Vụ bắn tàu cá Việt Nam: Nếu cần phải kiện TQ ra toà án quốc tế

28/03/2013 07:26
Quang Tuệ
(GDVN) - “Ỷ thế nước lớn để  dùng vũ lực để hà hiếp, chà đạp những ngư dân hiền lành, tay không thì việc làm đó cả thế giới này không ai chấp nhận. Hành động vừa qua của phía Trung Quốc đã bôi nhọ nền văn hiến của họ...”.

Hành động của Trung Quốc là vô nhân đạo

Ngày 27/3, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu - Ban Dân vận Trung ương) hiện đang là GĐ Trung tâm Minh triết thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam xung quanh những động thái mới đây của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ông Nguyễn Khắc Mai nói: “Việc ngư dân Việt Nam hàng ngày có mặt tại quần đảo Hoàng Sa (hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) là một hành động cụ thể, rõ ràng, mạnh mẽ nhất  khẳng định chủ quyền của mình tại quần đào Hoàng Sa. Chúng ta phải tôn vinh, biết ơn những ngư dân đó. Chúng ta cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ, đáp nghĩa cho những ngư dân bị Trung Quốc xâm hại. Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần có phong trào đáp nghĩa cho những ngư dân ra Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (phải)- Giám đốc Trung tâm Minh Triết và TS. Đinh Hoàng Thắng (giữa)- Tổng Thư ký chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông” (Ảnh: HL)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai (phải)- Giám đốc Trung tâm Minh Triết và TS. Đinh Hoàng Thắng (giữa)- Tổng Thư ký chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông” (Ảnh: HL)

Vừa qua, với tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin, chúng tôi rất hoan nghênh phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại”. 

Khi được hỏi về hành động này từ phía Trung Quốc, ông Mai cho rằng: “Đã là luật chơi thì phải sòng phẳng rạch ròi, văn minh, nhân đạo. Ỷ thế nước lớn để  dùng vũ lực để hà hiếp, chà đạp những ngư dân hiền lành, tay không thì việc làm đó cả thế giới này không ai chấp nhận. Hành động vừa qua của phía Trung Quốc đã bôi nhọ nền văn hiến của họ. Họ đã tự bôi nhọ dân tộc mình khi dung dưỡng cho những hành động bất chấp đạo lý và vô nhận đạo như thế. 

Tôi rất tán thành với ý kiến của các luật gia: ngay trong chiến tranh, hai bên đánh nhau, việc tôn trọng dân thường không có một tấc vũ khí trong tay là đạo lý từ trước tới nay và theo luật pháp. Vậy mà tàu của Trung Quốc lại đi bắn về phía ngư dân Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là không thể chấp nhận được.

Rõ ràng Trung Quốc đang leo thang tại Biển Đông khi trước đây họ dùng áp lực về số lượng tàu thuyền và đến nay họ đã dùng súng bắn đạn. Nếu chúng ta không có biện pháp mới, chỉ là biện pháp cũ gọi đại sứ đến (là việc cần thiết mà hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang làm) thì chưa đủ mà chúng ta phải có những giải pháp khác. Tuy nhiên, vấn đề này hết sức tế nhị nhưng chúng ta phải có biện pháp để bảo vệ những ngư dân của chúng ta”.

Nếu cần thì phải kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế

Theo ông Mai, một trong những biện pháp đó là dùng tàu chức năng của chúng ta đi hỗ trợ các tàu cá trong khu vực Hoàng Sa. Có một điều chắc chắn rằng, phía Trung Quốc sẽ ngăn cản nhưng chúng ta phải tạo thế để Trung Quốc không thể ngăn cản ta làm việc này. Muốn tạo ra thế đó thì trước tiên chúng ta phải tạo ra một dư luận quốc tế phê phán những hành vi vô nhân đạo như vừa qua của Trung Quốc.

Cabin tàu cá QNg-96382 TS bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi
Cabin tàu cá QNg-96382 TS bị tàu Trung Quốc bắn cháy rụi
Ông Nguyễn Khắc Mai nói: “Trung tâm Minh triết có chương trình nghiên cứu Minh triết làm chủ Biển Đông dựa trên một tư tưởng dự báo chiến lược của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Vạn lý Đông Minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình”. Dịch nghĩa là: “Vạn dặm Biển Đông dang tay giữ/ Muôn năm cõi Việt giữ yên bình”.

Đây là một dự báo chiến lược thiên tài và là sự nghiệp của toàn dân tộc. Chúng ta không gây chiến và tôn trọng độc lập chủ quyền của các nước khác nhưng chúng ta cũng phải nâng sỹ khí của dân tộc. Đó là chỗ dựa của Chính phủ và là sức mạnh tinh thần của quân đội”.
“Vấn đề Biển Đông là vấn đề rất lớn và chúng ta phải tận dụng tất cả các giải pháp cần thiết để có thể bảo vệ chủ quyền của chúng ta kể cả việc đưa việc này ra Toà án quốc tế. Nhưng ta phải tính toán nhiều việc để có thể làm như Philippin và cần có quyết tâm làm việc này. 

Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" là một việc làm vi phạm chủ quyền Việt Nam và chúng ta cần phải có sự tuyên truyền để cho dư luận quốc tế thấy rõ sự vi phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Việc này chúng ta đã làm nhưng chưa làm đến nơi đến chốn. Tâm địa hòng độc chiếm Biên Đông và ngang nhiên vi phạm một cách trắng trợn chủ quyền nước khác là tâm địa “đại Hán man rợ” không phù hợp với văn mình nhân loại”, ông Mai nói. 

Ông Mai cũng khẳng định rằng trong đối ngoại, chúng ta phải thẳng thắn hơn với Trung Quốc và trước hết chúng ta phải thẳng thắn với dân tộc mình. Kẻ nào xâm phạm chủ quyền của ta, ta phải chỉ rõ, không thể nói một cách mơ hồ được.Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước nhưng trong vấn đề Biển Đông, chúng ta không thể mơ hồ trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta cũng cần tăng cường các mối quan hệ với các nước trong khu vực cũng như với Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế  trong vấn đề Biển Đông. Nếu cần, chúng ta phải đưa việc này ra Toà án quốc tế.

Nói về các biện pháp để giữ vững chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông cũng như hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông Nguyễn Khắc Mai cho biết: “Giữ Biển Đông như thế nào? Không phải là chúng ta mang súng ra giữ mà chúng ta cần phải chiến lược rất rõ ràng và năng lực để thực hiện chiến lược. 

Chúng tôi phân tích rằng chúng ta phải bảo vệ chủ quyền: chúng ta phải làm chứng lý, tuyên truyền cho dân biết chủ quyền của mình, đưa ra dư luận quốc tế để cho dư luận quốc tế biết rõ chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông và từ đó ủng hộ chúng ta… 

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nói chung và ở Biển Đông nói riêng đòi hỏi chúng ta phải có lực lượng vật chất đối phó với những cuộc xâm lăng gây hấn. Vừa qua Nhà nước ta đã có những việc làm nhưng đã đạt đến mức độ cần thiết chưa thì còn phải tính. 

Đồng thời, trong nước, chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn cho những hoạt động kinh tế Biển mà trực tiếp ở đây là ngư dân. Nền khoa học Biển của chúng ta cũng cần phải được tăng cường, hỗ trợ. Chúng ta cũng phải xây dựng văn hoá biển.

Quản lý Biển của chúng ta hiện nay đang rất manh mún. Cho nên chúng ta cần phải có sự chỉ đạo thống nhất trong vấn đề và gợi ý Việt Nam cần thành lập một lực lượng giám sát biển rất đáng chú ý”. 
Quang Tuệ