Vụ Pháp chế - Bộ Công an giải đáp về dự thảo Nghị định “cho nổ súng”

13/03/2013 07:29
Quang Tuệ
(GDVN) - Ông Trần Vi Dân cho rằng: “Các trường hợp nổ súng được quy định trong Pháp lệnh này còn rộng và mang tính bao quát. Chúng ta đang cần một quy định cụ thể bảo vệ cho người thi hành công vụ và chống lại những hành vi chống người thi hành công vụ”.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam xung quanh nội dung dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của Bộ Công an, PGS, TS. Trần Vi Dân – Vụ Phó Vụ Pháp chế, Bộ Công an nói: “Dự thảo Nghị định này do Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp cùng các bộ ngành liên quan soạn thảo. Là thành viên trong ban soạn thảo, chúng tôi rất hoan nghênh và cảm ơn mọi người vì sự tham gia góp ý cho dự thảo Nghị định này dù là những ý kiến trái chiều, phản đối.

Do thóa mạ, thách thức và cầm chai bia vỡ lên dọa đánh hai cảnh sát giao thông, Hoàng Minh Phong (18 tuổi) bị cảnh sát Lạng Sơn khởi tố để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Do thóa mạ, thách thức và cầm chai bia vỡ lên dọa đánh hai cảnh sát giao thông, Hoàng Minh Phong (18 tuổi) bị cảnh sát Lạng Sơn khởi tố để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn về bảo vệ an ninh trật tự, chúng ta cần phải có quy định để cụ thể hơn những văn bản đã có quy định về việc chống người thi hành công vụ tạo hành lang pháp lý bảo vệ cho những người thi hành công vụ. Đồng thời có quy định để người thi hành công vụ không lợi dụng việc thi hành công vụ của mình để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Sự quan tâm nhiều của mọi người cũng cho thấy nhu cầu đó”.

“Không phải mọi trường hợp đều được nổ súng”

Trước những nghi ngại của nhiều người rằng quy định các trường hợp được nổ súng là chưa rõ ràng, ông Trần Vi Dân cho biết: “Không phải mọi trường hợp chống người thi hành công vụ đều được nổ súng mà chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt, không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng của mình thì người thi hành công vụ mới được phép nổ súng.

Khi xây dựng dự thảo Nghị định này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ quy định về phòng vệ chính đáng trong Bộ Luật hình sự và quy định trong Pháp lệnh về sử quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cụ thể hoá”.

Ông Dân cũng cho biết, ban soạn thảo cũng đã tham khảo pháp luật của nhiều nước về các trường hợp người thi hành công vụ được nổ súng. Theo ông Dân, mỗi quốc gia có một quan điểm nên quy định về điều này cũng có sự khác nhau và đa phần các nước đều quy định các trường hợp được nổ súng nhiều hơn nước ta.

Trước ý kiến về việc những quy định về việc chưa quy định cụ thể và khi được hỏi tại sao ban soạn thảo không lấy những quy định những trường hợp được nổ súng trong điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 vốn đã được trình bày rất rõ ràng vào dự thảo Nghị định, ông Dân cho rằng Pháp lệnh này chưa thật cụ thể để có thể áp dụng được ngay. Các trường hợp nổ súng được quy định trong Pháp lệnh này còn rộng và mang tính bao quát. Và cũng theo vị Vụ phó này, chúng ta đang cần một quy định cụ thể bảo vệ cho người thi hành công vụ và chống lại những hành vi chống người thi hành công vụ.

Lý giải về việc Pháp lệnh quy định các trường hợp cụ thể nhưng lại không rõ ràng bằng dự thảo Nghị định của Bộ Công an, ông Dân nói: “Diễn biến của một hành vi chống người thi hành công vụ có thể bắt đầu từ một sự việc rất nhỏ. Cái biến từ hành động chống đơn giản sang đến hành động có thể xâm hại ngay đến tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ rất nhanh. Các hành động chống người thi hành công vụ hiện nay được đánh giá là manh động, dữ dằn, tức thì. Ví dụ như trường hợp của các đồng chí kiểm lâm đã bị tấn công dẫn tới bị thương và thậm chí là mất mạng, của CSGT, Cảnh sát phòng chống ma tuý…”.

“Sự can thiệp của Quân đội là cần thiết”

Về những ý kiến cho rằng việc quy định trách nhiệm quân đội trong dự thảo Nghị định là vi hiến, ông Dân cho biết: “Chúng ta không nên đặt vấn đề vi hiến ở đây. Các trường hợp có hành vi chống người thi hành công vụ phải huy động quân đội vào để xử lý là những trường hợp mang tính quả tang, đang diễn ra và lực lượng thi hành công vụ không đủ sức để giải quyết. Theo ông Dân, những trường hợp như vậy mà không được ngăn chặn kịp thời thì tội phạm sẽ tiếp tục diễn ra và có thể gây ra tác hại nghiêm trọng. Lúc này sự can thiệp của các lực lượng khác là một sự cần thiết”.

Theo ông Dân, quy định này xuất phát từ quy định trong Bộ Luật Tố tụng hình sự về việc bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang là ai trông thấy cũng có quyền bắt giữ. Và cũng xuất phát từ Hiến pháp, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là trách nhiệm của toàn dân. 

Ông Trần Vi Dân cũng chia sẻ sự kỳ vọng vào sự cụ thể của dự thảo Nghị định này khi doạn thảo để không cần phải có Thông tư để hướng dẫn khi có hiệu lực thi hành. “Chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu để xem xét để có những điều chỉnh phù hợp. Đây mới chỉ là giai đoạn đưa ra để lấy ý kiến của nhân dân”, ông Dân nói.
Quang Tuệ