Tình huống éo le của thầy giáo 36 năm công tác, sắp về hưu thì bị "rớt chuẩn"

03/11/2021 07:03
LÊ MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi được các nhà giáo tin tưởng, gửi gắm làm cầu nối đến Bộ Giáo dục chỉ mong muốn Bộ có những điều chỉnh thấu đáo, phù hợp với các Thông tư xếp hạng.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước, nhất là những thầy cô đang giảng dạy, quản lý tại các trường tiểu học và trung học cơ sở.

Những lá thư gửi về Tòa soạn của nhiều thầy cô giáo không chỉ là hỏi về cách chuyển hạng, xếp lương mới mà một số thầy cô gửi thư đến như một lời kêu cứu hay một sự giãi bày về hoàn cảnh éo le của mình.

Lần này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được một lá thư của một thầy giáo dạy Tiểu học ở Đồng Nai đã có 36 năm đứng trên bục giảng, sắp sửa về hưu rồi nhưng khi ngành áp dụng Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì thầy đã không đạt chuẩn trình độ.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam.

Từ một người “vượt chuẩn” trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì nay thầy giáo này đã không đạt chuẩn và tất nhiên sẽ phải xuống hạng giáo viên thấp hơn.

Chúng tôi xin giới thiệu lá thư của một nhà giáo chuẩn bị về hưu gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam với hy vọng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét lại toàn bộ chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT một cách thấu đáo, tránh những thiệt thòi cho đội ngũ nhà giáo có chung cảnh ngộ.

Kính gửi: Ban Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Tôi là giáo viên một trường Tiểu học ở tỉnh Đồng Nai

Kể từ khi Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành, tôi cảm thấy rất buồn bã, thất vọng vì bản thân chỉ có bằng cao đẳng và thiếu mỗi tấm bằng cử nhân nên không được thăng hạng vì không đạt chuẩn về trình độ đào tạo; trong khi đó tất cả các tiêu chuẩn khác của tôi đều đầy đủ.

Hiện giờ, tôi đang đứng trên bục giảng năm thứ 36. Tôi chuẩn bị nghỉ hưu vào tháng 9/2022 thì làm sao kịp đi học cử nhân nữa?

Chính vì vậy, tôi xin trình bày đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một việc như sau: năm 1986, tôi tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, ra trường được phân công dạy Tiểu học ở tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Thành phố Hà Nội).

Khi ấy, lương giáo viên không đủ mua 20 kg gạo và 5 năm tôi mới được tăng một bậc lương rất ít ỏi. Vậy mà tôi vẫn yêu nghề, vượt qua mọi khó khăn. Rồi đến năm 1995, tôi chuyển công tác vào tỉnh Đồng Nai.

Năm 2007 – 2010, tôi tham gia lớp vừa học vừa làm và tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tiểu học tại Trường Cao đẳng sư phạm Đồng Nai.

Ngay ngày đầu bước chân vào học cao đẳng, thầy giáo dạy Ngữ văn nói là từ giờ đến lúc nghỉ hưu thì bằng cao đẳng vẫn đạt chuẩn hoặc trên chuẩn, mặc dù khóa tôi học có những giáo viên sinh năm 1980. Vậy mà giờ đây chỉ còn mấy tháng nữa nghỉ hưu thì nhận tin bản thân là giáo viên“ không đạt chuẩn” trình độ.

Tôi thiết nghĩ, Bộ Giáo dục nên xem xét cho những giáo viên còn từ 1 đến 3 năm nữa là nghỉ hưu sẽ được dùng bằng cao đẳng để tính đạt chuẩn về trình độ đào tạo, vì giờ chúng tôi muốn đi học cũng không kịp lấy bằng trước khi nghỉ hưu.

Hơn nữa, trong những năm gần đây, tôi vẫn học các lớp Bồi dưỡng thường xuyên cũng như chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trong thời gian dịch bệnh covid-19, bản thân tôi luôn thực hiện tốt nhiệm vụ dạy trực tuyến, luôn có tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề, cố gắng hết mình vì học sinh thân yêu nên suốt 36 năm công tác nhiều năm đạt Giáo viên Giỏi và Chiến sĩ thi đua; có nhiều học sinh đạt học sinh giỏi các cấp, được phụ huynh tín nhiệm và học sinh tin yêu.

Vì thế, kính mong Ban Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ và kiến nghị với Bộ Giáo dục về nguyện vọng nêu trên của tôi.

Nếu Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định phải có bằng cử nhân mới đạt chuẩn thì nên áp dụng từ tháng 01/2024 trở về sau, để nhiều giáo viên thuộc trường hợp trên được an tâm trong công tác và tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục hết mình, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người của đất nước.

Nếu Bộ xét chuẩn trình độ theo lộ trình nâng chuẩn giáo viên ở Nghị định 71/2020/NĐ-CP sẽ giúp giáo viên đỡ thiệt thòi

Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, từ ngày 01/7/2020, giáo viên phải đáp ứng điều kiện mới về chuẩn trình độ đào tạo, cụ thể: Giáo viên Mầm non, có bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ Trung cấp sư phạm);

Giáo viên Tiểu học: có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ Trung cấp sư phạm);

Giáo viên Trung học cơ sở: có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm)…

Với giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, nếu môn học chưa đủ giáo viên đạt yêu cầu nêu trên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Chúng tôi cho rằng, việc nâng chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 cũng là điều hợp lý bởi so với thực tế công việc hiện nay thì tấm bằng trung cấp (Tiểu học) và bằng cao đẳng (Trung học cơ sở) có thể sẽ không còn phù hợp nữa.

Tuy nhiên, khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực cũng đồng nghĩa là những giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở chưa có bằng đại học sẽ không đạt chuẩn trình độ là một bất cập lớn cho hàng trăm ngàn giáo viên chưa đạt chuẩn trên cả nước bởi họ trở tay không kịp.

Trong khi, Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên có thời hạn tới 10 năm và chia làm 2 giai đoạn cụ thể. Vì thế, chúng tôi cho rằng sẽ phù hợp hơn nếu khi việc công nhận chuẩn trình độ của giáo viên song hành cùng với lộ trình nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Nếu trong giai đoạn 10 năm này, hoặc cho giáo viên thời hạn ít nhất là hết giai đoạn đầu (2021-2025) mà giáo viên chưa có bằng đại học thì sẽ xếp vào diện chưa đạt chuẩn trình độ.

Chứ như hiện nay, trước ngày 01/7/2020- khi mà Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì ngành không có hướng dẫn cụ thể cho giáo viên chuẩn bị. Đùng một cái, áp dụng Luật Giáo dục năm 2019 nên hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước bị hẫng vì mình không đạt chuẩn trình độ.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải xuống hạng theo hướng dẫn của Thông tư 02, 03/2021/TT-BGDĐT mà Bộ ban hành vào ngày 02/2/2021.

Chính vì thế, lá thư của nhà giáo ở Đồng Nai- người đã có 36 năm công tác, cống hiến trong ngành giáo dục gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng là tiếng lòng của rất nhiều thầy cô giáo trên cả nước ở vào hoàn cảnh tương tự.

Chúng tôi được các nhà giáo tin tưởng, gửi gắm hy vọng làm cầu nối đến Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ mong muốn Bộ có những điều chỉnh thấu đáo, phù hợp về chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT để hàng trăm ngàn nhà giáo trên cả nước không phải chịu quá nhiều thiệt thòi.

Họ không phải xuống hạng một cách tức tưởi như thầy giáo ở Đồng Nai, như thầy Hiệu trưởng ở Hậu Giang mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh trong thời gian qua để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến cho ngành một cách tốt nhất.

LÊ MINH