Tổ chức trải nghiệm: Minh bạch tài chính để phụ huynh giải tỏa lo ngại trục lợi

19/04/2023 06:42
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Để buổi trải nghiệm thực chất, hiệu quả, lãnh đạo ngành giáo dục một số địa phương đã lên kế hoạch nhằm giảm chi phí nhưng vẫn tạo được lòng tin của phụ huynh

Hoạt động trải nghiệm (cấp Tiểu học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 - 12 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động này, mỗi địa phương lại có những khó khăn khác nhau. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo một số địa phương cũng đã có những chia sẻ thiết thực với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

Thầy Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận định, khi triển khai các nội dung học có tính mới mẻ như hoạt động trải nghiệm, chắc chắn sẽ gặp vướng mắc, khó khăn, nhất là về nguồn kinh phí. Vì thế, vị này cho rằng, ngoài sự huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa thì sự chung tay của chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng. Có như vậy những chuyến trải nghiệm của học sinh mới đảm bảo được tính thực chất.

Thầy Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức. Ảnh: Baobariavungtau.com.vn

Thầy Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức. Ảnh: Baobariavungtau.com.vn

Thầy Kính thông tin thêm: "Tại địa phương, việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hoặc định hướng phân luồng cho học sinh thông qua các hoạt động này chúng tôi đều có kế hoạch cụ thể.

Riêng trong năm học này, ngoài sự đóng góp từ phụ huynh thì rất may mắn cho các trường học ở huyện Châu Đức là lãnh đạo huyện nhà rất quan tâm đến giáo dục. Tính đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo huyện Châu Đức cũng đã hỗ trợ hơn 100 triệu đồng đến các trường học để phục vụ cho hoạt động này.

Việc hỗ trợ này được tập trung với cấp Trung học cơ sở để học sinh vừa trải nghiệm vừa tham quan các cơ sở nghề nghiệp để thực hiện việc phân luồng hướng nghiệp hiệu quả hơn.

Với việc trải nghiệm để nâng cao kỹ năng sống, hiện các trường vẫn đang huy động nguồn kinh phí từ phụ huynh đóng góp để cho học sinh có cơ hội được tham gia".

Ngoài ra, vị Trưởng phòng Giáo dục huyện Châu Đức cũng nêu quan điểm rằng, đối với việc thực hiện hoạt động trải nghiệm thực tế với các học sinh trên địa bàn, ngành giáo dục huyện Châu Đức quyết tâm không để học sinh nào bị "bỏ lại" phía sau.

Qua đó, thầy Kính nêu phương án với học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức sẽ có hướng dẫn để nhà trường có thể hỗ trợ với các học sinh thuộc nhóm đối tượng trên.

Bên cạnh đó, vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cũng nêu lên một số giải pháp để tạo ra đồng thuận giữa phụ huynh với nhà trường, tránh được tâm lý lo ngại việc nhà trường "trục lợi" từ những chuyến trải nghiệm cho học sinh gây khó khăn cho nhà trường trong khâu tổ chức.

Thầy Kính cho hay: "Về cơ bản, chúng tôi quán triệt với các nhà trường là cần đẩy mạnh sự tương tác thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm để làm cầu nối giữa Ban Giám hiệu với các phụ huynh.

Cụ thể, các giáo viên chủ nhiệm sẽ lập ra các nhóm zalo để có thể thông báo chi tiết về các khoản thu, chi, nội dung các hoạt động có trong các buổi trải nghiệm.

Để tránh dư luận xấu sau mỗi lần tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tránh tin đồn về trục lợi tài chính, lợi dụng hoạt động trải nghiệm để tham quan, du lịch, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những chỉ đạo ráo riết.

Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu các nhà trường thống nhất với các công ty đứng ra thực hiện các chuyến trải nghiệm thì phần kinh phí phải hết sức tiết kiệm. Phải minh bạch tài chính khi thực hiện liên kết với nhà trường, mọi việc phải đặt lợi ích giáo dục cho học sinh lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, Phòng cũng yêu cầu, nếu nhà trường cử giáo viên tham gia và hỗ trợ học sinh thì nhà trường phải bỏ kinh phí để chi trả cho giáo viên đó chứ tuyệt đối không được lấy từ nguồn kinh phí của phụ huynh đóng góp để chi trả.

Với tinh thần chỉ đạo như vậy chúng tôi nhận thấy, các hoạt động trải nghiệm vừa qua cũng đang dần đi vào thực chất và lấy được lòng tin của phụ huynh".

Đánh giá về hiệu quả thông qua các đợt tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh trên địa bàn, thầy Kính cho rằng, kỹ năng của học sinh dần được nâng cao qua mỗi lần được học tập thực tế.

"Qua quá trình triển khai, nhận thấy những lợi ích cụ thể nên chúng tôi cũng khuyến khích các trường nhân rộng triển khai. Ngoài việc tham quan học tập tại các di tích lịch sử thì chúng tôi cũng có hướng để cho học sinh đến các cơ sở có tính giáo dục thực tế. Chẳng hạn, đợt vừa rồi chúng tôi cũng cho đoàn học sinh đến trải nghiệm tại trại cai nghiện ma túy để học sinh thấy được tác hại của ma túy đối với con người như thế nào.

Các địa điểm tổ chức trải nghiệm cũng được thay đổi linh hoạt, nếu năm nay là địa điểm này thì năm sau sẽ cho tổ chức ở địa điểm khác, ưu tiên các địa danh có trong địa bàn các trường đó trước. Thông qua những chuyến đi như vậy chúng tôi nhận thấy các học sinh có thêm phần hứng thú, tiếp thu kiến thức tốt hơn", thầy Kính cho hay.

Liên quan đến những khó khăn khi tổ chức thực hiện các buổi trải nghiệm thực tế, thầy Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) cũng đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo đó, thầy An cho rằng, việc huy động kinh phí để tổ chức các buổi trải nghiệm cho học sinh với các địa phương khó khăn là điều nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, sớm hay muộn thì cũng phải có giải pháp để tất cả học sinh đều được đi trải nghiệm, đưa các hoạt động này dần vào quỹ đạo và có hiệu quả giáo dục.

"Trong hai năm gần đây, để việc tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm có quy mô rộng hơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cũng đã lên phương án để bổ sung kinh phí.

Bên cạnh đó, với việc ưu tiên thực hiện các hoạt động trải nghiệm tại địa phương trước, chúng tôi cũng đề xuất Ủy ban nhân dân huyện để nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông để việc tiếp cận của các trường với các địa danh dễ dàng hơn.

Tất nhiên, với điều kiện của địa phương miền núi như huyện Con Cuông, việc này không thể ngày một ngày hai là có thể làm ngay được mà cần sự tính toán dài hơi hơn", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông nêu giải pháp.

Ngoài ra, vị này cũng cho biết, ngoài các địa danh có trong địa bàn huyện để có thể tổ chức các đợt trải nghiệm, nếu các trường muốn tổ chức tại các địa phương khác xa hơn thì đơn vị này cũng đã yêu cầu các trường phải lên kế hoạch cụ thể và phải được phê duyệt của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Thầy Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông. Ảnh: T.D
Thầy Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông. Ảnh: T.D

Thầy An thông tin thêm: "Trong thời gian tới, Phòng cũng đã yêu cầu các trường phải khắc phục khó khăn, tùy vào điều kiện từng trường để xây dựng kế hoạch trải nghiệm cho học sinh.

Về việc này, các trường gặp khó khăn ra sao cũng cần báo cáo lại với Phòng Giáo dục và Đào tạo để tìm ra hướng giải quyết, để đảm bảo rằng học sinh nào cũng được đi học tập trải nghiệm, đúng yêu cầu trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra".

Đánh giá về hiệu quả sau thời gian thực hiện hoạt động trải nghiệm cho học sinh trên địa bàn, thầy An cho biết: "Với đặc thù của địa phương nên bước đầu thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho học sinh cũng không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, với những trường đã tổ chức thành công các chuyến trải nghiệm thì tác dụng giáo dục cho học sinh cũng đã được nâng cao đáng kể.

Chẳng hạn như việc cho học sinh trải nghiệm tại Vườn quốc gia Pù Mát, học sinh cũng nâng cao kiến thức về thiên nhiên, yêu động vật và ý thức bảo vệ môi trường. Ngoài ra, khi trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử thì các em cũng nâng cao được sự hiểu biết về lịch sử địa phương. Cũng là học lịch sử nhưng thông qua hình ảnh, địa danh thực tế các em cũng tiếp thu nhanh hơn, lưu trữ thông tin lâu hơn so với việc học qua sách giáo khoa.

Chỉ còn hạn chế đối với học sinh cuối cấp Trung học cơ sở của huyện Con Cuông khi muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục hướng nghiệp, bởi lẽ số lượng các nhà máy, công xưởng trên địa bàn huyện Con Cuông vẫn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, chúng tôi cùng với các nhà trường sẽ tiếp tục bàn hướng khắc phục những hạn chế, phát huy những lợi thế để đảm bảo những chuyến trải nghiệm của học sinh sắp tới sẽ trở nên hiệu quả, thiết thực hơn".

Trung Dũng