Vụ hôi của, cướp bia: "Tranh sáng, tranh tối Đà Nẵng - Đồng Nai"

09/12/2013 07:02
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Ở Đồng Nai và nhiều nơi khác trong cả nước, thấy người đi đường gặp nạn, người dân lao ra hôi của. Trong khi đó ở Đà Nẵng thì hoàn toàn ngược lại...

Tranh sáng, tranh tối Đà Nẵng - Đồng Nai

Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin: Trưa ngày 4/12, xe tải chở 1.500 thùng bia đi từ TP.HCM ra TP. Phan Thiết, khi đến vòng xoay Tam Hiệp (TP. Biên Hòa) bất ngờ gặp nạn khiến hàng trăm thùng bia đổ xuống đường.

Người dân ồ ạt lao ra hôi của khi thấy một chiếc xe gặp nạn. Sự việc trên xảy ra tại Biên Hòa - Đồng Nai
Người dân ồ ạt lao ra hôi của khi thấy một chiếc xe gặp nạn. Sự việc trên xảy ra tại Biên Hòa - Đồng Nai

Trong đó, ngoài loại bia chai đều bị vỡ, số còn lại là hàng trăm thùng bia lon đều bị người dân ở xung quanh hiện trường ập tới lấy hết mặc cho tài xế van xin. Vụ việc một lần nữa réo lên hồi chuông về đạo đức của người dân trước tại họa của người khác.

Từ câu chuyện trên, nhiều người nhớ đến Đà Nẵng. Bởi cách đây không lâu, cũng tại Đà Nẵng đã xảy ra một vụ tai nạn tương tự nhưng hành động của người dân nơi đây thì hoàn toàn khác.

Cụ thể, gần 5h chiều ngày 9/11, một vụ tai nạn hy hữu xảy ra tại vòng xoay ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Xô Viết Nghệ Tĩnh (Đà Nẵng) khiến 600 két bia bị đổ ập xuống đường.

Tại hiện trường sau khi xảy ra sự việc, hàng ngàn chai bia bị vỡ vụn khiến nước bia chảy lênh láng trên mặt đường. Tuy nhiên, không có tình trạng hôi của xảy ra.

Một vài người dân xúm lại giúp tài xế dọn dẹp, còn lại nhiều người tò mò đứng nhìn, không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy, hôi của.

Nhìn trong ảnh có thể thấy rõ, chai bia bị vỡ đã được quét dọn, những két bia bị đổ đã được người dân Đà Nẵng xếp lại ngay ngắn.

Nhìn trong ảnh có thể thấy rõ, chai bia bị vỡ đã được quét dọn, những két bia bị đổ đã được người dân Đà Nẵng xếp lại ngay ngắn.

Cùng một sự việc nhưng hai cách hành xử hoàn toàn trái ngược nhau đã trở thành chủ đề bình luận của dư luận. Mọi người phê phán ý thức của người dân trong vụ đổ bia tại Đồng Nai bao nhiêu thì lại khâm phục lòng tốt của người dân Đà Nẵng bấy nhiêu.

Vậy nguyên nhân nào khiến cho người Đà Nẵng ứng xử văn minh như vậy? Theo quan điểm của Tiến sĩ Lương Hoài Nam, ông nói ngắn gọn: “Tôi cho rằng, người dân ứng xử có văn minh hay không phụ thuộc nhiều vào người lãnh đạo ở chính những nơi đó và bởi những chính sách họ đưa ra”.

Những chuyện “hổng” giống ai

Nhắc đến Đà Nẵng, người ta thường nghĩ ngay đến chương trình “5 không, 3 có”, đã làm nên thương hiệu và bản sắc riêng của Đà Nẵng trong suốt những năm qua.

Đà Nẵng được nhiều người bình chọn là "Thành phố đáng sống nhất"
Đà Nẵng được nhiều người bình chọn là "Thành phố đáng sống nhất"
5 không - đó là không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của. Sau 5 năm tích cực triển khai kể từ năm 2000, kết quả đạt được thật là mỹ mãn. 

Từ cuối năm 2000, Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu không có hộ đói; cuối năm 2004, cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, trong 2 năm 2001 và 2002 hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ đến người cuối cùng trong độ tuổi 6-35, tập trung 1.537 lượt người lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, giải quyết cho 14.570 lượt đối tượng xã hội được hưởng chế độ trợ cấp cứu trợ thường xuyên, giải quyết cứu trợ đột xuất cho 101.964 lượt người gặp khó khăn, hoạn nạn. Về tội phạm ma túy, từ năm 2001 đến 2005, Công an thành phố đã bắt và xử lý 245 vụ, gồm 705 đối tượng, kiềm chế được sự gia tăng tội phạm về ma túy. 

Thêm ví dụ về phương pháp giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên chậm tiến tại Đà Nẵng. Một cách làm sáng tạo, tế nhị và vô cùng khéo léo.

Cách làm của Đà Nẵng rất độc đáo đó là đưa các em tới thăm trại giáo dưỡng, thăm nhà giam phạm nhân lớn tuổi và cuối cùng là cho các em đi du lịch cáp treo tại Bà Nà.

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, ngày ông là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã giải thích: "Thành phố muốn các em chứng kiến cảnh phải tù túng vất vả trong tù khi phạm tội và cuộc sống tự do vui tươi ở ngoài, nhằm động viên các em hãy sống tốt để có thể hưởng thụ cuộc sống vui tươi ở ngoài đời".

Việc giáo dục này đã phát huy rõ rệt và tỷ lệ trẻ em phạm tội ở Đà Nẵng hiện thấp nhất trong cả nước.

“Sống ở quê hương bác Thanh có khác”

Nhắc đến Đà Nẵng khiến tôi nhớ lại một câu chuyện liên quan đến người Đà Nẵng. Chả là cách đây không lâu, tòa soạn có nhận được một cuộc điện thoại của một cô gái tên Quỳnh người Đà Nẵng. 

Sự việc như sau: Chị Quỳnh là người Đà Nẵng ra Hà Nội thăm bà con. Trong khi đi taxi đến một siêu thị ở Hà Nội, do người lái taxi có mâu thuẫn với bảo vệ của siêu thị này nên bị mấy người bảo vệ ở đó hành hung.

Khi đó chị Quỳnh đang ngồi trong xe và mặc sức can ngăn nhưng không được. Ngap lập tức, chị đã gọi điện về tổng đài của hãng taxi để thông báo và nhờ một số cơ quan báo chí đến để thông tin.

Vài ngày sau khi xảy ra sự việc, lúc này chị Quỳnh đã trở lại Đà Nẵng nhưng vẫn liên tục gọi điện cho tôi để hỏi thăm về tình hình sức khỏe của anh chàng lái taxi đó. Chị cho biết, nếu có phải ra tòa hay cơ quan điều tra cần thông tin, chị sẵn sàng bay ra Hà Nội để cung cấp. Chị tỏ ra bất bình và thương cảm cho anh chàng lái taxi vì tự nhiên bị đánh.

Khi được hỏi, tại sao một người lái taxi gặp lần đầu, hơn nữa đó cũng không phải là việc liên quan đến chị mà chị lại nhiệt tình đến như vậy? Chị Quỳnh chia sẻ: “Thấy người ta tự nhiên bị đánh thương quá và đang cần giúp thì tui giúp thôi”.

Tôi chẳng biết nói gì ngoài cảm ơn chị và cứ mỗi lần nhớ về chuyện đó, trong đầu lại hiện lên suy nghĩ “Đúng là người dân sống ở quê hương bác Thanh có khác”.    
VIẾT CƯỜNG