Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có...tiếm quyền?

27/11/2019 06:00
Đặng Văn Định
(GDVN) - Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không thể không biết loại công việc được Luật quy định thuộc thẩm quyền Chính phủ mà vẫn ban hành văn bản chồng chéo.

Nỗ lực rất lớn của Quốc hội trong việc “tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam là đã chuyển dịch đại diện chủ sở hữu tài sản các cơ sở giáo dục đại học công lập từ cơ quan chủ quản về nhà trường, hướng tới mỗi cơ sở giáo dục đai học thành một pháp nhân độc lập.

Điều đó được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14). 

Một tổ chức khá đầy đủ quyền lực để “quản trị” và “đại diện quyền sở hữu của nhà trường” đã được thiết lập đó là Hội đồng trường.

Giáo dục đại học (Ảnh minh họa: Báo Quân đội Nhân dân).
Giáo dục đại học (Ảnh minh họa: Báo Quân đội Nhân dân).

Khoản 8, Điều 16 Luật số 34/2018/QH14 định chế: “Chính phủ quy định chi tiết về quy trình thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”.

Nghĩa là những việc trên thuộc thẩm quyền Chính phủ. Hội đồng trường ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học (trong đó có các trường đại học trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đều được điều chỉnh như nhau; còn hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng sẽ có sự  khác biệt. Về hình thức văn bản thường là nghị định.

Dẫu vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16/10/2019  về “phân cấp quản lý và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển cán bộ trong tổ chức công đoàn” (QĐ-1584).

Tìm hiểu QĐ-1584 thấy: trên danh nghĩa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang “phân cấp quản lý”, nhưng thực tế không thừa nhận quyền lực của hội đồng trường đã được Luật Giáo dục đại học quy định ở Điểm đ, Khoản 2, Điều 16 của Luật số 34/2018/QH14 và đang tiếp tục mở rộng việc tập trung quyền lực.

Ví dụ, Khoản 4, Điều 6, QĐ-1584 quy định Thường trực Đoàn chủ tịch có quyền “giới thiệu nhân sự tham gia hội đồng trường, giới thiệu nhân sự để hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường; quyết định công nhận thành viên hội đồng trường và các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký hội đồng trường; giới thiệu nhân sự để hội đồng trường bầu hiệu trưởng; ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng; cho ý kiến trước khi bổ nhiệm phó hiệu trưởng, kế toán trưởng đối với các trường đại học trực thuộc tổng liên đoàn”.

Hiệp hội góp ý 9 vấn đề liên quan đến việc sáp nhập cơ sở giáo dục đại học
Hiệp hội góp ý 9 vấn đề liên quan đến việc sáp nhập cơ sở giáo dục đại học

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không thể không biết loại công việc đã được Luật quy định thuộc thẩm quyền Chính phủ mà vẫn ban hành văn bản chồng chéo. Làm như thế liệu có “tiếm quyền”?

Người viết bài này xem lại Luật Công đoàn, Điều lệ công đoàn, Luật Tổ chức Chính phủ, các luật về giáo dục và Hiến pháp Việt Nam nhưng chưa tìm thấy quy định nào để Tổng Liên đoàn lao động làm thay việc của Chính phủ..  

Rất có lý khi Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: “Rõ ràng, một số định chế đối với các cơ sở giáo dục đại học tại Quy định kèm theo Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực chất là tiếp tục mở rộng việc tập trung quyền lực chứ không phải “phân cấp quản lý…” như tên văn bản.

Điều đó, ngăn cản chủ trương đường lối của Đảng và  pháp luật cuả Nhà nước về tự chủ đại học”- trích văn bản số 188/HH-NC&PTCS ngày 25/11/2019 của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Quốc hội.

Hy vọng các cơ quan chức năng của Quốc hội sớm vào cuộc kiểm tra, đưa ra giải pháp khắc phục, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và thực thi pháp luật của Nhà nước.

Đặng Văn Định