Vụ đổ keo 502: Có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác

03/12/2011 08:06
Theo ANTĐ

Luật sư Nguyễn Hồng Bách đã có những phân tích cụ thể về dấu hiệu phạm tội “Làm nhục người khác” của đối tượng A Vương.

Liên quan đến vụ việc chị Lê Thị Phương công nhân phân xưởng C (Công ty giày Hong Fu Việt Nam, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị viên chủ quản A Vương quát tháo, dùng keo 502 đổ lên tay, sau đó bắt phải ép hai bàn tay lại với nhau khiến chị này bị ngất, phải đi cấp cứu đồng thời dẫn đến tình trạng đình công của hàng trăm công nhân tại công ty này vào ngày 26/11.

Dư luận hết sức phẫn nộ về hành vi ngược đãi coi thường nhân phẩm công nhân lao động Việt Nam của Chủ quản lý A Vương người Trung Quốc khi ông này đổ keo 502 vào tay công nhân, tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp luật cho rằng, A Vương có dấu hiệu phạm tội hình sự. Luật sư Nguyễn Hồng Bách đã có những phân tích cụ thể về dấu hiệu phạm tội “Làm nhục người khác” của đối tượng A Vương. Vụ việc chị Lê Thị Phương - nữ công nhân thuộc Công ty Giày Hong Fu (khu công nghiệp Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bị chủ quản người Trung Quốc đổ keo 502 vào tay rồi ép dính hai tay lại với nhau, gây phẫn nộ trong dư luận. Hiện tại chị Phương đang được điều trị tại Khoa Nội của bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, Thanh Hóa. Dưới góc độ luật pháp, bất kể tình hình sức khỏe của chị thế nào, hành vi của ông Vương - chủ quản người Trung Quốc đã có dấu hiệu phạm vào tội làm nhục người khác theo Điều 121 - Bộ luật Hình sự, nhìn dưới góc độ pháp lý thì tính chất nguy hiểm của hành vi do A Vương, thực hiện như sau:
Công ty giày Hong Fu Việt Nam, nơi xảy ra vụ việc ngày 26.11 (Ảnh: Nguyễn Văn Hải)
Công ty giày Hong Fu Việt Nam, nơi xảy ra vụ việc ngày 26.11 (Ảnh: Nguyễn Văn Hải)
Thứ nhất: Chị Lê Thị Phương là ca trưởng khâu hoàn chỉnh liên 2 thuộc xưởng C của Công ty Giày Hong Fu, tức là chị Phương ở cấp độ người quản lý công nhân. Chính chị Phương đã trình bày: Khi chị đang đi kiểm tra các công nhân khâu dán giày dép thì bị Vương hùng hổ đi đến kéo tay chị Phương lại rồi đổ keo 502 ra nắp và xoa lên tay chị, “sau đó ép hai tay tôi lại với nhau để cho keo dính chắc hơn”. Chị Phương ở cấp độ người quản lý lao động mà còn bị đối xử như vậy thì chúng ta không thể tưởng tượng được ông A Vương còn đối xử tồi tệ đến mức nào đối với công nhân Việt Nam? Thứ hai:  Theo chị Phương kể: Khoảng 11h15 trưa 26 -11, các công nhân tại xưởng C của Công ty Giày Hong Fu chuẩn bị nghỉ làm việc để đi ăn trưa thì ông A Vương (người Trung Quốc), một chủ quản của công ty đi kiểm tra các khâu dán giày dép của xưởng C. Trong quá trình kiểm tra, ông phát hiện có một số đế giày bị hở keo nên ông ta liền quát tháo, chửi bới các công nhân. Đúng lúc đó thì chị Lê Thị Phương (25 tuổi), ca trưởng khâu hoàn chỉnh liên 2 của xưởng C cũng đang đi kiểm tra các công nhân khâu dán giày dép. Nhìn thấy chị Phương, ông Vương hùng hổ đi đến kéo tay chị Phương lại rồi đổ keo 502 ra nắp và xoa lên tay chị. Nguyên nhân của sự việc đã rõ, việc công nhân có sai sót trong khi làm việc là không thể tránh khỏi và thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đào tạo tay nghề cho công nhân. Và sai phạm khi có sẽ được xử lý theo nội quy lao động của công ty, nội quy này phải được đăng ký tại địa phương (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa). Chúng ta cũng thấy rằng khi Vương thực hiện hành vi đổ keo 502 vào tay người khác, không bao giờ có sự tự nguyện của nạn nhân mà rõ ràng Vương đã dùng vũ lực. Thứ ba: Theo lời kể của chị Lê Thị Hòa, cùng là công nhân chứng kiến sự việc và đã ngất vì hoảng sợ thì đây không phải là lần đầu tiên ông Vương ép dính keo 502 vào tay công nhân. Cách đây vài ngày, có một công nhân ở xưởng C cũng bị ông Vương ép dính keo 502 vào tay, khiến tay chị bị phồng rộp, tróc da… nhưng do các công nhân sợ bị đuổi việc nên cứ nín nhịn chịu khổ. Đến khi sự việc của chị Phương xảy ra thì chúng tôi không chịu được nữa, tức nước vỡ bờ… Như vậy là hành vi của Vương đã lặp lại nhiều lần do đó cần xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn ngừa các trường hợp về sau. Thứ tư:  Hành vi của A Vương trên lãnh thổ Việt Nam cần xử lý theo pháp luật hình sự của nước Việt Nam. Hành vi của A Vương đổ keo 502 vào tay người công nhân và dính hai tay lại với nhau, ngay tại nơi làm việc, đang trong giờ làm việc, trước sự chứng kiến của nhiều người rõ ràng có mục đích làm nhục người khác và chủ ý của A Vương cũng là muốn làm nhục người khác. Hành vi này có dấu hiệu phạm tội làm nhục người khác. Tuy nhiên nếu thương tích của bị hại đủ mức độ theo quy định pháp luật thì Vương có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 - Bộ luật Hình sự.
Điều 121. Bộ luật Hình sự -  Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a - Phạm tội nhiều lần;
b - Đối với nhiều người;
c - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d - Đối với người thi hành công vụ;
đ - Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo ANTĐ