Thiếu quy định Chủ tịch hội đồng trường là lãnh đạo, có danh mà không thực quyền

30/05/2021 06:30
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua thực tiễn, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm nhận thấy sự thiếu đồng bộ giữa các quy chế của các trường đại học ngay trong cùng một cơ quan chủ quản.

LTS: Khi nghiên cứu hệ thống văn bản pháp luật, nhiều chuyên gia thấy rằng hệ thống hành lang pháp lý còn nhiều bất cập khiến Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường khó thực hiện đúng vai trò của mình, nhất là khi chưa có văn bản nào quy định chính thức Chủ tịch Hội đồng trường là lãnh đạo nhà trường nên gặp khó khăn trong chỉ đạo.

Để rộng đường dư luận về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Phóng viên: Nếu để chỉ ra những bất cập khiến Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường khó thực hiện đúng vai trò của mình thì đó là những gì, thưa ông?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm: Bất cập lớn nhất là tinh thần đổi mới giáo dục đại học theo định hướng tự chủ và những điểm mới trong Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 (gọi tắt là Luật 34/QH), Nghị quyết 19/TW và Nghị định 99/CP chưa được các ngành, các địa phương cụ thể hóa trong các hoạt động thực tiễn và trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều này thể hiện ở chỗ trong các văn bản quản lý, điều hành, văn bản có tính pháp quy của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến vai trò, vị trí của Hội đồng trường đại học, chưa đặt Hội đồng trường đại học là cơ quan quản trị các Nhà trường, đại diện chủ sở hữu mà vẫn quản lý, điều hành các trường theo cơ chế cũ, đó là quản lý, điều hành các Trường thông qua cá nhân Hiệu trưởng và bộ máy hành chính của trường đại học.

Mọi chế độ thông tin, báo cáo, giao ban, hội họp… giữa cơ quan chủ quản và các trường đại học chủ yếu vẫn là trực tiếp và toàn diện với Hiệu trưởng, chứ không phải là Hội đồng trường. Điều này dẫn đến vị trí, vai trò của Hội đồng trường trong hệ thống hành chính, hệ thống pháp luật chưa được đánh giá đúng theo tinh thần của Luật 34/QH, Nghị định 99/CP và Nghị quyết 19/TW của Đảng.

Tiếp đến có thể thấy, theo quy định cụ thể của Luật 34, Hội đồng trường đại học là cơ quan được giao khá nhiều thẩm quyền mà trước đây là thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản (bộ, ngành, địa phương) như cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế lao động, nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và kế toán trưởng, lập kế hoạch và báo cáo quyết toán tài chính, quản lý và sử dụng tài sản…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam (ảnh: NTCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hàng hải Việt Nam (ảnh: NTCC)

Đồng thời, Hội đồng trường cũng sẽ tiếp nhận một số thẩm quyền được chuyển giao từ Hiệu trưởng như: ban hành hoặc thông qua đối với các tiêu chuẩn, định mức, quy chế, quy định nội bộ; quyết định chủ trương tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác trong và ngoài nước; quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản; quyết toán thu chi tài chính; chính sách học phí, lương, thưởng…

Thực tế cho thấy, việc chuyển giao quyền lực của cấp trên cho cấp dưới, san sẻ quyền lực của cá nhân (Hiệu trưởng) sang tập thể (Hội đồng trường) không dễ dàng, thường bị xem nhẹ, trì hoãn hoặc bỏ qua nếu không có áp lực buộc phải chuyển giao, hoặc từ yêu cầu thực tiễn quản lý, điều hành dẫn đến buộc phải thay đổi theo luật mới…

Bên cạnh đó, Luật 34/QH để mở nhiều nội dung phân định về thẩm quyền yêu cầu Nhà trường tự quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động. Việc để mở này hướng đến tạo sự linh hoạt, tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi các trường chưa có kinh nghiệm, chưa có mô hình để học tập, thiếu sự chỉ đạo xuyên suốt của cơ quan chủ quản và của ngành giáo dục đào tạo, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các quy chế, nhất là các quy chế lớn như Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế tài chính, Quy chế tài sản... Thực tiễn cho thấy sự thiếu đồng bộ giữa các quy chế của các trường đại học ngay trong cùng một cơ quan chủ quản.

Hơn nữa, một số văn bản pháp quy mang tầm vĩ mô như Luật đầu tư công, Luật quản lý tài sản công, Luật ngân sách… hay một số nghị định như Nghị định về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 16), Nghị định về học phí (Nghị định 86), Nghị định về quản lý viên chức (Nghị định 115)… chưa được thay đổi đồng bộ với Luật 34 và Nghị định 99 dẫn đến khi triển khai áp dụng Luật 34 còn có những điểm bất cập hoặc trùng lặp, thiếu phân định tường minh về khái niệm, về thẩm quyền giữa trường đại học với cơ quản chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, giữa Hiệu trưởng với Hội đồng trường hay khái niệm người đứng đầu…

Điều này làm cho lúng túng trong việc triển khai, thực thi Luật 34/QH, Nghị định 99/CP tại cơ sở giáo dục và việc hiểu và vận dụng khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương hoặc giữa các đơn vị đào tạo trong cùng một bộ, ngành, địa phương…

Mô hình quản trị đại học có sự tham gia của Hội đồng trường là mô hình tiên tiến của hệ thống giáo dục đại học thế giới, song còn mới mẻ ở Việt Nam. Nhận thức của bản thân một số cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học về vai trò, nhiệm vụ của Hội đồng trường trong cơ chế tự chủ đại học còn hạn chế.

Nhân sự tham gia là thành viên Hội đồng trường (kể cả trong và ngoài trường), nhân sự Chủ tịch Hội đồng trường chưa được lựa chọn chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Một tỷ lệ không nhỏ lãnh đạo chủ chốt của Hội đồng trường (Chủ tịch, Phó chủ tịch) chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành ở cấp Trường nên còn lúng túng về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, năng lực thực thi nhiệm vụ còn hạn chế, vai trò quản trị của Hội đồng trường trong cơ chế tự chủ đại học chưa được định hình rõ nét trong thực tiễn thực hiện Luật 34/QH.

Những vấn đề đặt ra trước đây như vai trò của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường có danh nhưng không có thực quyền, vậy trên thực tế khi kiện toàn xong Hội đồng trường ở Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã đặt ra mục tiêu như thế nào để có Hội đồng trường đích thực? Đâu là nét tích cực của Nhà trường?

Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm: Để định hướng và xây dựng được một Hội đồng trường đích thực, Nhà trường nhận thấy cần phải thực hiện hiệu quả, quyết liệt một số mục tiêu, nhiệm vụ sau đây:

Một là, cần đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của Nhà trường, kiên định, kiên quyết thực hiện đúng theo tinh thần đổi mới giáo dục đại học nêu trong Nghị quyết 19/TW của Đảng, nhất là định hướng Hội đồng trường là cơ quan quản trị thực quyền cao nhất, Bí thư cấp ủy đồng thời đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường đại học. Để thực thi mục tiêu này, rất cần sự ủng hộ, đồng thuận và chỉ đạo trực tiếp từ Cơ quan chủ quản và Cấp ủy Đảng của địa phương nơi Nhà trường đóng quân.

Hai là, trong quá trình thành lập Hội đồng trường mới, cần bám sát các quy định của Luật 34/QH, các hướng dẫn của Nghị định 99/CP, đồng thời cần báo cáo và tranh thủ sự định hướng, chỉ đạo và tư vấn của Cơ quan chủ quản, nhất là bộ phận tham mưu của Cơ quan chủ quản về công tác tổ chức cán bộ (Vụ Tổ chức cán bộ) trong việc triển khai các quy trình, thủ tục có liên quan, đảm bảo sự nhất quán và thuận lợi khi trình Cơ quan chủ quản công nhận Hội đồng trường và chức danh Chủ tịch Hội đồng trường.

Ba là, việc lựa chọn nhân sự cho Hội đồng trường cần đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần, tính đại diện cần thiết, song luôn quan tâm đến yếu tố năng lực của con người cụ thể khi lựa chọn thì sẽ phát huy tốt vai trò của từng thành viên Hội đồng trường trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Các thành viên ngoài trường là đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền, cộng đồng xã hội phải là người có uy tín, có địa vị lãnh đạo quản lý trong ngành nghề có liên quan tới Nhà trường, có mong muốn và sẵn sàng đóng góp ý kiến tâm huyết với Hội đồng trường và sự phát triển của Nhà trường. Để phát huy vai trò thành viên Hội đồng trường, cũng cần có cơ chế giám sát, đánh giá sự tham gia của các thành viên Hội đồng trường, kể cả trong và ngoài trường.

Bốn là, sau khi thành lập, Hội đồng trường mới cần bám sát các điều khoản chi tiết của Luật 34/QH, Nghị định 99/CP và Nghị quyết 19/TW để phê duyệt, ban hành các quy chế, quy định nền tảng làm cơ sở cho mọi hoạt động của Nhà trường và Hội đồng trường. Hai quy chế quan trọng nhất là Quy chế tổ chức hoạt động của Trường và Quy chế làm việc của Hội đồng trường.

Quy chế làm việc của Hội đồng trường cần cụ thể hóa hơn nữa (so với quy định của Luật 34/QH) các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường bằng những mục việc hết sức cụ thể trong từng lĩnh vực hoạt động của Trường, giúp cho phân định minh bạch, tường minh về thẩm quyền, về phân cấp và đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hài hòa giữa Hội đồng trường, Thường trực Hội đồng trường với Hiệu trưởng và Đảng ủy Nhà trường.

Năm là, cần chủ động tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể cán bộ viên chức, học viên Nhà trường và cộng đồng xã hội có liên quan về tinh thần của Luật 34/QH, Nghị quyết 19/TW, Nghị định 99/CP và đặc biệt là Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường, để mọi người nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục đại học, vai trò vị trí, thẩm quyền của Hội đồng trường trong cơ chế quản trị mới, vai trò và trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức, mỗi giảng viên trong cơ chế tự chủ đại học mới…

Đây là nhiệm vụ, là việc quan trọng cần làm và làm thường xuyên để góp phần thay đổi tổng thể vị thế quản trị của Hội đồng trường, từng bước sẽ làm thay đổi tư duy quản trị, quản lý điều hành Nhà trường và sự phối hợp giữa Đảng ủy, Hội đồng trường với Ban giám hiệu Nhà trường.

Một số kết quả tích cực của Nhà trường thời gian qua:

Để đảm bảo kiện toàn Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy, tập thể lãnh đạo Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiện toàn lại Hội đồng trường nhiệm kỳ cũ (2015-2020) theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật 34/QH và Nghị định 99/CP.

Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 đã được thành lập với 19 thành viên và được Bộ Giao thông vận tải công nhận và đi vào hoạt động từ tháng 7/2020, đảm bảo đầy đủ cơ cấu, thành phần theo quy định. Hội đồng trường đã bầu đồng chí Bí thư Đảng ủy Trường đương nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường. Thường trực Hội đồng trường gồm 03 thành viên: Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Chủ tịch Hội đồng trường và Thư ký Hội đồng trường.

Sau 03 tháng hoạt động, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động và Quy chế làm việc của Hội đồng trường làm cơ sở pháp lý cần thiết cho mọi hoạt động của Hội đồng trường.

Cho đến nay, Hội đồng trường đã thực hiện quy trình và bổ nhiệm 02 Phó Hiệu trưởng (tháng 10/2020), kiện toàn xong chức danh Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025 (tháng 5/2021).

Nhà trường luôn được cơ quan chủ quản (Bộ Giao thông vận tải) đánh giá là đơn vị đi đầu trong khối các cơ sở giáo dục thuộc Bộ trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Luật 34/QH và Nghị định 99/CP một cách bài bản, có chất lượng tốt, đảm bảo định hướng và tiến độ yêu cầu. Sau 06 tháng hoạt động, Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 được Bộ chủ quản đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2020.

Hiện nay, Hội đồng trường tiếp tục triển khai công tác bám sát nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường và Quy chế làm việc của Hội đồng trường:

Xây dựng và triển khai tốt kế hoạch công tác năm 2021 của Hội đồng trường, trong đó cụ thể công tác 04 quý; chuẩn bị chu đáo cho các kỳ họp hội đồng trường định kỳ (04 lần/năm); tích cực đôn đốc, chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách bằng các quy chế, quy định nội bộ Trường (trước mắt là Quy chế Tài chính, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy định về tuyển dụng, đào tạo và sử dụng cán bộ viên chức…);

Chỉ đạo nghiên cứu đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ cấu lao động (theo định hướng trường đại học tự chủ); chỉ đạo nghiên cứu đổi mới chế độ phù hợp về quản lý, chi tiêu tài chính và sử dụng tài sản (theo định hướng tự chủ);

Tổ chức hoạt động giám sát thực hiện nghị quyết của Hội đồng trường và các quy định của pháp luật; theo dõi và đánh giá việc thực thi nhiệm vụ đối với các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng trường;

Tiếp tục thực hiện kế hoạch quán triệt Luật 34/QH, Nghị quyết 19/TW và Quy chế tổ chức hoạt động của Trường đến cán bộ, viên chức, người lao động và học viên Nhà trường.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm.

Thùy Linh (thực hiện)