Cần khống chế trần học phí trường công

27/07/2021 05:43
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học phí trường công là căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân chứ không phải học phí “trên trời”.

Thời gian qua, khi các cơ sở giáo dục đào tạo được trao quyền tự chủ thì sinh ra việc các cơ sở giáo dục được tự chủ xác định mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kĩ thuật và lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo theo các hướng dẫn đã ban hành. Do đó một số ý kiến đề xuất, Nhà nước không nên quy định mức trần học phí.

Tuy nhiên chính điều này tạo ra khuynh hướng các trường đua nhau tăng học phí và gây ra hệ lụy là để vào học các trường này thì phải có nhiều tiền.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thực trạng tăng học phí có nguyên nhân từ việc các trường được cơ chế tự chủ nhưng nhiều khi cố hiểu thành “tự túc”. Bản chất tự chủ khác “tự túc”. Vì “tự túc” là Nhà nước không cấp xu nào trong khi tự chủ không hoàn toàn như vậy. Nhà nước sẽ ưu tiên cấp ngân sách cho các trường tự chủ có chất lượng đào tạo tốt, hoạt động hiệu quả, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần khẳng định.

Đối với hệ thống trường công, học phí phải được khống chế ở mức thu nhập trung bình của người dân nên cần phải có mức trần, trường tư (có lợi nhuận) thì học phí có thể không bị giới hạn hạn. Bởi chi phí đào tạo ở trường công được chia sẻ bởi học phí và nhiều nguồn khác như ngân sách nhà nước, kết quả hoạt động khoa học sản xuất, ủng hộ từ các Mạnh Thường Quân… do đó nếu cân bằng học phí với chi phí đào tạo là hoàn toàn sai lầm.

Ảnh minh họa: nguồn http://trungtamhanhchinhcong.camau.gov.vn/

Ảnh minh họa: nguồn

http://trungtamhanhchinhcong.camau.gov.vn/

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến thông tin thêm, đúng là khi tự chủ thì người học sẽ phải đóng thêm trong chi phí đào tạo nhưng vẫn phải trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng xã hội.

“Học phí trường công lập phải phù hợp, ở mức độ vừa phải so với thu nhập của người dân chứ không được lấy học phí cao chót vót. Các trường cần lưu ý không thể lẫn lộn, không thể đánh đồng giữa học phí và chi phí đào tạo”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Qua nghiên cứu, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, kinh nghiệm một số nước, trường tư muốn thu học phí bao nhiêu là quyền của các nhà trường nhưng với trường công bao giờ cũng được giới hạn. Học phí trường công là căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân chứ không phải học phí “trên trời”.

Tùy theo đẳng cấp của chương trình chi phí đào tạo ở những trường hợp cụ thể có thể rất cao nhưng mức học phí lên tới 60-100 triệu đồng/ năm như một số trường dự kiến thì chỉ phù hợp với người có thu nhập cao (những người như vậy quá ít) còn đối với thu nhập trung bình của người dân là không phù hợp, nếu thu như vậy, con nông dân chỉ có nước thất học. Ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Quân ngày 25/7 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cho rằng tiền học phí đại học phải tương đương 2 năm tiền lương sau khi tốt nghiệp hoàn toàn không khả thi.

Ngay cả tại Hoa Kỳ, học phí trường công luôn bị khống chế. Tại quốc gia Indonesia, trong Luật Giáo dục của họ đã quy định rõ ràng về vấn đề này nhưng hiện nước ta thì chưa có quy định.

Theo đó, Khoản 4, Điều 88, Luật Giáo dục Indonesia quy định: Chi phí mà sinh viên phải chịu phải được điều chỉnh theo khả năng tài chính của sinh viên, phụ huynh hoặc những người hỗ trợ tài chính của họ.

Từ thực tế này, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản quy định trần học phí. Việc không quy định tiền học phí đối với các trường tự chủ đại học là lỗi quản lý nhà nước thuộc về Bộ. Còn các trường lợi dụng việc này để tăng học phí là có lỗi với người dân, lỗi với cộng đồng. Do đó, giữa trường, Bộ và các cơ quan quản lý nhà nước phải có thỏa thuận với nhau.

Cùng quan điểm này, Phó giáo sư Ngô Minh Xuân - Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng cho rằng, mức học phí trường công cần có mức trần nhưng phải đáp ứng đủ các chi phí hợp lý để bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội.

Thanh Sơn