Tính độc lập của tổ chức kiểm định chất lượng GD liệu có giống như “kiểm toán”?

03/03/2023 06:56
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khác với câu chuyện “tự chủ đại học”, “tài chính” là vấn đề vướng, còn với “kiểm định” vấn đề lại là “tổ chức”.

Mặc dù thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình tổ chức, thực hiện, nhưng không thể phủ nhận những đóng góp rất tích cực của công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đối với công tác quản trị đại học cũng như nâng cao chất lượng đào tạo 10 năm qua.

Cái khó của một thời đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học nằm ở đội ngũ giảng viên, lãnh đạo các khoa, phòng vì ngại thay đổi, chưa kịp tiếp cận... Đến nay, cái khó cũ đã qua, cái khó mới lại phát sinh từ chính các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Câu chuyện xoay quanh chỗ “độc lập” được đặt ra từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14). Bài viết này xin bàn về tính chất cũng như gợi mở cách thức gỡ những điểm khó như chính “nguyên lí” của kiểm định.

Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Long An

Ảnh minh họa: nguồn: Trường Đại học Long An

Chuyển biến tích cực từ kiểm định giáo dục đại học

Trước khi bàn đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học, chúng ta cũng cần phải xác định vấn đề từ mục tiêu. Theo Luật 34, mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học là nhằm: “(1) bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; (2) xác nhận mức độ đáp ứng mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo trong từng giai đoạn; (3) làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với chủ sở hữu, cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; (4) làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo; cho nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực”.

Xét cho cùng kiểm định chất lượng giáo dục đại học không phải là đích đến, mà đích đến phải là “bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”. Theo Luật 34, “bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, mang tính hệ thống, bao gồm các chính sách, cơ chế, tiêu chuẩn, quy trình, biện pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại học”“hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học”. Nghĩa là kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng chỉ là hệ thống bên ngoài, chứ không phải mấu chốt của vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Từ khi có Luật Giáo dục đại học (2012), công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được triển khai, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tham gia kiểm định cơ cở cũng như kiểm định ngành đào tạo. Qua công tác chuẩn bị, tự đánh giá và đánh giá ngoài đã giúp cho các cơ sở giáo dục đại học, các khoa/bộ môn và kể cả giảng viên, sinh viên nhận ra bản chất của vấn đề, từ tầm nhìn, sứ mệnh đến quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, từ đó xác định kế hoạch cải tiến để bảo đảm chất lượng…

Tất nhiên trong quá trình thực hiện, không phải tất cả đều nhận thức đúng, toàn diện ý nghĩa của kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nên cũng có nơi, có chỗ thực hiện đối phó, chạy theo thành tích và vì hình thức… dẫn đến đâu đó có bộ phận cảm nhận không tốt, thậm chí cho rằng việc kiểm định là lãng phí...

Song nếu nhìn một cách tổng thể thì rõ ràng thông qua kiểm định chất lượng giáo dục đại học công tác quản trị, quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học có sự nhiều chuyển biến tích cực; chương trình đào tạo, chương trình dạy học, đề cương chi tiết, hệ thống kiểm tra, đánh giá, thu thập thông tin phản hồi… ngày càng thiết kế và thực thi một cách bài bản hơn, chất lượng hơn. Các cơ sở giáo dục đại học đã nhận thức rất rõ ý nghĩa của bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, đồng thời chủ động tham gia kiểm định chất lượng giáo dục đại học với các tổ chức trong và ngoài nước.

Những khó khăn phát sinh

Từ khi ra đời Luật Giáo dục đại học (2012), một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học được thành lập. Có thể nói, các tổ chức này đã có những đóng góp to lớn đối với công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam cũng như công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên, đến năm 2018, Luật 34 được ban hành, khó khăn phát sinh ngay ở chính những tổ chức đã được thành lập trước đó, đồng thời các tổ chức được thành lập mới cũng không hẳn thuận lợi.

Tại Điều 52, Luật 34 quy định:“Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học”. Vấn đề đặt ra chính là tính “độc lập”. Khác với câu chuyện “tự chủ đại học”, “tài chính” là vấn đề vướng, còn với “kiểm định” vấn đề lại là “tổ chức”.

Thứ nhất, có người cho rằng “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” thì “kiểm định” cũng giống như “kiểm toán”? Nếu theo cách hiểu đó, thì rõ ràng sẽ phát sinh các vấn đề liên quan đến tổ chức và điều đó đồng nghĩa không thể giao cho Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện như Luật 34 quy định.

Thứ hai, nếu hiểu theo hướng kiểm định độc lập về tổ chức và thực hiện như doanh nghiệp, thì “có sinh ắt có diệt” để cạnh tranh phát triển. Với cơ chế như hiện nay, liệu có “trăm hoa đua nở” các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học, hay chẳng có tổ chức nào dám “dấn thân” thực sự vì mục tiêu “bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”?

Nếu cho rằng các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay hầu hết thuộc các cơ sở giáo dục đại học nên không khách quan khi thực hiện hoạt động kiểm định thì cũng không đúng. Bởi lẽ trong thực tế, các tổ chức đó không được quyền thực hiện kiểm định đối với các cơ sở có liên quan. Các tổ chức này hạch toán độc lập, thực hiện chuyên môn độc lập thông qua Hội đồng kiểm định, chịu sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và nhất là phải đảm bảo uy tín đối với cơ sở giáo dục mà họ là tổ chức trực thuộc.

Nếu buộc phải độc lập hoàn toàn khỏi cơ sở giáo dục đại học thì liệu đội ngũ và chuyên gia của các tổ chức này có nguyện vọng tách ra để hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp hay không? Hay tự giải thể và kinh nghiệm kiểm định trên dưới 10 năm của các tổ chức này cũng tự chấm dứt sứ mệnh?

Ngược lại, nếu tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học là một doanh nghiệp, với cơ chế cạnh tranh thông qua đấu thầu như hiện nay, thì liệu “tài chính” không ảnh hưởng gì đến “chất lượng”? Đồng thời vấn đề phát sinh sau giải thể của các doanh nghiệp kiểm định sẽ được xử lý như thế nào?...

Tranh cãi chưa ngã ngũ

Theo Điều 52 của Luật 34, “Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục”. Vấn đề là để thực hiện điều này cần phải có Nghị định hướng dẫn. Trong khi Điều 12 Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định Điều kiện thành lập, cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam được thực hiện theo quy định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dụccho thấy tổ chức kiểm định giáo dục được quy định như tổ chức giáo dục là chưa phù hợp về tính chất.

Cũng theo Điều 52, “Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi đủ điều kiện và có đề án thành lập theo quy định của pháp luật; được phép hoạt động kim định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên cơ hữu đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời Điều 52 cũng quy định “Bộ trưởng BGiáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức kim định chất lượng giáo dục; quyết định cho phép hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; quyết định công nhận, thu hồi quyết định công nhận hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài ở Việt Nam; quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục”.

Rõ ràng theo quy định này thì “thị trường” kiểm định chất lượng giáo dục đại học chính thức được mở ra. Và như vậy, liệu có kiểm soát được các vấn đề liên quan như đề cập ở trên? Mặt khác, theo đó sứ mệnh của các tổ chức kiểm định trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học cũng chấm hết!

… Vì mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục đại học

Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học là quá trình liên tục, không có điểm cuối. Do đó, các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung và cải tiến liên tục để phù hợp với thực tế, đồng thời phải bảo đảm các “nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học” được quy định tại Luật 34, đó là “(1) độc lập, khách quan, đúng pháp luật; (2) trung thực, công khai, minh bạch; (3) bình đẳng, bắt buộc, định kỳ”.

Như vậy, “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” cũng không phải là mục đích mà chỉ là một trong những khía cạnh nhằm mục đích bảo đảm khách quan.

Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù Luật 34 vừa mới ban hành, nhưng cũng cần cân nhắc xem xét thận trọng một số vấn đề sau:

Một là, nếu như những tổ chức, cá nhân tham mưu xây dựng Luật 34 đã đánh giá tác động cặn kẽ các góc cạnh của vấn đề “độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học” thì cần khẩn trương tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn, lấy ý kiến các bên liên quan, và nếu nhận được đồng thuận và khả thi thì sớm triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ những điểm khó cho các tổ chức có liên quan như hiện nay.

Hai là, nếu vấn đề trên vẫn chưa được sáng tỏ, thì cần khẩn trương rà soát điều chỉnh Điều 52 của Luật 34 và sớm ban hành Nghị định hướng dẫn phù hợp với thực tế, không làm đảo lộn “hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài thông qua cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học” đã được thiết lập trên 10 năm qua. Theo đó, chúng ta nên vận dụng, điều chỉnh, cải tiến cho phù hợp với thực tế cũng như nâng cao hiệu quả, và cốt là nhằm mục tiêu “bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”.

Một vài ý kiến đề xuất tham khảo:

Trước hết, kiểm định chất lượng giáo dục đại học cần được xác định đây là loại hình hoạt động có điều kiện, được nhà nước quy hoạch, sắp xếp và ban hành các quy định quản lý chặt chẽ, không để “mạnh ai nấy làm” và để “tự sinh ắt tự diệt” theo cơ chế thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cân nhắc việc cho phép mở mới các tổ chức kiểm định, tránh dẫn đến khó kiểm soát tương tự như đối với các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới một thời.

Thứ hai, các tổ chức kiểm định được cấp phép hoạt động bắt buộc tham gia mạng lưới kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc gia, có tính chất như một hội nghề nghiệp. Nhiệm vụ của mạng lưới là tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kiểm định, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế, chính sách; đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên; biên soạn tài liệu hướng dẫn,… điều phối các hoạt động chung của mạng lưới cũng như kiến nghị xử lí các vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức kiểm định. Như vậy về tính chất vẫn là độc lập với cơ quan quản lí nhà nước và tất cả các tổ chức kiểm định đều “có chủ” và có “sân chơi” chung, không phải cạnh tranh thiếu lành mạnh và “mạnh ai nấy làm”.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục đại học tự nguyện đăng kí tham gia kiểm định với mạng lưới kiểm định chất lượng giáo dục đại học quốc gia, lập kế hoạch đăng kí kiểm định và đóng phí dựa trên kế hoạch đã đăng kí. Mức phí được mạng lưới xây dựng, tính toán chi tiết và lấy ý kiến của các bên đồng thời công khai để các bên cùng giám sát.

Căn cứ vào kế hoạch đăng kí của các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới điều phối hoạt động kiểm định cho các tổ chức, đảm bảo khách quan và đúng pháp luật. Mạng lưới kiểm định viên quốc gia là nguồn chuyên gia chung. Kinh phí thực hiện kiểm định lấy từ nguồn do các cơ sở giáo dục đại học đóng góp. Điều này sẽ công bằng, khách quan và không phải đấu thầu cạnh tranh giá.

Thứ tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra; Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh/ thành phố tham gia giám sát theo đúng thẩm quyền, chức năng.

Tóm lại, khó có một mô hình nào là hoàn hảo, chỉ có mỗi giai đoạn phát triển có thể có mô hình tương đối hợp lí. Với cách tiếp cận gợi mở như trên là nhằm bảo đảm có sự kế thừa và cải tiến như chính nguyên lí của “kiểm định” - quá trình cải tiến liên tục và không có điểm cuối.

Trong bối cảnh hiện nay, không nên cố thay đổi lớn để làm xáo trộn và thậm chí là làm đảo lộn hoạt động kiểm định đã diễn ra khoảng 10 năm qua, mà cần “cải tiến”, điều chỉnh để khắc phục những bất cập phát sinh và phát huy những ưu điểm, tích cực cũng như kinh nghiệm đã được đúc kết. Có như vậy mới kiến thiết được một nền giáo dục đại học phát triển, hội nhập và bền vững.

Hướng Sáng