Vụ lùm xùm ở một dự án của Bộ Y tế: Quanh co để né tránh trách nhiệm?

25/09/2013 16:12
Vũ Hoàng
(GDVN) - Dự án Quốc gia phòng, chống Bệnh đái tháo đường của Bộ Y tế để xảy ra nhiều sai phạm như: Sàng lọc đái tháo đường bỏ sót hàng chục ngàn người bệnh, in ấn tài liệu tuyên truyền có nội dung chuyên môn sai, lấy hình ảnh gia đình người nước ngoài in trên trang bìa tài liệu truyền thông... không chỉ gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Những con số tố cáo sự gian dối

Sự việc đã rõ nhưng người mà dư luận cho rằng phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm này là ông Nguyễn Vinh Quang, Trưởng ban Điều hành Dự án Quốc gia phòng chống đái tháo đường lại không coi đó là bài học để chấn chỉnh hoạt động của Dự án, mà lại giải trình với Bộ trưởng Bộ Y tế bằng văn bản có nội dung gian dối, bóp méo thông tin.

Việc lấy hình ảnh gia đình người nước ngoài in trên trang bìa tài liệu truyền thông... không chỉ gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Việc lấy hình ảnh gia đình người nước ngoài in trên trang bìa tài liệu truyền thông... không chỉ gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.


Cụ thể, tại công văn giải trình số 545/BVNTTW ngày 13/9/2013 gửi lãnh đạo Bộ Y tế, các Vụ/Cục/Thanh tra Bộ Y tế và các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Vinh Quang đã “bịa” ra con số: năm 2012 số người tham gia sàng lọc đái tháo đường là 268.373 người, số người không làm xét nghiệm sàng lọc là 91.000 người, số người làm xét nghiệm sàng lọc là 121.472 người, số người bị đái tháo đường là 19.778 người và số người bị tiền đái tháo đường là 36.123 người.

Những con số này đã bộc lộ ngay sự vô lý, bởi trong số 268.373 người tham gia sàng lọc, số người không làm xét nghiệm là 91.000 người, số người được làm xét nghiệm 121.472 người, vậy còn 55.901 người mà ông Quang không tính đến thuộc nhóm nào? Bằng cách giảm số người được làm xét nghiệm sàng lọc, ông Quang đã làm tăng tỷ lệ phát hiện đái tháo đường và tiền đái tháo đường lên tới 16,3% và 29,7% (phóng viên).

Còn nữa, bản giải trình 545/BVNTTW của ông Quang khác xa với “Báo cáo hoạt động phòng chống đái tháo đường năm 2012 và kế hoạch hoạt động năm 2013” cũng do chính ông Quang báo cáo trước đó. Cụ thể, theo báo cáo tổng kết thì số người có yếu tố nguy cơ đến khám sàng lọc là 268.373 người, đái tháo đường ở người có yếu tố nguy cơ là 19.778 (tỷ lệ 7,4%), tiền đái tháo đường ở người có yếu tố nguy cơ là 36.123 (tỷ lệ 13,5%). Nhưng Báo cáo tổng kết nêu trên của ông Quang lại khác xa với “Báo cáo kết quả sàng lọc...” của Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến do ông Quang làm Giám đốc và lại càng khác với “Đánh giá một số kết quả hoạt động...” của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Bộ Y tế do Tiến sỹ Khương Anh Tuấn Phó Viện trưởng và cộng sự thực hiện.

Cả 3 bản báo cáo này đều dựa trên cùng một nguồn số liệu là báo cáo của các tỉnh thực hiện hoạt động sàng lọc đái tháo đường năm 2012, nhưng “Báo cáo kết quả sàng lọc...” và “Đánh giá một số kết quả hoạt động...) đều có tỷ lệ phát hiện bệnh đái tháo đường rất thấp.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế Bộ Y tế, Dự án Quốc gia phòng chống đái tháo đường đã sàng lọc được 202.020 người, phát hiện được 9.932 người mắc đái tháo đường (4,9%), phát hiện được 26.242 người mắc tiền đái tháo đường (13,0%), trong đó các vùng sinh thái như Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ phát hiện đái tháo đường rất thấp tương ứng từ 5,2%, 3,8%, 3,7%, 2,0%, 3,4% và tỷ lệ tiền đái tháo đường cũng rất thấp tương ứng 10,1%, 10,2%, 10,0%, 2,9%, 9,8%, trong khi vùng Đông Nam Bộ lại phát hiện được tỷ lệ đái tháo đường lên tới 19,3% và tỷ lệ tiền đái tháo đường lên tới 57,9%. Và điều “khôi hài” là những con số của Dự án Quốc gia phòng chống đái tháo đường lại xác định tỷ lệ mắc đái tháo đường và tiền đái tháo đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, và các tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long lại chỉ bằng phân nửa tỷ lệ mắc đái tháo đường của các tỉnh miền núi!?

Làm nhưng không hiểu?

Trong công văn giải trình 545/BVNTTW, ông Nguyễn Vinh Quang cho rằng: Không biết số liệu mà dư luận báo chí trích dẫn từ đâu để ra con số tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường là 38,4%!

Việc in ấn tài liệu tuyên truyền có nội dung chuyên môn sai
Việc in ấn tài liệu tuyên truyền có nội dung chuyên môn sai


Thực ra, con số 38,4% người mắc tiền đái tháo đường đã được chính bản báo cáo của Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến do chính ông Nguyễn Vinh Quang làm Giám đốc: “Theo số liệu điều tra đái tháo đường toàn quốc năm 2008, tỷ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tương ứng ở độ tuổi....., ở độ tuổi 45 – 69 là 7,8% và 38,4%. Như vậy, kết quả sàng lọc thu được là không cao, thậm chí thấp hơn tỷ lệ ở quần thể cùng độ tuổi, chọn ngẫu nhiên năm 2008”.

Trong công văn 545/BVNTTW, ông Quang đã yêu cầu các cơ quan báo chí cung cấp danh sách những người đã tham gia sàng lọc đái tháo đường bị bỏ sót. Tuy nhiên, chính Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của ông Quang trong bản báo cáo hoạt động phòng chống đái tháo đường năm 2012 và kế hoạch hoạt động năm 2013 đã có nhận xét “tỷ lệ này (sàng lọc-phóng viên) không cao hơn so với quần thể chung chứng tỏ việc sàng lọc chưa đạt được hiệu quả”.

Còn trong báo cáo tổng kết hoạt động năm 2012 của Viện Chiến lược và Chính sách y tế Bộ Y tế cũng đã kết luận: “Một số hoạt động quan trọng đã được chứng minh có tính hiệu quả chưa cao với chi phí lớn nhưng vẫn đang được tiếp tục triển khai trong khi hoàn toàn có thể thay đổi sang phương thức khác có thể hiệu quả và ít tốn kém hơn, tận dụng được các nguồn lực và mang tính hệ thống (VD: Hoạt động sàng lọc,..)”.

In tài liệu  tuyên truyền sai nội dung

Dự án Quốc gia phòng, chống Bệnh đái tháo đường đã thiết kế, in ấn “tờ rơi” để phát cho các địa phương sai hoàn toàn phần nội dung tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh. Được biết, tài liệu này đã được các địa phương dùng làm tài liệu gốc để in thêm ra hàng loạt để tuyên truyền. Cụ thể, những tài liệu in ấn của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội,... giống hệt “tờ rơi” có nội dung sai của Dự án Quốc gia.

Sự việc thì đã rõ, nhưng trong công văn giải trình số 545/BVNTTW ông Quang lại đổ lỗi sai sót cho các tỉnh gây ra, bởi trong bản giải trình ông Quang đã nại ra rằng“... đã thông báo cho các đơn vị thực hiện Dự án PC ĐTĐ kiểm tra, đọc kỹ bản “bông” trước khi in”. Đã vậy, trong công văn giải trình  545/BVNTTW, ông Quang còn cho rằng nội dung sai không ảnh hưởng đến bệnh nhân vì ông “đã cho sửa chữa thủ công trước khi phát cho bệnh nhân”?

Được biết, đây là cách giải thích nhằm che đậy sự thật, bởi những “tờ rơi” có nội dung sai trái nêu trên được phát không tại các bàn khám bệnh để cho bệnh nhân xem và đã được các bác sỹ của Bệnh viện phát hiện ra những thông tin sai sót của “tờ rơi” và có ý kiến phản ánh với dư luận báo chí.

Còn nữa, những “tờ rơi” in hình ảnh một gia đình người nước ngoài hạnh phúc (trông giống một gia đình người Trung Quốc) lên trang bìa tranh tuyên truyền . Việc “vay mượn” hình ảnh của gia đình người Trung Quốc – dễ gây phản cảm không phù hợp với mục đích truyền thông của dự án Quốc gia. Được biết, kinh phí thiết kế “tờ rơi” chẳng hề tiết kiệm được đồng nào, dù việc thiết kế “tờ rơi” được “đạo” bằng hình ảnh của nước ngoài.

Với những vấn đề nêu trên, dư luận đang cần các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra và đánh giá chính xác những thiệt hại, lãng phí tại Dự án Quốc gia Phòng, chống Bệnh đái tháo đường, nhằm sớm “sàng lọc” những cán bộ điều hành dự án đã hạn chế chuyên môn lại không trung thực để ngân sách nhà nước bảo vệ sức khỏe người dân không bị thất thoát.
Vũ Hoàng