Giáo sư Lê Anh Tuấn hiến kế thu hút người uy tín ngoài trường vào bộ máy quản lý

01/08/2021 07:25
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để thu hút cán bộ giỏi về chuyên môn, về quản lý điều hành, nhà trường cần xây dựng cơ chế hấp dẫn về vị trí việc làm, môi trường làm việc, triển vọng phát triển.

Tiếp tục ghi nhận ý kiến chuyên gia, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục về vấn đề có nên quy định bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu hay không.

Hôm nay, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Lê Anh Tuấn- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, quy định bắt buộc đối với Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu, đây là một hạn chế vì không thể thu hút được người có uy tín ở ngoài vào. Thầy đánh giá sao về quan điểm này?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Đối với nhiều trường đại học lớn trên thế giới, Chủ tịch Hội đồng trường là người ngoài trường, thường là lãnh đạo của một tập đoàn, doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm và trải nghiệm thực tiễn quản trị.

Kinh nghiệm thực tiễn và năng lực quản trị doanh nghiệp vượt trội của Chủ tịch Hội đồng trường và các thành viên Hội đồng trường, kết hợp với kinh nghiệm, năng lực điều hành quản lý của Ban giám hiệu, sẽ giúp cho hoạt động quản trị, điều hành nhà trường được thực hiện theo đúng chiến lược, tầm nhìn trên cơ sở tối ưu mọi nguồn lực.

Để làm được điều này, hệ thống giáo dục đại học của họ đã phát triển ở mức cao, một người ngoài trường có thể tìm hiểu và nắm bắt cơ bản cấu trúc hệ thống quản trị, điều hành của một trường đại học; ngoài ra, với hệ thống quy chế, quy định, hướng dẫn đầy đủ và rõ ràng, quá trình thực thi ít khi chịu tác động bởi văn hóa đơn vị, bởi tính cách cá nhân hay xung đột về chức năng, nhiệm vụ.

Giáo sư Lê Anh Tuấn- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: NVCC)

Giáo sư Lê Anh Tuấn- Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: NVCC)

Thực tiễn ở Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, hệ thống giáo dục đại học tự chủ mới đang ở giai đoạn đầu, mặt bằng nhận thức về tự chủ và vận hành cơ sở giáo dục đại học theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm đang ở trong giai đoạn hoàn thiện, chính vì vậy đòi hỏi người lãnh đạo cao nhất cần hiểu biết hệ thống, hiểu biết thực trạng của đơn vị mình thì mới có sự phối hợp tốt với các thực thể lãnh đạo, điều hành hiện tại của trường.

Nếu Chủ tịch Hội đồng trường không phải là cán bộ cơ hữu thì dù chủ trương, chiến lược được xây dựng tốt cũng không dễ gì vận hành được với nguồn lực sẵn có, đặc biệt là với nguồn lực con người, từ đó dẫn tới vai trò của Hội đồng trường sẽ không phát huy được như mong đợi.

Nếu như vậy, thưa thầy, có cơ chế nào để làm mới đội ngũ điều hành, quản lý bằng các cán bộ được thu hút từ bên ngoài không?

Giáo sư Lê Anh Tuấn: Trước tiên, để thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn, về quản lý điều hành, nhà trường cần xây dựng cơ chế hấp dẫn về vị trí việc làm, môi trường làm việc và triển vọng phát triển.

Hệ thống tài chính vững mạnh, chiến lược phát triển tham vọng và hệ thống quản trị bền vững, tiên tiến cũng là những điều kiện quan trọng để thu hút người giỏi.

Để thu hút cán bộ giỏi từ bên ngoài vào các vị trí trong hệ thống điều hành quản lý, cần thiết phải công khai, minh bạch trong quản trị, điều hành nhà trường, đây cũng là trách nhiệm giải trình của một cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Trách nhiệm công khai của cơ sở giáo dục đại học từ trước đến nay vẫn được thể hiện qua báo cáo 3 công khai, qua báo cáo tại hội nghị cán bộ viên chức... tuy nhiên thông tin chỉ dừng lại ở báo cáo kết quả hoạt động và đối tượng được tiếp cận các báo cáo này hạn chế. Báo cáo thường niên, trong đó bao hàm cả thông tin tài chính và tình hình thực hiện kế hoạch chiến lược cần được công bố như là một báo cáo quản trị hằng năm của một cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 (gọi tắt là Luật số 34) quy định: "Hội đồng trường ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí".

Do đó, nếu các văn bản pháp luật khác ủng hộ thì Hội đồng trường, tập thể lãnh đạo trường có thể xây dựng vị trí việc làm và lựa chọn nhân sự cơ hữu hay không cơ hữu phù hợp nhất cho một số vị trí quan trọng, đáp ứng tốt nhất chiến lược phát triển của cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Nghị định 60/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 15/8/2021, đã mở ra cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ xây dựng cơ chế tiền lương theo vị trí việc làm và theo kết quả hoạt động (sau khi Chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành).

Đây chính là một trong những cơ sở quan trọng cho việc chủ động lựa chọn nguồn nhân sự bên trong (cán bộ cơ hữu) hay bên ngoài trường mà không phải lo về sự thiếu hấp dẫn về chế độ tiền lương cho các vị trí cốt yếu trong hệ thống điều hành, quản lý.

Có như vậy thì mới tạo sự cạnh tranh, tạo động lực phát triển; nguồn lực bên trong do đó sẽ dần thay đổi để đáp ứng ngày càng tốt hơn vị trí đảm nhiệm hiện tại và trang bị năng lực, phẩm chất để hướng đến các vị trí mới thách thức hơn.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Thùy Linh (thực hiện)