Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Vỡ đập thủy điện: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm

16/10/2012 07:36
Việc thẩm định chất lượng và nghiệm thu công trình thủy điện Đakrông 3 đều do chủ đầu tư quyết định và chịu trách nhiệm.

Ngày 15/10, UBND huyện Đakrông - Quảng Trị đã có báo cáo chính thức về thiệt hại do vỡ đập vai trái công trình thủy điện Đakrông 3. Theo đó, ngoài thiệt hại về sắn người dân xã Tà Long đã thu hoạch, còn gần 1 ha sắn, 0,5 ha hoa màu và 0,2 ha chuối của người dân xã Đakrông cũng bị ngập.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, khẳng định sự cố tuy gây thiệt hại không lớn nhưng rất nguy hiểm và khiến người dân bất an, đặc biệt là nhiều học sinh hằng ngày đều phải đi qua con sông này để đến trường. “Ngày 13/10, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh,  lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn (chủ đầu tư) đã chấp nhận đền bù cho người dân rồi, nếu giờ nói ngược lại thì chứng tỏ họ trốn tránh trách nhiệm” - ông Hùng nói.

Vỡ đập thủy điện: Chủ đầu tư chịu trách nhiệm, Tin tức trong ngày, vo dap thuy dien, dap thuy dien, dap thuy dien song tranh 2, dap thuy dien dakrong, vo dap thuy dien dakrong, vo dap chan thuy dien, cong trinh thuy dien, bao, tin hay, tin hot, tin tuc, vn

Đập thủy điện Đakrông 3 bị vỡ trong mùa mưa bão khiến người dân lo lắng

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định: “Việc vỡ đập thủy điện gây thiệt hại cho người dân thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường bởi nếu không vội vàng tích nước thì làm sao xảy ra sự cố”.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Điện năng Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, khẳng định đã nhận được văn bản đề ngày 5/9/2011 từ phía chủ đầu tư thông báo sẽ tích nước vào ngày 12/9/2011 để vận hành thử tổ máy số 1 nhưng họ không triển khai. Đến năm nay họ gửi thông báo tích nước nhưng chúng tôi chưa thể đi kiểm tra vì công trình chưa hoàn thành thi công, việc quyết định tích nước hay không là quyền của họ” - ông Dũng lý giải.

Cũng theo ông Dũng, đây là công trình thủy điện cấp 3 (có công suất từ 3-30 MW) nên không thuộc danh mục buộc cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận bảo đảm chịu lực mà chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm. Vấn đề nghiệm thu chất lượng công trình, bản thiết kế kỹ thuật đều do chủ đầu tư thực hiện, ký duyệt. Chính quyền địa phương chỉ được chủ đầu tư báo cáo về bản thiết kế tổng quát để xem xét có phù hợp với quy hoạch thủy điện hay không.

Còn sau khi hoàn thành và công trình được nghiệm thu, trong vòng 30 ngày, chủ đầu tư mới báo cáo cho Sở Công Thương để theo dõi, đôn đốc việc kiểm tra độ an toàn hồ đập theo định kỳ. Vì vậy, chủ đầu tư phải chịu mọi trách nhiệm liên quan đến an toàn công trình.

Theo Quang Nhật (Người Lao Động)