Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng:Hố ngăn cách chính quyền, người dân quá lớn

29/01/2012 07:23
"Điều quan trọng nhất bây giờ là phải hàn gắn mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với người dân địa phương".
Trao đổi với PV, luật sư Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của Ủy ban T.Ư MTTQ VN vừa làm việc tại Tiên Lãng về vụ cưỡng chế đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn, cho biết: "Điều quan trọng nhất bây giờ là phải hàn gắn mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với người dân địa phương". 

Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng:Hố ngăn cách chính quyền, người dân quá lớn ảnh 1
Luật sư Lê Đức Tiết (thứ 3, từ trái sang) ghi nhận ý kiến của người dân tại Vinh Quang hôm 21.1 - Ảnh: Hải Đăng

Qua tiếp xúc với nhân dân và chính quyền ở Tiên Lãng, có điều gì làm ông trăn trở?

Tôi đã đi nhiều "điểm nóng" về khiếu kiện, thu hồi đất đai nhưng chưa ở đâu tôi thấy có hố ngăn cách giữa người dân (cả người liên quan và không liên quan đến vụ việc) với cán bộ chính quyền lớn như ở Tiên Lãng lần này.

Trong các vụ việc cưỡng chế, thường chính quyền và người dân sẽ nảy sinh mâu thuẫn, nhưng ở các nơi khác, tổ chức Đảng, các đoàn thể địa phương như MTTQ, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, cơ quan dân vận sẽ là cầu nối để giải thích cho người dân, làm cho người dân không thấy đơn độc, không bị đẩy đến đường cùng. Ngay cả khi đã xảy ra cưỡng chế, họ vẫn được thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện quan tâm giúp đỡ. 
Trong những vụ việc như thế này, vai trò của các tổ chức đoàn thể là cực kỳ quan trọng để giúp người dân còn giữ lòng tin vào chính quyền. Nhưng rất tiếc, những người dân ở Vinh Quang, Tiên Lãng mà chúng tôi hỏi, họ đều nói rằng  không còn tin vào cán bộ lãnh đạo cấp xã, cấp huyện.
Một điều đáng lo ngại khác là các phát ngôn, giải thích không rõ ràng, thiếu chín chắn của một số lãnh đạo địa phương đã làm cho người dân hiểu lầm, gây mâu thuẫn giữa người có đầm với người không có đầm, giữa người địa phương này với người địa phương khác.

Trong vụ việc vừa qua, nếu MTTQ huyện có người hiểu rõ về pháp luật thì sẽ có những phản biện, trao đổi với bên chính quyền để có cách làm đúng luật và hợp tình hơn. Ở đây, chính quyền Tiên Lãng xử lý về lý (căn cứ pháp luật) chưa đạt, về tình càng chưa thấu nhưng không có cơ quan nào kiến nghị để điều chỉnh.

Theo ông, việc cấp bách mà địa phương cần làm hiện nay là gì?

Đó là MTTQ, các tổ chức đoàn thể phải bắt tay ngay vào việc hàn gắn mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Không nên coi đây là việc đứng về phía người phạm tội. Hành vi bắn vào công an, bộ đội của anh Quý hay một số người khác sẽ có pháp luật điều tra, xử lý. Nhưng gia đình, vợ con các anh ấy là người đang gặp rất nhiều khó khăn, không có nhà cửa, thủy hải sản bị lấy hết, tết phải căng lều sống tạm bợ...

Cần bắt tay vào việc cụ thể, như Hội phụ nữ giúp đỡ vợ con các anh ấy ổn định cuộc sống. MTTQ cần phối hợp với chính quyền để đối thoại với người dân làm đầm ở Tiên Lãng, bởi còn hàng chục hộ dân đang canh tác trên hàng trăm héc ta đầm tương tự như anh Đoàn Văn Vươn. Nếu không đưa ra hướng xử lý rõ ràng thì việc cưỡng chế đầm rất có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ chống đối, thậm chí những vụ việc quá khích có thể bùng phát và lan rộng.

Không thể coi vụ của anh Đoàn Văn Vươn là việc nhỏ, chỉ liên quan đến một vài gia đình họ hàng anh Vươn, hoặc chỉ trong phạm vi xã Vinh Quang, Tiên Lãng. Người dân ở nhiều nơi thuộc TP.Hải Phòng, thậm chí ở cả các tỉnh khác, những vùng có đất đai đang bị thu hồi, những vùng nuôi trồng thủy sản... sẽ nhìn vào kết quả điều tra vụ việc, cách hành xử của chính quyền Hải Phòng để có cách xử trí với vụ việc của họ.

Đoàn giám sát có trở lại Tiên Lãng, thưa ông?

Sau khi từ Tiên Lãng trở về, chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản, trong đó chỉ ra những vấn đề tại địa phương, những bất cập về cơ chế chính sách. Sắp tới, có thể đoàn công tác sẽ trở lại Tiên Lãng để tiếp tục tìm hiểu những diễn biến mới của vụ việc. Chúng tôi dự định sẽ vào thăm anh Vươn, anh Quý trong trại giam và đề nghị cơ quan công an đảm bảo sức khỏe của họ.

Hải Đăng/Thanh niên