Vụ Thiếu úy bị húc tung: Lái xe ô tô sẽ bị xử lý như thế nào?

17/03/2012 06:01
Tuệ Minh (thực hiện)
(GDVN) - "Quan sát kỹ video vụ tại nạn, tôi thấy cả người đi xe máy và người lái ô tô đều có lỗi…"
Như tin đã đưa, khoảng 1h30' sáng 13/3 tại ngã tư Cửa Nam, Hà Nội, một người đi xe máy đã va chạm với ôtô 4 chỗ mang BKS 30Z- 1609 đang chạy cắt ngang. Người đi xe máy bị ô tô tông mạnh, hất văng lên cao, cuốn vào gầm ôtô và kéo lê khoảng 60 m, còn xe máy văng xa 5-6 m ra một hướng khác. Sau khi gây tai nạn xong, tài xế ô tô lái xe bỏ chạy.

Khi thông tin về vụ tai nạn được đăng tải, đã có nhiều ý kiến của bạn đọc về trách nhiệm cũng như những đúng sai của những người liên quan. Phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà).

ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình
ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình

-  Sau khi theo dõi đoạn video về vụ tai nạn giao thông, ông có nhận định như thế nào?

- Được biết qua hình ảnh camera giao thông, người đi xe máy đã vượt đèn đỏ, ôtô đi đúng đường. Tuy nhiên, sau tai nạn, người lái ôtô đã không dừng lại mà đi tiếp rồi kéo lê nạn nhân 60m và bỏ chạy. Như vậy, cả người đi xe máy và người lái ô tô đều có lỗi.

- Sau khi thông tin về vụ tai nạn được đăng tải, đã có nhiều bạn đọc với những ý kiến khác nhau về lỗi của từng người. Xin ông có thể nói rõ hơn về lỗi của từng người trong những thời điểm khác nhau của vụ tai nạn trên?

- Vào thời điểm xảy ra tai nạn (1h30' sáng), đường vắng người qua lại nhưng nếu hệ thống đèn báo hiệu vẫn còn làm việc thì về nguyên tắc, người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành hiệu lệnh đèn.

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM VIDEO VỤ TAI NẠN TẠI CỬA NAM

Người đi xe máy trong vụ tai nạn này đã không “chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”, cụ thể là đã vượt đèn đỏ là vi phạm vào quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ và người thực hiện hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” này có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).

Trong vụ tai nạn này, anh Lâm mắc lỗi trước
Trong vụ tai nạn này, anh Lâm mắc lỗi trước

Tuy nhiên, trong vụ tai nạn này, hành vi vượt đèn đỏ của người đi xe máy lại là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến va chạm với xe ô tô nên đây là một lỗi nặng và nếu người lái ô tô bị xử lý bằng biện pháp hình sự thì lỗi này của người đi xe máy sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo (điểm e, khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự).

Đối với người lái ô tô, mặc dù hình ảnh của camera giao thông cho thấy, khi va chạm với người đi xe máy, ôtô đi đúng đường song lại chạy với tốc độ cao, khi tai nạn xảy ra, người lái ôtô đã không dừng lại mà kéo lê nạn nhân 60m và bỏ chạy. Chính hành vi này đã đẩy người lái ô tô vào tình trạng vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng.

Trong trường hợp đủ cơ sở để xử lý người lái ô tô bằng biện pháp hình sự thì hành vi “Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” lại là một tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 202 BLHS về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ với mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự thì “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự:
a. Làm chết một người;
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên;
c. ...
d. Gây tổn hại cho sức khoẻ của một người với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
đ. ...
e. Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng...”.

- Dưới góc độ là chuyên gia về luật, theo ông, trách nhiệm hình sự của từng người trong vụ tai nạn này như thế nào?

- Trong vụ tai nạn nói trên, nạn nhân không chết nên cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự người lái ô tô trước hết phải dựa vào lỗi của lái xe – nếu có - khi xảy ra tai nạn (ví dụ lỗi chạy quá tốc độ…) cũng như tỷ lệ thương tật và mức độ thiệt hại về tài sản.

Nếu quá trình điều tra xác định được lái xe có lỗi và hậu quả của vụ tai nạn này thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, d và e nói trên thì mới có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người lái xe ô tô về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và như đã phân tích ở trên, khung hình phạt áp dụng đối với người lái xe này sẽ là tù từ 3 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 202 BLHS). 

Do người bị hại trong vụ án này cũng có lỗi, hậu quả chết người chưa xảy ra nên chúng tôi cho rằng người lái xe ô tô nên đến cơ quan công an trình diện và khai báo về hành vi vi phạm của mình để trong trường hợp bị xử lý hình sự thì còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự thú” quy định tại điểm o, khoản 1 Điều 46 BLHS.

Chiếc ô tô gây tai nạn cho Thiếu úy công an Hà Lâm hiện đang được sửa chữa tại gara
Chiếc ô tô gây tai nạn cho Thiếu úy công an Hà Lâm hiện đang được sửa chữa tại gara

Trong trường hợp “có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật...” (Điều 46 BLHS), tức là người phạm tội có thể được hưởng mức hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 202 BLHS: phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Riêng đối với tình tiết “kéo lê nạn nhân khoảng 60m”, chúng tôi cho rằng quá trình điều tra cần làm rõ việc người lái xe có biết nạn nhân bị cuốn vào gầm ô tô hay không? Nếu biết mà vẫn cố tình bỏ chạy thì người lái xe sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 47 BLHS; trong trường hợp ngược lại, người lái xe sẽ không phải chịu tình tiết tăng nặng này”.

Nếu quá trình điều tra chứng minh được lái xe ô tô không có lỗi khi xảy ra va chạm với xe máy thì lái xe ô tô có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn. Theo quy định tại khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ thì hành vi “Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này - nếu chưa đến mức cấu thành tội phạm hình sự - sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm c, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010).


Trong trường hợp nghiêm trọng, người lái ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định tại Điều 102 BLHS với mức hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trong trường hợp này, người lái xe ô tô là “người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm” nên theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 102 BLHS, có thể bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi!

Điểm nóng:
Công ty của nữ đại gia tổ chức siêu đám cưới nợ bao nhiêu tiền?

Bản di chúc có chữ "Tuyệt đối bí mật" của Bác Hồ

Chủ tịch TP Hà Nội: Đổi giờ, vẫn tắc! Sự thật về chuyện "con đại gia" tổ chức lễ rước dâu bằng xe trâu

Cụ rùa hồ Gươm lại nổi gần 1 giờ

Bút tích "độc" bằng tranh của Bác Hồ (P1)
Nữ sinh trở dạ trong lớp học muốn trở thành sinh viên đại học Vượt ngục chấn động:Lấy bàn chải đục cửa, trám tường bằng giấy vệ sinh

Tuệ Minh (thực hiện)