Ai chịu trách nhiệm với hàng ngàn sinh viên Trường Tôn Đức Thắng và gia đình họ?

15/09/2020 06:08
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên năm cuối trường Đại học Tôn Đức Thắng đang nhận được câu hỏi của bố mẹ rằng khi nào con tốt nghiệp? Hàng xóm thì hỏi khi nào con ra trường...?

Hằng năm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức phát bằng tốt nghiệp 2 đợt, tháng 4 và tháng 9.

Tuy nhiên tháng 9 năm 2020 này việc phát bằng này đã không thể thực hiện được do không có Hiệu trưởng ký bằng.

Việc phải nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời là một giải pháp tình thế; vì không phải người sử dụng lao động nào cũng chấp nhận như vậy; khiến hơn 2.000 sinh viên, học viên lao đao, có thể mất nhiều cơ hội việc làm vì đã có nơi, có chỗ nhận, nhưng đúng thời điểm ra trường thì chưa có bằng tốt nghiệp.

Giữa tháng 9, Mai Thi, sinh viên năm cuối Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nôn nóng trong lòng, tâm sự với chúng tôi rằng: “Lẽ ra theo truyền thống, ngày 24/9 (ngày thành lập Trường- PV), Trường sẽ tổ chức lễ tốt nghiệp, khi đó phụ huynh, sinh viên có dịp nhìn lại quá trình 4 năm học tập, trải nghiệm ở ngôi trường kỷ cương, nề nếp, xanh – sạch – đẹp như thế nào!.

Bằng tốt nghiệp đối với người học và gia đình có rất nhiều ý nghĩa; ngoài việc nó là một xác nhận đã xong một bậc học quan trọng trong đời rằng người nhận tấm bằng (Cử nhân, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Dược sĩ...) đã đạt trình độ chuyên gia để có thể tự khởi nghiệp; ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng bằng tốt nghiệp có chữ ký của Hiệu trưởng là một sự vinh dự của tụi em.

Bởi thầy Hiệu trưởng đã mang tinh thần của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đến với chúng em, rồi khi được chính thầy chứng nhận cho sinh viên đã tốt nghiệp thì còn gì tuyệt vời hơn, và kể từ đó chúng em có thể đi ra xã hội, làm việc, trở thành người theo những triết lý mà Nhà trường đã hun đúc”.

Hằng năm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức phát bằng tốt nghiệp 2 đợt, tháng 4 và tháng 9 (ảnh: TDTU)

Hằng năm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức phát bằng tốt nghiệp 2 đợt, tháng 4 và tháng 9 (ảnh: TDTU)

Nhưng thời điểm hiện tại thì niềm tin, sự háo hức nhận bằng tốt nghiệp đúng tháng 9 của Mai Thi và hơn 2.000 sinh viên khác vơi dần đi, không biết đến khi nào mới có bằng chính thức để mạnh dạn nộp hồ sơ xin việc hoặc yên tâm cùng nhau khởi nghiệp?!.

Câu chuyện là hiện nay Hiệu trưởng - Giáo sư Lê Vinh Danh đã bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đình chỉ công tác điều hành trong 90 ngày; và giao nhiệm vụ quản lý, điều hành Nhà trường trong 90 ngày cho Người đại diện là Tiến sĩ Trần Trọng Đạo.

Theo cán bộ ở Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hiện nay Nhà trường đã hoàn thiện xong việc in bằng tốt nghiệp cho sinh viên đủ điều kiện ra Trường tuy nhiên khi căn cứ vào Điểm đ, Điều 15 của Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT – BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì người ký trên các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ là Hiệu trưởng.

Trước thực trạng này, Người đại diện đã có công văn xin ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam . Ngày 4/9/2020, Tổng Liên đoàn có văn bản trả lời Số 926/TLĐ, cho biết Quyết định 1229 là “quyết định giao nhiệm vụ; nên không ghi chức danh”; và yêu cầu “ghi thông tin chức danh theo Quyết định 1229”.

Bởi nếu các bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của các sinh viên, học viên tốt nghiệp năm 2020 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được người “Đại diện trường” hay “Người đại diện theo pháp luật” ký như đúng Văn bản 926 và Quyết định tạm quyền điều hành 1229/QĐ-TLĐ thì đều không có giá trị pháp lý bởi trái với quy định về nội dung thể hiện trên văn bằng tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Nhà trường không thể thực hiện trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; và cũng không thể để thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của sinh viên, học viên.

Bằng tốt nghiệp là giấy chứng nhận chứng minh quá trình học tập của sinh viên, học viên; là cơ sở để sinh viên, học viên tiếp tục học tập và xin việc làm chính thức; nên không thể có sai sót trong thẩm quyền ký”, vị cán bộ Phòng khảo thí nói.

Ai chịu trách nhiệm với hàng ngàn sinh viên Trường Tôn Đức Thắng và gia đình họ? (ảnh: TDTU)

Ai chịu trách nhiệm với hàng ngàn sinh viên Trường Tôn Đức Thắng và gia đình họ? (ảnh: TDTU)

Không những chưa được nhận bằng tốt nghiệp mà ngày 10/9, hơn 2.000 sinh viên năm cuối của Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn nhận được thông báo với lời hứa rằng việc cấp bằng và tổ chức Lễ tốt nghiệp đợt tháng 9/2020 của Trường được dời đến tháng 11/2020. Thông tin và thời gian cụ thể, Nhà trường sẽ thông báo trên website và cổng thông tin.

Theo thông báo, để đảm bảo quyền lợi cho tất cả người học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Bằng tốt nghiệp được ký bởi Hiệu trưởng, Nhà trường thông báo đợt Tháng 9/2020 sẽ cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để sinh viên, học viên liên hệ công việc, học tập. Bằng chính thì chờ đến tháng 11 mới có người ký.

Mai Thi cảm thấy rất nôn nóng bởi không biết đến bao giờ mới được nhận bằng vì Nhà trường chỉ thông báo dời Lễ tốt nghiệp đến tháng 11 chứ cụ thể ngày nào thì chưa biết!.

Hơn nữa, khi về nhà, bố mẹ luôn hỏi khi nào con tốt nghiệp? Hàng xóm thì hỏi khi nào con ra trường? Đi làm ở đâu chưa? Rồi nhà tuyển dụng hỏi vì sao chưa có văn bằng chính?…

Tất cả những câu hỏi này khiến sinh viên năm cuối như Mai Thi không biết trả lời như thế nào, giải thích như thế nào cho ổn thỏa!.

Hiện nay Nhà trường cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho sinh viên; nhưng chứng nhận này chỉ có giá trị trong vòng 1 tháng; sau đó những sinh viên như Mai Thi sẽ như thế nào? Có phải tiếp tục xin Giấy chứng nhận tốt nghiệp để bổ sung hồ sơ nữa không?.

Đâu phải doanh nghiệp nào cũng chấp thuận Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời khi tuyển nhân sự!.

Chờ đến khi có bằng tốt nghiệp chính thức thì nhiều cơ hội việc làm đã tuột khỏi tầm tay; lại phải đi tìm việc mới trong hoàn cảnh kinh tế đang có khó khăn vì Covid-19 này.

Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm với sự thiệt hại về cơ hội việc làm; về quyền được nhận bằng tốt nghiệp đúng tiến độ, đúng ngày giờ của hàng sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và gia đình của họ?.

Khi ra quyết định đình chỉ công tác có thời hạn đối với Hiệu trưởng Lê Vinh Danh thời điểm này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có tính đến quyền lợi của các sinh viên sắp tốt nghiệp, cũng như ảnh hưởng như thế nào đến công tác tuyển sinh của Trường?

Được biết, hiện nay nhiều sinh viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hoàn thành thời gian tập sự ở các công ty, doanh nghiệp và được nhận vào làm chính thức; nhưng giờ không có bằng tốt nghiệp để nộp nên ảnh hưởng đến vấn đề thu nhập, lương và các chế độ như bảo hiểm…

Trường cũng đã cam kết với người học và phụ huynh là 100% người học từ Trường đều có việc làm trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Nhưng năm nay chắc là không thể bảo đảm được cam kết này. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thùy Linh