Vụ nước nhiễm thạch tín: Đổ rác đúng nơi quy định phạt 200.000 đồng?

11/10/2012 07:32
Thành Chung
(GDVN) - Theo phản ánh của người dân tại các khu nhà tái định cư B3, B4, B5 thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) không những hệ thống đổ rác của tòa nhà bị khóa chặt mà ai muốn đổ rác đúng nơi quy định còn bị dọa phạt tới 200.000 đồng.
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh về việc hơn 100 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu hiện đang sinh sống tại các khu nhà tái định cư B3, B4, B5 thuộc tổ 22 thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) đã phải chịu sống với nguồn nước bị ô nhiễm thạch tín (asen) vượt quá 43 lần cho phép trong nhiều năm nay.

Chuyện tưởng chừng khó tin nhưng tại khu tái định cư tổ 22 thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), nếu đổ rác đúng nơi quy định còn bị dọa phạt 200.000 đồng.
Chuyện tưởng chừng khó tin nhưng tại khu tái định cư tổ 22 thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), nếu đổ rác đúng nơi quy định còn bị dọa phạt 200.000 đồng.

Trong khi việc cấp nước chưa được giải quyết thì người dân ở đây còn phải chịu thêm nhiều bức xúc bởi sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội (trực thuộc Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội)

Hệ quả tất yếu là  khu chung dân cư đang bị xuống cấp nghiêm trọng và những điều kiện thiết yếu nhất phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của cư dân đều không được đảm bảo.
Theo tiêu chuẩn Việt nam về nhà cao tầng, những tòa nhà chung cư mới sẽ được thiết kế khu vực đổ rác riêng tại các tầng, sau đó có cửa thu gom tại tầng trệt. Tuy nhiên, hạng mục thiết yếu này tại tòa nhà tái định cư B3 lại bị chủ đầu tư bỏ qua nên nhiều năm nay, cái cảnh hàng ngày các hộ gia đình phải phân công nhau mang rác từ các tầng cao xuống đổ như lúc ở khu tập thể cũ vẫn diễn ra. Nhà không có hệ thống đổ rác là vậy nhưng ngay những những tòa nhà được thiết kế hệ thống đổ rác và bể chứa rác như B4, B5, người dân lại không được phép sử dụng hệ thống này. Bởi một số đối tượng đã tự ý khóa lại và đe dọa mọi người xuống đổ rác. "Tòa B4 chúng tôi có hệ thống đổ rác và bể chứa rác nhưng không sử dụng được vì một số đối tượng tự ý khóa lại và họ còn dán cả biển theo kiểu đe dọa là sẽ phạt 200.000 đồng nếu đổ rác ở đây", một cư dân xin giấu tên sống ở nhà B4 cho biết. Còn theo một cư dân khác chia sẻ: "Mang tiếng có hệ thống đổ nhưng họ khóa chặt rồi còn dọa phạt tiền nên người dân chúng tôi ở đây chỉ còn biết cách là phải mang rác xuống dưới đổ. Nhiều hộ thiếu ý thức còn vứt bừa bãi cả ra đường đi, vỉa hè, rất mất vệ sinh. Thực sự cứ bảo tái định cư sẽ tốt hơn nhưng thế này thì liệu có thực sự tốt hơn hay là kém đi".
Rác thải bị vứt bừa bãi dưới các tòa nhà.
Rác thải bị vứt bừa bãi dưới các tòa nhà.
Cũng theo phản ánh của cư dân tại đây, khi họ mới về nhận nhà, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được bật sáng liên tục. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bị cắt. "Khu vực này vẫn còn đang xây dựng, lại ở trong ngõ đi vào nhưng đèn chiếu sáng thì chỉ được bật sáng thời gian đầu khi chúng tôi mới về nhận nhà còn về sau thì bị cắt hết mà không rõ lý do. Đàn ông thì còn đỡ chứ phụ nữ và trẻ con mà đi làm, học về muộn mà tối om thế này thực sự là có rất nhiều mối nguy rình rập. Nên chúng tôi mong muốn ngoài việc cung cấp nước sạch, các cơ quan chức năng cũng quan tâm đến việc đảm bảo hoạt động cho hệ thống đèn chiếu sáng công cộng ở đây ", ông An, một cư dân tại đây bày tỏ.
* Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này tới bạn đọc...
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thành Chung