Việt Nam tham dự Hội thảo chống săn bắn động vật bất hợp pháp ở Gabon

04/04/2012 16:25
Nguyễn Thắng
(GDVN) - Hôm nay (4/4/2012), đại diện của Bộ Công An Việt Nam sẽ tham dự một hội thảo ba ngày được tổ chức tại Gabon để ứng phó với tình trạng săn bắt trộm và buôn lậu động, thực vật hoang dã trong danh sách nguy hiểm và được bảo vệ đang ngày càng gia tăng.

Hội thảo “Tiểu Khu vực Trung Phi về Buôn bán Động thực vật Hoang dã và Dẹp bỏ những Mạng lưới Buôn bán Bất hợp pháp Xuyên quốc gia” do các Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Gabon và Cộng hoà Trung Phi chủ trì trên cơ sở hợp tác với Chính phủ Gabon,


có gần 150 đại biểu tham dự, chủ yếu là các quan chức chính phủ và các cán bộ thi hành luật pháp, cũng như lãnh đạo của các tổ chức bảo tồn hoạt động tích cực trong khu vực.

Các Đại Sứ Hoa Kỳ tại Cộng hoà Trung Phi và Gabon sẽ đồng chủ toạ hội thảo từ ngày 3-5/4 tại Libreville, Gabon. Khai mạc hội nghị, Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba đã nêu bật những nỗ lực của chính phủ Gabon trong việc xoá bỏ tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên bất hợp pháp.
 
Săn trộm tê giác lấy sừng ở Châu Phi (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)
Săn trộm tê giác lấy sừng ở Châu Phi (Ảnh minh họa/Nguồn: Internet)
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cộng đồng thi hành luật pháp quốc tế đang ngày càng quan ngại về những mối đe doạ gây ra bởi những mạng lưới tội phạm chuyên săn bắt và buôn bán bất hợp pháp các loại động thực vật hoang dã trong danh sách nguy hiểm và được bảo vệ.

Việc săn bắt và buôn bán động thực vật hoang dã là những hoạt động hình sự đem lại lợi nhuận cao và cùng với những mạng lưới bất hợp pháp khác làm suy yếu an ninh và sự ổn định của những nền kinh tế ở Đông Nam Á, Trung Phi và những nơi khác.

Tháng 7/ 2011, Chiến lược Quốc gia về Chống lại Tội phạm Có tổ chức Xuyên Quốc gia và Những Mối đe doạ Kết hợp đối với An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama đã nhấn mạnh các tội ác về môi trường là một trong năm loại hoạt động hình sự đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
Nỗ lực chia sẻ thông tin này giữa các đại diện thực thi pháp luật và chống săn bắt trộm ở Trung Phi, các tổ chức quốc tế như INTERPOL, CITES, và TRAFFIC và những nước nơi có nhu cầu sử dụng như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, là một bước đi quan trọng hướng tới việc tạo ra những cách thức tiếp cận mang tính quốc tế và nền tảng cộng tác mạnh mẽ hơn để chống lại việc săn bắt trộm và buôn lậu động thực vật hoang dã.
 
Chính phủ Hoa Kỳ đã đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm phát triển các liên minh toàn cầu chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp và xoá bỏ mạng lưới buôn bán xuyên quốc gia bất hợp pháp.

Năm 2005, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thành lập Liên minh Chống Buôn bán Động Thực vật Hoang dã với mục đích chấm dứt tình trạng buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã bằng cách tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm cầu và xúc tác hành động chính trị.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ trong việc hình thành các mạng lưới khu vực thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã ở Đông Nam Á (ASEAN-WEN), Nam Á, và Trung Phi.
 
Việt Nam cũng là một thành viên tham gia Mạng lưới Phản ứng Chống Buôn bán Các loài có Nguy cơ bị Xâm hại ở châu Á của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (ARREST) nhằm chống lại việc buôn bán các loài hoang dã bằng cách giảm cầu tiêu dùng, tăng cường việc thực thi pháp luật, tăng cường hợp tác khu vực và củng cố các mạng lưới chống buôn lậu.

Nguyễn Thắng