Tìm lời giải cho bài toán gian lận trong thi cử

13/06/2012 18:46
Mai Hằng
(GDVN) - Kiến thức là nền tảng để làm nên thành công chứ không phải là những thành tích được chứng minh trên giấy.

Hiện nay, vấn đề gian lận trong thi cử đang ngày càng trở nên nhức nhối trong xã hội. Theo các chuyên gia sư phạm, đó là một hiện tượng xã hội để lại “di chứng” nghiêm trọng cho cả quãng đời sau này của học sinh.

Bài toán “gian lận”

Ai chẳng trải qua việc học hành, thi cử. Mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi cũng khác nhau nhưng chắc chắn ai cũng ít nhất đôi lần được chứng kiến (hoặc có thể là tự mình làm) những hành vi mà nói nhẹ thì là quay cóp, nói nặng là gian lận trong thi cử.

Vậy tại sao một nước coi trọng nền giáo dục như Việt Nam lại đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng?

Trước hết, nguyên nhân quay cóp, gian lận phải khẳng định là từ phía học sinh. Phương pháp dạy, cách kiểm tra của giáo dục chúng ta hiện nay vẫn tạo những cơ hội cho học sinh muốn quay cóp và có thể quay cóp. Có một bộ phận học sinh lười, chưa thấy hết giá trị của việc học. Các em bây giờ học để thi đỗ đại học để lấy danh tiếng chứ không phải tìm kiếm làm giàu kiến thức cho mình.

Và kết quả cho thấy là sau khi đậu được vào đại học, đa số học sinh chểnh mảng việc học hơn. Vì sự thực dụng đó, học sinh chỉ học những môn thi đại học mà một số môn khác bỏ qua. Trong khi cách kiểm tra đánh giá, thi cử của chúng ta đang làm cho người học có thể gian lận.

Hiện nay giáo dục trong môi trường đại học cao đẳng là một ví dụ điển hình cho việc dung túng trong gian lận. Dường như sinh viên đến lớp chỉ để điểm danh mà không cần quan tâm đến nội dung bài giảng. Tuấn ở trường Đại học Công đoàn cho biết: “Nói thật là mình đến lớp chỉ để điếm danh thôi chứ học ở lớp không có hứng tí nào cả, nếu nghỉ học nhiều quá thì mình sẽ không đủ điều kiện dự thi. Mỗi buổi đến lớp điểm danh xong thì mình lại về”.

Và rồi những kì thi thì sinh viên lại giở đủ quái chiêu. Hiếu - trường Cao đẳng Du lịch nói về việc sinh viên sử dụng phao đi thi: “Thầy cô là những người chở những chuyến đò kiến thức đưa học sinh sang sông, đề phòng thuyền có thể bị đắm thì học sinh phải tự trang bị “phao” cho bản thân mình là đúng thôi”.

Nguyên nhân thứ 2 là từ phía thầy cô giáo, vì muốn chạy thành tích mà sẵn sàng “thả” học sinh tự do trong những giờ thi cử. Đơn cử gần đây nhất như vụ gian lận trong kì thi tốt nghiệp THPT tại Bắc Giang. Kết quả học tập của học sinh càng cao đồng nghĩa với việc giáo viên đấy dạy giỏi! Các thầy cô cũng bày cho học sinh đủ loại gian lận. Hoài - Cao đẳng Sư phạm nhớ mãi cái giấy chứng nhận giải nhì học sinh giỏi Văn cấp tỉnh là do cô chủ nhiệm đồng thời cũng là giáo viên dạy Văn giúp bạn có được một phần cũng là do gian lận.

Đi tìm lời giải

Càng chống tiêu cực thì mới thấy tiêu cực "lộ diện" càng nhiều. Một phần nguyên do là bởi chúng ta chưa mạnh tay xử lí những trường hợp sai phạm.

Vẫn lấy ví dụ từ vụ việc gian lận trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2012 ở Bắc Giang, điển hình là mới chỉ xuất hiện một bộ phận nhỏ dám đứng lên chống tiêu cực thế mà lại bị dư luận ném đá, người ủng hộ thì ít, kẻ chửi thì nhiều gây áp lực cho những người dám đứng lên vì công lí. Vì vậy, pháp luật cần đứng ra bảo vệ những người này thì những người đi sau mới dám kế tục chống lại căn bệnh này.

Nếu thầy cô nào vi phạm thì cùng lắm là lập biên bản hoặc đình chỉ công tác, chưa làm gương cho thế hệ sau được. Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục tôi sẽ mạnh tay hơn nữa, chẳng hạn nếu giám thị nào dung túng cho học sinh gian lận thì sẽ xét vi phạm pháp luật, có như thế nền giáo dục mới chặt chẽ được, đồng thời tăng cường tính nghiêm túc trong các kì thi bằng hệ thống bảo vệ từ trong ra ngoài địa điểm thi.

Nếu làm chặt hơn, tất nhiên tỉ lệ học sinh đỗ đạt sẽ thấp hơn rất nhiều nhưng chất lượng sẽ hơn hẳn chứ không phải vì chạy thành tích như mấy năm trước.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (11-20/6): Tiêu cực trong thi cử


 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

  Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Mai Hằng