Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

29/05/2011 23:57
TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho biết đây là biện pháp thông thường và cần thiết của các quốc gia bị xâm phạm chủ quyền sử dụng.
TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho biết đây là biện pháp thông thường và cần thiết của các quốc gia bị xâm phạm chủ quyền sử dụng trong quan hệ quốc tế.
{iarelatednews articleid='3419,3366,3328,1129'}
* Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào sau vụ 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam?
 
- Ông Trần Công Trục: Việc làm của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Điều này cho thấy Trung Quốc đã có bước leo thang cực kỳ nguy hiểm khi đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà họ là một trong những bên đã ký kết.
* Phải chăng Trung Quốc muốn tiến xa hơn trong tham vọng biến vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”  thành “ao nhà” của mình?
- Trung Quốc đã rất nhiều lần thể hiện tham vọng đối với biển Đông như đưa ra những tuyên bố về chủ quyền vô căn cứ, đặc biệt chính thức hóa đường biên giới biển “hình lưỡi bò” bằng cách đính kèm công hàm mà họ đã gửi lên Liên Hiệp Quốc năm 2009 phản đối việc Việt Nam và Malaysia nộp hồ sơ xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa.  Việt Nam cùng các nước trên thế giới và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần phê phán và cực lực  phản đối “đường lưỡi bò”  phi lý này.
Có thể nói việc tàu hải giám của Trung Quốc phá hoại tài sản, thiết bị thăm dò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một bước mới trong chiến lược từng bước tiến xuống biển Đông của Trung Quốc và tham vọng muốn giành lấy sự công nhận của thế giới đối với yêu sách  biến biển Đông thành “ao nhà” của họ.
* Như vậy là hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam còn gây lo ngại cho cả khu vực?
-  Việc Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, ngang ngược trên biển Đông không chỉ gây ảnh hưởng và đe dọa đến an ninh, quốc phòng, kinh tế… của Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
* Trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?
- Việt Nam cần tiếp tục triển khai các biện pháp đấu tranh kiên quyết không chỉ trên mặt trận ngoại giao, pháp lý mà còn cả trên mặt trận dư luận bằng cách kêu gọi sự lên tiếng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực. Tôi cho rằng các nước trong khu vực cần có tiếng nói thống nhất trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế rất nghiêm trọng của Trung Quốc.
* Việt Nam có thể kiện ra Tòa án Quốc tế và có ý kiến tới Liên Hiệp Quốc về hành động xâm phạm của Trung Quốc?
- Việt Nam có thể gửi lưu chiểu tại Liên Hiệp Quốc, công bố tất cả bằng chứng vi phạm này cho cả thế giới biết và đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế, Tòa án Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. Đây là biện pháp thông thường và cần thiết mà các quốc gia bị xâm phạm chủ quyền đã  sử dụng  trong quan hệ quốc tế.
Theo Thế Dũng/NLĐ