Vì Tổ quốc thân yêu, nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện chống dịch

29/05/2021 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang cần nhân lực, nhiều bác sĩ trẻ đã viết đơn tình nguyện chống dịch, tất cả vì Tổ quốc thân yêu.

Đã nửa tháng kể từ ngày lên đường đến Bắc Ninh chống dịch, anh Hoàng Văn Tú (sinh năm 1995) - Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội khoa, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) đã quen với guồng quay công việc cấp bách, khẩn trương nơi tâm dịch.

“Vất vả thật đấy! Vất vả nhiều hơn so với những gì mình tưởng tượng ngày xuất quân lên đường. Nhưng mỗi lúc mệt muốn gục xuống lại nghĩ đến tương lai, ngày mà chúng ta đẩy lùi được dịch bệnh, điều đó thôi thúc chúng tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn”, anh Tú tâm sự.

Sáng ngày 14/5/2021, Ban giám hiệu nhà trường triệu tập tất cả bác sĩ nội trú, thông báo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đang kêu gọi viện trợ nhân lực, trên tinh thần tự nguyện, ai có thể tham gia chống dịch sẽ điền thông tin vào đơn tình nguyện.

Bác sĩ Hoàng Văn Tú (sinh năm 1995) - Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội khoa, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Hoàng Văn Tú (sinh năm 1995) - Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội khoa, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên). (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Tú nhớ lại: “Nhìn vào lá đơn, tôi không nghĩ được nhiều, chỉ biết rằng Bắc Ninh đang đợi chúng tôi, tổ quốc đang chờ những người trẻ sẵn sàng xông pha và cống hiến, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến này.

Tôi không dám gọi điện về xin phép bố mẹ, bởi tôi hiểu rằng, bố mẹ sẽ lo lắng. Viết đơn xong, tôi chụp hình lại gửi cho mẹ như một cách thông báo rằng: Con đã đăng ký rồi, giờ con không thể không đi”.

Mặc dù vậy bố mẹ anh vẫn rất lo lắng, không hài lòng khi con trai tự ý quyết định.

Cuối cùng, trước sự quyết tâm của con trai, mẹ anh chỉ bảo rằng: “Nhớ đeo 2 chiếc khẩu trang vào đấy” - một lời căn dặn thay cho cái gật đầu đồng ý, cũng đủ hiểu nỗi lòng người mẹ lo lắng, thương yêu con đến nhường nào! Bà cũng tin và ủng hộ quyết định của con trai, vì còn rất nhiều đồng bào đang trong tâm dịch cần giúp đỡ, sẻ chia.

Sáng ngày 15/5, Bác sĩ Hoàng Văn Tú và 13 bác sĩ nội trú của Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) đã lên đường đến với Bắc Ninh hỗ trợ chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Tú được phân công làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh. Tại khoa anh làm việc có 4 bệnh nhân mắc Covid-19. Công việc thường ngày của anh là điều trị cho các đối tượng F0, theo dõi tình hình các đối tượng F1, F2, đồng thời thăm khám, phân luồng những người dân trong vùng dịch có triệu chứng đến thăm khám.

Vì có bệnh nhân F0 nên nơi bác sĩ Tú làm việc là một khu cách ly tách biệt, không gian làm việc, sinh hoạt, ăn uống chỉ gói gọn trong dãy nhà 3 tầng. Các bác sĩ và bệnh nhân thậm chí còn không được ra ngoài khuôn viên của bệnh viện.

Không gian hạn chế nên khá bức bí nhưng tất cả mọi người đều cố gắng vượt qua.

Các bác sĩ làm việc tại khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Các bác sĩ làm việc tại khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. (Ảnh: NVCC)

"Trời nắng gay gắt nhưng mỗi ngày 12 tiếng "giam" mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít là một điều vô cùng khó khăn. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ ra thì quần áo ướt sũng như vừa tắm mưa.

Nhiều lúc làm việc cật lực giữa buổi chiều nóng bức, anh em chỉ ước có một lon nước mát lạnh để uống, thế nhưng đôi khi phải chịu khát, đến nước cũng không dám uống vì sợ phải đi vệ sinh.

Có những ngày đang ăn cơm trưa rồi bệnh nhân đến, chúng tôi lại bỏ bữa lao vào làm việc.

Gian nan, vất vả, nhưng vì sức khoẻ của đồng bào chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng hơn nữa. Có những gia đình phải chia cách vì covid, có những em nhỏ phải xa nhà để vào cách ly,... thương lắm!", bác sĩ Tú chia sẻ.

Những ngày làm việc tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh, Bác sĩ Hoàng Văn Tú được chứng kiến nhiều câu chuyện đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh, có những tình huống căng thẳng buộc các bác sĩ phải có phương án xử lý chủ động, nhanh nhất.

Đó là trường hợp một bé gái 4 tuổi đến bệnh viện thăm khám vì bị sốt và bước đi loạng choạng không vững. Sau khi xét nghiệm nhanh thì nghi ngờ mắc Covid-19 và được chuyển sang khu vực cách ly.

Bác sĩ Tú là người lấy mẫu và tiếp xúc với bé, các bác sĩ nội trú theo dõi bé trong mấy ngày luôn lo lắng vì không biết kết quả dương tính hay dương tính giả. Bé được nhập viện để kiểm tra thêm.

Bác sĩ Tú cùng hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Tú cùng hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Tú nhớ lại: "Trong lúc căng thẳng như vậy thì kết quả chụp cắt lớp sọ của bé lại phát hiện có một khối u khá to tầm 4x6 cm. Tình hình lúc này thực sự rất nguy hiểm và có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của cháu. Nếu không được phẫu thuật nhanh thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng càng cao.

Lúc đó, các bác sĩ tính đến phương án chuyển viện cho bé lên Hà Nội để phẫu thuật nhưng kết quả xét nghiệm PCR chưa có, thực sự lo lắng nếu kết quả dương tính, có thể bệnh viện ở Hà Nội sẽ khó tiếp nhận phẫu thuật điều trị.

Đó là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện bé không bị nhiễm Covid. Nhìn người mẹ lo lắng, ôm chặt con gái trong nước mắt, không ai thể cầm lòng. Những ngày dịch bệnh mà hoàn cảnh éo le đến vậy, chúng tôi chỉ ước có một phép màu".

Và may mắn thay, phép màu ấy đã xuất hiện, em bé có kết quả âm tính với Covid-19. Tuy nhiên, để an toàn, các bác sĩ vẫn đảm bảo công tác phòng dịch, mặc đồ bảo hộ cho 2 mẹ con, làm công tác chuyển viện.

Ngay trong chiều hôm đó, bé đã chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Tại đây, bé được dẫn lưu não thất, hiện tại sức khỏe ổn định. Các bác sĩ đã xếp lịch để bé được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nhận được tin, nhóm bác sĩ tại Bắc Ninh như vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Câu chuyện có hậu đó dường như đã truyền thêm động lực và sức mạnh cho bác sĩ Tú và những y bác sĩ khác tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh.

"Hai hôm nay, tỉnh Bắc Ninh lại phát hiện thêm 2 ổ dịch mới, cuộc chiến phía trước vẫn còn nhiều gian nan vất vả nhưng chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần, quyết tâm cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Những ngày làm việc ở Bắc Ninh, chúng tôi cũng nhận được nhiều tình cảm từ người dân, từ các đơn vị thiện nguyện.

Theo dõi tin tức, tôi biết đang có nhiều đoàn quân tiếp tục lên đường chi viện cho Bắc Giang, Bắc Ninh. Đó là tình cảm tuyệt vời của người dân Việt Nam, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Sứ mệnh của bác sĩ là cứu người, không ngại khó, không ngại khổ, khi tổ quốc cần, chúng tôi vẫn luôn xung phong bước vào trận chiến chống Covid - 19. Và tôi tin, chỉ cần cả nước chung sức, đồng lòng, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh", Bác sĩ Hoàng Văn Tú chia sẻ.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh