Vụ khởi tố cựu Giám đốc Sở: Kiến không chui lọt nhưng Voi đi cả đàn?

01/07/2021 06:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Về quy trình, những gạch đầu dòng, người ta làm đầy đủ lắm, thậm chí làm nhiều bước hơn để tạo ra vỏ bọc đẹp hơn, dày hơn", ông Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.

Cơ chế quản lý lỏng lẻo, không minh bạch

Những năm gần đây, giáo dục nước nhà đã có những thay đổi được xem là bước tiến mạnh mẽ trong việc cải cách ngành, mang lại nhiều hiệu quả vượt bậc cho xã hội.

Những thành tựu về việc đưa khoa học công nghệ vào chương trình giáo dục; thành quả thay đổi nhận thức về trường học hạnh phúc, sức khỏe học đường…; triển khai chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới; tự chủ đại học… Phải nói rằng, đó là những thành tựu không thể phủ nhận trong nhiều năm nay của ngành giáo dục, đào tạo.

Tuy vậy, thực tế nhìn nhận cho thấy, mặc dù đã có những sai phạm trong ngành được xử lý nghiêm để làm gương, thế nhưng vẫn có những tồn tại, sai phạm mới xuất hiện. Thậm chí, những vụ việc sau sai phạm với quy mô lớn hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh Ngọc Quang)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh Ngọc Quang)

Vụ việc mới nhất là vào ngày 24/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học.

Trong số các bị can có Vũ Liên Oanh - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh; Ngô Vui, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính; Hà Huy Long, nguyên Phó phòng Kế hoạch Tài chính…

Việc sai phạm và mức độ, hậu quả của sai phạm đến đâu đã có cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, xét ở góc độ nhân phẩm, đạo đức của những người đã từng làm thầy, làm cô, người đứng đầu, làm việc và thực hiện công việc giáo dục tại một địa phương như Quảng Ninh thì không thể chấp nhận được.

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: “Đây không phải là vụ việc đầu tiên, điển hình cho những sai phạm trong giáo dục. Mặc dù đang trong giai đoạn khởi tố, điều tra, tạm giam nhưng những nhân sự đứng đầu một ngành giáo dục để liên quan và xảy ra những vấn đề như thế này là không chấp nhận được.

Câu chuyện đầu tư, nhất là mua sắm thiết bị giáo dục, thiết bị y tế, thiết bị trường học và một số mua sắm tài sản công từ trước tới nay vẫn luôn xảy ra các tranh cãi và được xem là một khu vực màu mỡ, có chênh lệch về giá khi triển khai tại các địa phương.

Điều hết sức đáng buồn là trong lúc cả nước đang gồng mình lên chống dịch, người dân đang đóng góp tiền của, công sức để chống dịch thì chúng ta phải vướng vào những khúc mắc, sai phạm mà đáng nhẽ không được phép xảy ra”.

Như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra mà người thực hiện là những nhà quản lý giáo dục.

Chắc hẳn chúng ta chưa ai quên được vụ đại án gian lận thi cử xảy ra năm 2018. Vụ việc có liên quan đến hàng loạt bài thi của các thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Trong quá trình điều tra, nhiều cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam và có số lượng lớn bài thi bị can thiệp điểm.

Đây là vụ án sai phạm được cho là nghiêm trọng nhất từ xưa tới nay trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia và được xem là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe cho những nhà quản lý giáo dục manh nha với những sai phạm, gian lận trong quá trình thực hiện công việc của mình.

Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao đã có những sự vụ xảy ra với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng được gây nên, cấu thành hành vi phạm tội bởi những nhân sự trong ngành giáo dục nhưng vẫn có những sai phạm tiếp tục được thực hiện?

Ông Bảo phân tích: “Câu chuyện đau lòng này không chỉ riêng mỗi Quảng Ninh mà chắc chắn còn tồn tại ở rất nhiều nơi. Là sự cấu kết của cả một hệ thống từ cách quản lý, đầu tư, mua sắm tài sản công, không chỉ trong ngành giáo dục mà trong nhiều ngành, tại nhiều địa phương.

Nguyên nhân cơ bản ở đâu? Mấu chốt cuối cùng vẫn là các quy trình triển khai không được công khai, minh bạch.

Công khai, minh bạch ở đây đôi khi có những thủ thuật để làm cho chúng ta tưởng là minh bạch nhưng không minh bạch, tưởng là công khai nhưng không công khai.

Công tác đấu thầu cũng đặt ra ngày giờ, bao nhiêu đơn vị tham gia, tham gia như thế nào, giá… về hình thức thì rất chuyên nghiệp. Khi mà người ta hiểu được rõ về thủ tục thì nó trở thành công cụ để lợi dụng. Không những thế sai phạm ấy còn có sự tham gia của nhiều cán bộ có chức vụ, kiểm tra thông thường về hình thức thì rất khó phát hiện. Đấy chính là thí dụ điển hình để ví von rằng kiến không chui lọt nhưng Voi đi cả đàn”.

Qua vụ việc Quảng Ninh được xem là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các cấp quản lý phải nhìn lại cách quản lý, thực chất, minh bạch, công khai.

“Về quy trình, về những ‘gạch đầu dòng’ người ta làm đầy đủ lắm, thậm chí làm nhiều bước hơn nữa để tạo ra vỏ bọc đẹp hơn, dày hơn. Chúng ta nhìn nhận ra được bản chất thì phải sửa đổi bản chất đấy.

Về mặt công khai, minh bạch chúng ta làm chưa tốt, giao quyền, giao trách nhiệm đến từng cơ sở thì khi có dấu hiệu sai phạm xảy ra lãnh đạo trực tiếp phải được truy trách nhiệm cụ thể”, ông Bảo nhận định.

Xử lý nghiêm, không nhân nhượng với sai phạm

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là ngành tạo ra, cung cấp nhân lực cho xã hội. Dối trá, tham nhũng, sai phạm ngay trong ngành này được xem là điều vô cùng tối kị.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh – bà Vũ Liên Oanh và các đồng phạm. (Ảnh Bộ Công an)

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh – bà Vũ Liên Oanh và các đồng phạm. (Ảnh Bộ Công an)

“Đầu tư công hiện nay là một mảnh đất màu mỡ mà tất cả các cơ quan, tổ chức tại các ngành kết hợp với các doanh nghiệp đều muốn “chấm mút”. Nếu nói thẳng ra thì đây được xem là tình trạng “tiền chùa” mà đã là “tiền chùa” thì ai cũng muốn một chút, một ít dần dần trở thành tham nhũng tài sản, quyền lực xảy ra.

Chúng ta chỉ đang chặt về mặt hình thức còn nội dung không chặt. Mà điều này xảy ra ở bất kỳ ngành nào cũng đều nguy hiểm và giáo dục thì càng nghiêm trọng hơn.

Chính vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra, công tác đấu thầu trong tất cả các lĩnh vục cần được triển khai chặt chẽ hơn, và phải có sự giám sát của người dân. Bởi nhân dân là những người được hưởng thụ và tiền này chính xác là tiền của nhân dân đóng góp chứ không phải khi xảy ra người dân mới được biết”, ông Bảo bày tỏ.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có định hướng xuyên suốt cho ngành giáo dục thực hiện mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, thì đối với những người thực hiện công việc trong ngành giáo dục vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy định về đạo đức, nhân phẩm nhà giáo đều không thể nương nhẹ. Cần phải có những biện pháp xử lý triệt để, minh bạch, công khai, đúng người đúng tội.

“Ngành giáo dục là ngành mang tính xã hội, phục vụ người dân rất cao nhưng chúng ta có những điểm đen, điểm đen do quản lý, tổ chức để lại những dấu ấn làm cho xã hội nhìn nhận rất không tốt.

Giáo dục là một ngành như tấm gương, để cha mẹ học sinh tin yêu, học sinh tin tưởng, mọi người có niềm tin vào giáo dục, vào xã hội của một đất nước. Chính vì thế đây là ngành cán bộ, nhân sự phải trong sạch hơn”, ông Bảo chia sẻ.

Đối với mục tiêu “Học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Chính phủ trong ngành giáo dục, ông Bảo cho rằng: “Không chỉ riêng ngành giáo dục mà bất cứ một ngành nào trong xã hội đều cần chữ thật làm tiêu chí hàng đầu.

Đây là vấn đề lớn, vấn đề của cả nước chứ không phải vấn đề riêng mỗi Quảng Ninh. Chúng ta không vơ đũa cả nắm nhưng rõ ràng đây là một hiện tượng mà chúng ta cần phải cảnh giác, cần phải xem xét lại và cần có quy trình cụ thể.

Việc sai phạm trong ngành giáo dục phải được điều tra, xử lý triệt để, không ngoại lệ, không vùng cấm, phải được công khai, minh bạch. Có như vậy mới trở thành tấm gương cho các cá nhân, tập thể nhen nhóm ý định sai phạm, đem lại được sự công bằng, văn minh trong xã hội”.

Cao Kim Anh