Tìm cách tạo "đất dụng võ" cho những nhân tài

16/11/2011 10:08
Xuân Trung
(GDVN) - Nhân tài không có “đất dụng võ” dẫn đến việc “chảy máu chất xám” đang là hiện tượng ở Việt Nam hiện nay.
Ngày 15/11, hội thảo “Để không lãng phí tài năng các thủ khoa” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các thủ khoa “đầu ra” và “đầu vào” đến từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội, cùng với đó là các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng nhau mổ xẻ vấn đề làm thế nào cho thủ khoa nói riêng và nhân tài nói chung có cơ hội phát triển năng lực của mình, hạn chế lãng phí tài năng.
Những thủ khoa xuất sắc trong năm 2011 tại hội thảo.
Những thủ khoa xuất sắc trong năm 2011 tại hội thảo.

Phải tạo môi trường cho nhân tài “dụng võ”

Một trong những điều kiện để nhân tài phát triển, bộc lộ được những ý tưởng, tư duy, công sức của họ là yếu tố môi trường sống và làm việc. Môi trường tốt sẽ tạo điều kiện cho nhân tài hay các thủ khoa phát triển và ngược lại, thậm chí có thể bị thui chột tài năng. 
Chia sẻ với chúng tôi, ông  Nguyễn Hữu Oanh - Nguyên Phó trưởng Ban Tôn Giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thủ khoa Việt Nam cho biết, thủ khoa có thể coi là một nhân tài, nhưng chỉ xét ở góc độ rèn luyện và học tập. “Ở góc độ này, các em đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, xét về công sức, cống hiến thì chưa thể khẳng định được điều gì” ông Oanh nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Hữu Oanh, để cho thủ khoa hay rộng hơn là nhân tài phát triển được thì người sử dụng phải hiểu được tính cơ bản của thủ khoa, hiểu được người tài cần gì và muốn làm gì để sử dụng đúng mục tiêu. Ông Oanh cho biết, thường người tài hay tự tin, có lòng tự trọng cao và có bản lĩnh. Hơn nữa, người tài thường hay thẳng thắn và cương trực, họ không muốn ồn ào, mặt khác họ hay có ý tưởng mới, nếu gặp người biết trọng dụng thì đó là thời cơ để người tài thể hiện mình.
Ông Nguyễn Tiến Bình, TBT Báo Giáo dục Việt Nam (thứ 4 từ trái qua) trao học bổng cho các thủ khoa.
Ông Nguyễn Tiến Bình, TBT Báo Giáo dục Việt Nam (thứ 4 từ trái qua) trao học bổng cho các thủ khoa.
“Theo tôi, để hạn chế lãng phí nhân tài, chúng ta cần tạo cho  họ một môi trường sống và làm việc phù hợp. Môi trường đó có khả năng ươm trồng, nuôi dưỡng, chăm sóc, thúc đẩy để họ trải nghiệm. Hiện nay, do môi trường làm việc trong nước không được tốt nên có hiện tượng “chảy máu chất xám” - người tài làm việc chủ yếu ở nước ngoài” ông Nguyễn Hữu Oanh chia sẻ ý kiến của mình về giải pháp trống lãng phí nhân tài trong thời đại hiện nay. 
Hiện đang là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thủ khoa Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Oanh cho rằng, muốn tạo ra môi trường và điều kiện để người tài cống hiến cho đất nước thì chính sách đãi ngộ, kinh tế cũng phải phù hợp, phải trả công xứng đáng với công sức sáng tạo của các nhân tài. Đây là cách thể hiện sự trọng dụng người lao động tài năng.

Thủ khoa có phải người tài hay không?


Theo GS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng, cần phải xác định rõ thủ khoa có phải là người tài hay không. Ngay như có thủ khoa chỉ biết học, không quan tâm tới những vấn đề khác, những con người đó chỉ xứng đáng với danh hiệu là người học giỏi chứ không thể gọi là nhân tài. 

GS Trần Hữu Nghị giải thích, nhiều người sẽ thắc mắc với câu hỏi, thủ khoa là ai, như thế nào được gọi là thủ khoa? Theo GS Nghị, thủ khoa hiện nay chúng ta chỉ kiểm tra được khả năng tiếp thu kiến thức, khả năng nhớ, khả năng giải quyết bài toán trên lý thuyết.

Nhưng thủ khoa có tiếp tục phát huy được năng lực hay không thì cần phải có một thủ lĩnh, thủ khoa chưa phải là thủ lĩnh. “Thủ khoa phải có năng lực, có kiến thức, có sự hiểu biết, có sự chia sẻ, dám gánh vác, dám cống hiến, dám ước mơ và dám chia sẻ kinh nghiệm với người khác” GS Nghị chia sẻ.
GS Trần Hữu Nghị cho rằng, Thủ khoa phải có năng lực, có kiến thức, có sự hiểu biết, có sự chia sẻ, dám gánh vác, dám cống hiến, dám ước mơ và dám chia sẻ kinh nghiệm với người khác.
GS Trần Hữu Nghị cho rằng, Thủ khoa phải có năng lực, có kiến thức, có sự hiểu biết, có sự chia sẻ, dám gánh vác, dám cống hiến, dám ước mơ và dám chia sẻ kinh nghiệm với người khác.
Để thủ khoa trở thành thủ lĩnh và góp tài năng, công sức vào sự phát triển đất nước cần cho các thủ khoa thấy tự hào với bản thân, với gia đình và cộng đồng. “Phải tạo điều kiện cho thủ khoa thể hiện mình như làm những vị trí đứng đầu, định hướng tổ chức vận động các phong trào tập thể” GS Nghị góp ý. 
 Coi trọng chính sách với nhân tài
Xung quanh câu chuyện làm thế nào để sử dụng nhân tài đúng mục đích, đúng đối tượng và hơn hết không gây lãng phí tài năng, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, các chuyên gia cùng đơn vị tuyển dụng tập trung nêu quan điểm của mình.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết về chính sách ưu đãi với nhân tài: “Đối với những thủ khoa, những nhân tài muốn vào làm việc tại VietinBank sẽ có những chính sách tuyển dụng ưu tiên hơn so với các đối tượng bình thường. Chế độ lương bổng sẽ khuyến khích công sức, ý tưởng của người tài. Bình thường lương nhân viên là 12 triệu/tháng, nhưng chúng tôi sẵn sàng trả 20 hoặc hơn thế nữa nếu sau thời gian kiểm chứng đúng là nhân tài” ông Du khẳng định. Bên cạnh đó, ông Du cũng cho biết, lớp sinh viên thực tập tại những chi nhánh trên toàn quốc sẽ có điều kiện và cơ hội làm việc tại VietinBank. Ông Du cho rằng: “Nếu trong thời gian thực tập, sinh viên làm việc tốt, có năng lực thực sự VietinBank sẵn sàng tuyển vào làm chính thức. Đây là giai đoạn để chúng tôi phát hiện ra những nhân tài, sử dụng nhân tài hiệu quả nhất”.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, sẽ tăng lương nếu đó là người tài thực sự.
Ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, sẽ tăng lương nếu đó là người tài thực sự.
GS Trần Hữu Nghị thì cho rằng, chính sách thu hút và khuyến khích người tài của Trường ĐH DL Hải Phòng sẽ là: Các em sinh viên thủ khoa, nếu điểm đầu vào đạt từ 24 điểm và kết quả học lớp 12 đạt từ 7 trở lên sẽ có chính sách miễn học phí trong 4 năm học cùng với nhiều học bổng khác. Với sinh viên đạt 21 điểm và kết quả học lớp 12 đạt từ 7 trở lên sẽ được giảm 80% kinh phí đào tạo trong 4 năm cùng với học bổng. 

Ông Trần Văn Hòa - Trưởng Ban Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - Tập Đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: “nhân  tài là nguyên khí của quốc gia”, việc thu hút nhân tài vào làm việc tại những tổ chức, cơ quan trong nước là một yếu tố đóng góp chung cho sự phát triển đất nước. Ngành dầu khí tuy không phải là ngành thu hút nhiều những người trẻ, đặc biệt là các thủ khoa. Ông Hòa nói: “Ngành dầu khí là ngành đòi hỏi công nghệ cao, rủi ro lớn nên cần có một đội ngũ cán bộ giỏi để đảm bảo tính cạnh tranh trên trường quốc tế. Tuy nhiên, không vì thế mà Tập đoàn không coi trọng những sinh viên giỏi, thủ khoa, nhất là thủ khoa đầu ra”.

Theo ông Hòa, hàng năm Tập đoàn rất coi trọng các chính sách “Học bổng dầu khí” với 20 triệu/thủ khoa. Những sinh viên có điểm đầu vào thứ tự từ 1-10 khối A sẽ nhận 20 triệu/năm, những sinh viên nghèo học giỏi nhận học bổng 5 triệu/năm. Với những chính sách đối với người tài trên, Tập đoàn Dầu khí hy vọng, những sinh viên có sự đam mê trong việc học, đó là sự nỗ lực từng ngày từng giờ, đem đam mê học vào đam mê công việc sau này. 

Chia sẻ với hội thảo, ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng  biên tập báo Giáo dục Việt Nam cho biết: “Với mong muốn hội thảo thực sự sẽ là cầu nối thiết thực giữa sinh viên, đặc biệt là các thủ khoa tới các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước. Góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội hóa giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia”. 
Để bước đầu trở thành nhân tài

Em Nguyễn Hồng Ngọc, thủ khoa khối C, khoa Sư phạm văn Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG HN) chia sẻ bí quyết thành thủ khoa. Theo Ngọc, trong học tập cũng như trong cuộc sống, nếu có lòng quyết tâm theo đuổi ước mơ và khát vọng nhất định sẽ thành công. Theo kinh nghiệm của riêng em, trong lúc học bài hãy quên đi những lời rủ rê của bạn bè, những chương trình truyền hình hấp dẫn, tạm thời tắt điện thoại, thoát khỏi yahoo.

Ngoài ra, trên lớp nên phát biểu ý kiến vừa để hiểu bài hơn, nhớ lâu hơn và hơn hết là …không buồn ngủ. 

Em Phan Anh Thư - Thủ khoa đầu ra năm 2011 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc học đối với em phải độc lập. Từ tính độc lập trong mọi việc giúp Thư chủ động hơn, bố mẹ bớt lo hơn. Theo Thư, đừng chỉ vì sở đoản của mình mà ngại với mọi người, hãy tự tin và không giấu dốt.
Nhằm động viên và khuyến khích các thủ khoa, Hệ thống Lập trình viên quốc tế BachKhoa – Aptech dành tặng 50 suất học bổng tin học, mỗi suất trị giá 250 USD. Trung tâm Anh ngữ Bolton cũng dành tặng 20 suất học bổng tiếng Anh, mỗi suất 2 triệu đồng cho 20 thủ khoa xuất sắc.
Xuân Trung