Món ngon Việt vào Top Giá trị ẩm thực Châu Á

12/11/2012 09:27
Hoài Anh
(GDVN) -Tháng 9 vừa qua, tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức công bố danh sách 12 món ngon Việt Nam được xác lập giá trị ẩm thực châu Á. Đây có thể nói là niềm tự hào lớn đối với ẩm thực Việt nói riêng và người dân Việt nói chung. 

Để lọt vào danh sách này, tiêu chí đối với các món ăn là phải mang tính “độc đáo, duy nhất, chỉ ở Việt Nam mới có nếu so sánh với các quốc gia châu Á khác”. Các món ăn nằm trong danh sách 12 món ngon này gồm có phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, bún thang Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng, phở khô Gia Lai, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn và cơm tấm Sài Gòn.

Trong danh sách của tổ chức Kỷ lục châu Á lần này, các món ăn ngon được phân bố đều khắp ba vùng miền của đất nước ta. Mặc dù không thể phủ nhận rằng mỗi vùng miền có những khẩu vị riêng, đặc trưng riêng về ẩm thực nhưng trên hết, nền ẩm thực Việt Nam được nhận định là đa dạng, phong phú, sử dụng nhiều sản vật tự nhiên cùng sự kết hợp độc đáo các loại gia vị riêng có để tạo ra những món ăn đặc trưng không thể trộn lẫn. Trong đó, khi nhắc đến vị là yếu tố quan trọng bậc nhất của món ăn thì có thể dễ dàng nhận thấy vị Umami (hay còn gọi là vị ngọt thịt, vị ngọt nước dùng) là một vị được ưa thích và nổi bật trong gần như tất cả các món ăn Việt. 

"Bún thang Hà Nội với vị Umami thanh nhẹ nổi bật nhờ nước dùng được nấu từ xương gà, mực khô, tôm he"
"Bún thang Hà Nội với vị Umami thanh nhẹ nổi bật nhờ nước dùng được nấu từ xương gà, mực khô, tôm he"

Không khó để hiểu tại sao Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật lại có tới 3 món ăn lọt vào danh sách trên. “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, người Hà Nội trang nhã ra sao thì món ăn nơi đây cũng được chế biến, trình bày và thưởng thức theo phong thái như vậy. Phở là món ăn có thể dễ dàng bắt gặp ở các hàng quán lớn nhỏ, trên bất kỳ con phố nào của Hà Nội, và có thể thưởng thức cả sáng, trưa, chiều, tối. Phở ngon hay không nằm ở nước dùng bí quyết của mỗi nhà hàng, cho dù ai cũng biết những thành phần tạo ra vị ngon tuyệt vời là những thành phần giàu vị umami như thịt và xương bò, sá sùng, nước mắm…; sau đó gia giảm thêm hồi, quế, hành khô nướng. Một bát phở đầy đặn với bánh phở trắng nõn, nước dùng đậm đà, điểm thêm những thớ thịt bò đỏ au cùng hành hoa băm nhỏ có thể khiến những thực khách dù khó tính nhất cũng phải xiêu lòng. Ngược lại, bún thang là món khó gặp hơn, người ta khó bắt gặp trên phố và món ăn này hầu như chỉ còn được chuẩn bị trong những gia đình gia giáo mang phong cách của Hà Nội xưa. Món bún với vị Umami vô cùng thanh nhẹ này nổi bật nhờ nước dùng được nấu từ xương gà, mực khô, tôm he.Ăn kèm với bún là rất nhiều nguyên liệu khác nhau như trứng tráng vàng ươm, gà xé nhỏ, giò thái, ruốc tôm, củ cải dầm, gừng, rau răm, mắm tôm và nhất định không thể thiếu một chút cà cuống để dậy mùi hương đặc biệt. 

"Bát miến lươn Nghệ An với sợi miến mềm mại, lươn giòn tan và nước dùng đậm đà vị Umami từ xương ống"
"Bát miến lươn Nghệ An với sợi miến mềm mại, lươn giòn tan và nước dùng đậm đà vị Umami từ xương ống"

Đặc trưng của ẩm thực miền Trung là những món ăn đậm đà, mặn mòi; là những món ăn dù chỉ thưởng thức một lần là không thể nào quên bởi hương vị quá đỗi đặc trưng. Đơn cử như món miến lươn Nghệ An, không biết có phải chính bởi thời tiết khắc nghiệt nơi đây, với gió lào mùa hạ và cái rét cắt da cắt thịt khi đông về đã khiến ruộng đồng tận hiến những con lươn với chất thịt dai, ngọt, chắc đặc biệt. Bát miến lươn là sự kết hợp giữa sợi miến mềm mại với chút lươn giòn tan, ăn kèm với nước dùng đậm đà vị Umami từ xương ống, điểm xuyết bằng hương thơm của hành phi và rau răm. Trái với sự giản đơn đến bình dị của miến lươn là sự cầu kỳ của một món ăn đặc trưng cho ẩm thực đất kinh kỳ: bún bò Huế. Cũng là xương, là thịt, nhưng nước dùng của bún bò Huế còn được bổ sung thêm một loại gia vị lên men đậm đà vị Umami là mắm ruốc để tạo nên hương vị đặc trưng mà nhiều thực khách thậm chí có phần e ngại khi thưởng thức, thế nhưng chỉ cần ăn một lần thì hương vị ấy trở nên quyến luyến, ám ảnh không bao giờ quên được. Bát bún bò là sự kết hợp tài tình giữa vị Umami đậm đà và vị cay xè đầu lưỡi của sả, ớt; giữa màu đỏ au của ớt và dầu điều, màu trắng của sợi bún cùng nhiều màu sắc phong phú của giò heo, thịt bò và rất nhiều loại rau ghém như hoa chuối, rau muống bào, rau quế, húng, giá…Thực khách vừa thưởng thức vừa hít hà vì cay, và cảm thấy ấm lòng nhiều lắm trong cơn mưa rả rích của một buổi chiều xứ Huế.

"Vị Umami mộc mạc từ các nguyên liệu tôm, mực và nước mắm chấm hòa với vị chua dịu nhẹ của miếng đu đủ thái mỏnglàm nên vị ngon của bánh khọt Vũng Tàu"
"Vị Umami mộc mạc từ các nguyên liệu tôm, mực và nước mắm chấm hòa với vị chua dịu nhẹ của miếng đu đủ thái mỏnglàm nên vị ngon của bánh khọt Vũng Tàu"

Như đã nói ở trên, đặc trưng của mảnh đất Nam Bộ là ẩm thực khẩn hoang nên nơi đây dễ chiều lòng người bởi những món ăn mộc mạc, bình dị và dân dã. Bánh khọt Vũng Tàu là một món ăn như thế. Chỉ là chiếc bánh được nướng từ bột gạo pha nước cốt dừa; với phần nhân làm từ mực, tôm và ruốc xay nhuyễn; ăn kèm nước mắm chua cay và đồ chua cũng đã đủ làm nhiều thực khách phải kiên nhẫn ngồi chờ đợi để thưởng thức từng chiếc bánh nhỏ xinh mới ra lò. Bỏ vào miệng, chiếc bánh giòn rụm như tan ra, vị Umami mộc mạc từ các nguyên liệu tôm, mực và nước mắm chấm hòa với vị chua dịu nhẹ của miếng đu đủ thái mỏng tang giòn sừn sựt. Rời xa một Sài Gòn phồn hoa, đông đúc; vào một buổi chiều cuối tuần, tại sao không tự thưởng cho mình một chuyến đi tới với biển Vũng Tàu, cần chi phải thưởng thức những hải sản đắt tiền, một đĩa bánh khọt nhỏ xinh bên cái gió lồng lộng của biển há chẳng phải là điều tuyệt vời lắm sao?

Điểm qua một vài món ăn tiêu biểu lọt vào danh sách 12 món ngon Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á; âu cũng chỉ là một nét điểm qua cho những đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Còn rất nhiều món ăn nữa được tạo thành từ bàn tay tài hoa và sức sáng tạo vô biên của người dân Việt đang chờ bạn khám phá.

Hoài Anh