Viết cho ngày 20 – 10 của mẹ

19/10/2011 11:54
Trong khi phố xá ngập tràn hoa và những lời chúc mừng thì căn nhà của gia đình tôi lại vô cùng im ắng…

Bởi bố tôi đang bận “vui vẻ” cùng bồ nhí, còn tôi lại tung tăng cùng cô bạn gái mới quen. Chỉ có mẹ ở nhà, lúi húi dọn dẹp, nấu ăn đợi bố con tôi về…

Tôi ghét cái tính chịu đựng quá mức của mẹ. Bố tôi có tính gia trưởng và khá độc đoán. Ông kiếm được nhiều tiền và cho mình cái quyền kiểm sóat tất cả, kể cả tự do cá nhân tối thiểu của mẹ. Tôi là thằng con trai duy nhất của ông, tôi đang tuổi lớn, vì thế dù bố tôi có kiểm sóat gắt gao thế nào, tôi cũng tìm mọi cách để “vượt rào”. Bố tôi bận việc suốt ngày, khi về lại tìm mọi cách gắt gỏng và gây chuyện với mẹ. Tôi nhìn gương mặt đầy vẻ cam chịu của mẹ mà thấy một nỗi căm giận đang trào lên trong lòng mình. Những lúc thấy mẹ ngồi yên, mặc kệ những lời mắng mỏ của bố tuôn xuống đầu, tôi đều bỏ chạy lên phòng. Tôi muốn mặc kệ mẹ với những “trận cuồng phong” của bố.

Lạ một nỗi là, mẹ tôi chẳng bao giờ to tiếng với bất kỳ ai. Bố tôi đi suốt ngày nhưng lại cấm mẹ bước ra khỏi cổng. Ông liên tục gọi điện thoại về kiểm tra, và nếu mẹ không có nhà, thể nào tối đó gia đình tôi cũng có chuyện. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với mẹ, bảo rằng tôi không hề thích cái tính dịu dàng đến nhu nhược của mẹ tí nào. Mỗi lúc như thế, mẹ tôi chỉ lặng im, bà bảo không muốn tôi phải chịu khổ vì nghe bố mẹ cãi nhau, một mình bố nói đã quá đủ rồi.

Mẹ càng dịu dàng kéo tôi lại gần bao nhiêu, tôi lại càng muốn tránh xa bấy nhiêu. Tại sao mẹ lại không hề lên tiếng và chịu ấm ức mãi như vậy? Đó không phải là điều tôi muốn. Tôi cũng muốn mẹ được sống hạnh phúc như bao người phụ nữ khác, tôi muốn mẹ được đi lại tự do, được mặc những bộ áo quần đẹp, được bố thương yêu và chiều chuộng. Tôi ước gì bố ngồi lại nói chuyện dịu dàng với mẹ, tôi ước bố quan tâm đến mẹ một cách chân thành.

Nhưng những ước muốn đó của tôi chưa bao giờ thành sự thật. Dù nhà tôi thuộc hàng khá giả, nhưng bố lại cấm mẹ ăn mặc đẹp, cấm mẹ giao du với người ngoài. Sau nhiều lần nói chuyện với mẹ không thành, tôi cũng mặc kệ mẹ, tôi thường xuyên bỏ mẹ ở nhà một mình, lao vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Mẹ nhìn tôi đầy vẻ van xin, mẹ không muốn tôi hư hỏng mà bỏ bê chuyện học hành. Mỗi lần nhìn mẹ khóc, trái tim tôi lại chùng xuống. Tôi bỏ chơi được một thời gian, quay lại học hành đàng hoàng nhưng rồi buồn chuyện gia đình, tôi lại quay về con đường cũ.

Trầy trật thế mà tôi cũng đỗ được vào một trường đại học công. Mẹ tôi mừng rớt nước mắt. Bố chẳng nói gì, chỉ cho tôi tiền nhiều hơn trước kia. Ông chưa bao giờ mắng tôi nhưng lại quá khắt khe với mẹ. Thời gian hai cha con tôi vắng nhà ngày một nhiều. Chỉ có mẹ là luôn lủi thủi đợi chờ. Những lúc tôi ở nhà, gương mặt mẹ cứ sáng bừng lên, mẹ nấu cho tôi nhiều thức ăn ngon, kể cho tôi nghe những câu chuyện từ hồi xửa hồi xưa, ngày bố mẹ vẫn đang còn khốn khó. Trong giọng kể của mẹ, tôi biết mẹ vẫn còn yêu bố rất nhiều. Chỉ có điều, bố tôi bây giờ không còn là bố của ngày xưa nữa.

Tôi chưa bao giờ để ý đến ngày lễ dành cho mẹ. Bởi cả tôi và bố tôi đều không hề có thói quen ấy. Nhiều lúc, tôi còn thấy rằng, việc mẹ chăm sóc cho bố con tôi là một việc đương nhiên, đó là “phận sự” của mẹ. Vào những ngày lễ, bố tôi thường vắng nhà từ rất sớm, đôi khi, ông cũng chẳng về nhà buổi tối. Tôi thì lang thang cùng những cô bạn gái xinh như mộng. Các nàng đều nhớ để “đòi quà” tôi vào những ngày ấy, và thực tình, tôi cũng đã “chi đẹp” cho các nàng mà không hề thấy tiếc của. Ấy vậy nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, mình sẽ mua cho mẹ một bông hoa hay một món quà nhỏ nào. Với tôi, gia đình là một điều gì đó quá tối tăm, tôi không thích bước về đó khi ngoài đường người ta đang vui vẻ, ồn ào với đầy đủ sắc màu của hoa và quà.

20 -10 năm nay, tôi hứa với bạn gái sẽ dẫn nàng đi ngoại ô thăm những cánh đồng hoa bạt ngàn đang tỏa sắc. Khi đang lang thang ở những khu biệt thự cho thuê, tôi gặp bố mình đang dẫn một cô gái trẻ đẹp đi vào một ngôi nhà xinh xắn. Tay bố mang nhiều hộp quà, miệng bố cười tươi, ông mở cổng cho người đẹp rồi mất hút sau cánh cửa màu nâu sẫm. Miệng tôi chợt đắng chát. Tôi đã nhiều lần nghe phong thanh chuyện bố tôi có bồ, nhưng khi tận mắt chứng kiến, tôi mới hiểu cái cảm giác ấy là như thế nào.

Tôi phóng như bay về nhà, mặc kệ cô bạn gái đang chửi rủa sau lưng. Mẹ tôi vẫn đang lau chùi cầu thang. Căn nhà rộng rãi nhưng lạnh lẽo. Tôi hét lên: “Bố mua nhà cho bồ ở mà mẹ vẫn còn ở đây lau nhà được ư?”. Mẹ tôi ngẩng lên, gương mặt không chút biến sắc. Dường như bà đã biết điều này từ lâu lắm rồi. Giọng mẹ run run: “Vì ngày xưa mẹ cũng đã một lần lầm lỡ nên bây giờ ông ấy mới như thế”.

Tôi đã nhận ra tình yêu thương của mẹ, đã sống tốt và sống vui. Và với mẹ, đó chính là món quà vô giá không gì sánh kịp. (ảnh minh họa)
Tôi đã nhận ra tình yêu thương của mẹ, đã sống tốt và sống vui. Và với mẹ, đó chính là món quà vô giá không gì sánh kịp. (ảnh minh họa)

Tôi nhớ, bố tôi đã rất nhiều lần mắng nhiếc những người phụ nữ ngoại tình. Tôi không hỏi rõ sự việc nhưng chợt thấy thương mẹ hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên sau mười mấy năm cố gắng thóat ra khỏi vòng tay của mẹ, tôi lại lao vào lòng bà như một đứa trẻ mới lên ba. Tôi thương mẹ. Dù cho mẹ đã lầm lỡ như thế nào thì sự đối xử của bố tôi vẫn quá bất công.

Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, bố mẹ tôi tiến hành thủ tục ly dị. Tôi chính là người khuyên mẹ nên làm chuyện ấy. Cuộc sống quá ngắn ngủi nên tôi không muốn mẹ phải tiếp tục chịu đựng. Bố tôi chưa bao giờ tặng hoa cho mẹ, tôi cũng đã từng như thế, nhưng bây giờ, tôi đã biết làm mẹ vui. Không phải vì tôi đã nhớ đến những bông hoa vào đúng các dịp lễ, mà là tôi đã biết đến sự quan tâm của một người con đến người đã dành hết tình yêu thương cho mình.

Tôi đã nhận ra tình yêu thương của mẹ, đã sống tốt và sống vui. Và với mẹ, đó chính là món quà vô giá không gì sánh kịp. Một ngày lễ nữa của các chị, các mẹ lại đến. Cầu chúc cho ngày 20 -10 năm nay của mẹ thật bình yên, an lành để đôi mắt buồn không còn phải ướt sau những quãng ngày giông bão.

Theo Eva