Việt Nam đã từng chịu 5 đợt sóng thần?

19/04/2011 21:29
(GDVN) – PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - PGĐ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, hiểm họa sóng thần đối với Việt Nam là rất lớn.

(GDVN) – PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - PGĐ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, hiểm họa sóng thần đối với Việt Nam là rất lớn và nó đến từ khu vực vùng nguồn ngoài biển đông. Trong đó nguy hiểm nhất là vùng nguồn nằm tại phía tây của Philipin.

Sự thực về "sử liệu" 5 trận sóng thần tại Việt Nam

Thời gian gần đây, nhiều trang web đăng tải thông tin Việt Nam từng hứng chịu 5 trận sóng thần kinh hoàng. Theo nguồn tin này, gần đây nhất là trận sóng thần ập vào Trà Cổ (Quảng Ninh) năm 1978. Cơ quan hữu quan đã ghi nhận có sóng cao 2-3 m. Trước đó, năm 1923 tại Nha Trang, sóng thần xuất hiện tại Mũi Né, theo dân ở vùng đó, sự kiện này là do núi lửa phun ở Hòn Tro.

Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (không rõ năm nào), tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng xuất hiện có sóng cao bằng nửa cây tre đánh vào; Theo Đại Nam thực lục chính biên, tại Bình Thuận năm 1877 cũng ghi nhận; Còn theo Lịch triều hiến chương loại chí có ghi, năm 1882 ghi nhận có nơi sóng cao tới 18m.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương
 Trao đổi với GDVN, PGS. TS. Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu khẳng định, "ở Việt Nam chưa từng có tài liệu nào nói rằng các tỉnh ven biển nước ta từng phải hứng chịu những trận sóng thần. Cho tới nay, Việt Nam chưa có điều kiện nghiên cứu về sóng thần và cổ sóng thần. Vì vậy chúng ta không thể khẳng định đó là những trận sóng thần từng xảy ra".

"Có thể trong các tài liệu, những người làm sử sách đã ghi nhận lại những sự kiện gây thiệt hại lớn do biển gây ra. Chúng ta cần hết sức thận trọng khi phát ngôn về vấn đề này", PGS.TS Phương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Phương, người dân cần phân biệt rõ sóng biển do mưa bão và sóng thần là hoàn toàn khác nhau. Sóng thần có căn nguyên và bản chất là do sóng trọng lực do các hành tinh hút nhau, sự vận động mạnh mẽ dưới đáy biển bởi các địa tầng bị đứt gãy…

Giải thích về sự kiện được cho là sóng thần ập Nha Trang năm 1923, ông Phương cho biết, thời điểm đó núi lửa Hòn Tro hoạt động. Kèm theo trận núi lửa là trận động đất mạnh 6,4 độ richter. Hiện tượng này gây ra những đợt sóng cao hàng mét, tuy nhiên không gây thiệt hại về người. Các nhà chuyên môn liệt sự kiện này thuộc dạng động đất có nguồn gốc núi lửa.

Sau 2 tiếng, sóng thần có thể vượt biển Đông vào Việt Nam

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, hiểm họa sóng thần đối với Việt Nam là rất lớn và nó đến từ khu vực vùng nguồn ngoài biển đông. Trong đó nguy hiểm nhất là vùng nguồn nằm tại phía tây của Philipin nơi có đới đứt gãy kéo dài hàng nghìn km. Tại đới này, có khả năng liên tiếp xảy ra những sự vận động, những trận động đất lớn.

Cơ quan khoa học đã có ghi nhận về những trận động đất mạnh 6,1 độ richter. Nếu một ngày nào đó, các cơ chế đứt gãy này phù hợp với điều kiện phát triển sóng thần thì sóng thần sẽ đổ ập vào Việt Nam. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ để sóng thần đi qua toàn bộ biển Đông để đổ bộ vào bờ biển nước ta. Đây là những tính toán rất chính xác về định lượng của các nhà khoa học Việt Nam cho tới thời điểm hiện nay.

Nam Phong