thể coi việc tăng ngân sách quân sự năm 2012 của Bắc Kinh là “chưa từng có”, đồng thời cũng không nên quên Trung Quốc từng cắt giảm quân đội vào thập niên 1980.

Về xu hướng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong tương lai, các chuyên gia của tờ “Jane's Defence” cho rằng, đến năm 2015, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc có thể lên tới 238 tỷ USD, hơn tổng số chi tiêu quốc phòng của 8 thành viên chính của NATO, trừ Mỹ.

Cùng với việc chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc duy trì tăng trưởng nhanh, trên phương diện này, các nước châu Á khác cũng đã có xu thế tương đồng: hầu hết chi tiêu quân sự của các nước châu Á đều tăng mạnh, vượt 8%. Hiện nay, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng chi tiêu quân sự nhanh nhất thế giới.

Máy bay không người lái Dực Long.
Máy bay không người lái Dực Long.
Những sự kiện nổi bật
PUTIN TRỞ LẠI ĐIỆN KREMLI
HÌNH ẢNH ẤN TƯỢNG QUỐC TẾ
CĂNG THẲNG MỸ - IRAN
KIM JONG UN - TRIỀU TIÊN
PHÂN TÍCH - GÓC NHÌN
BÍ ẨN - KỲ LẠ - KHOA HỌC
VIỆT NAM và THẾ GIỚI
XEM - NGHE THỜI SỰ QUỐC TẾ
Tình Hình Biển Đông
TÌNH HÌNH SYRIA, YEMEN
Đông Bình (Tổng hợp)