Tọa đàm người lao động nước ngoài với chính sách bảo hiểm xã hội

07/11/2018 06:00
Ngọc Hân
(GDVN) - Nghị định 143 quy định công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chiều 6/11, Chi đoàn Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và Chi đoàn Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Đoàn Thanh niên cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm giới thiệu chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các đoàn viên thanh niên cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đặt các câu hỏi liên quan đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; vấn đề thu, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam… Các câu hỏi đều được những chuyên gia đầu Ngành về lĩnh vực bảo hiểm xã hội trả lời đầy đủ và cụ thể.

Ông Điều Bá Được, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam giới thiệu khái quát nội dung Nghị định 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Nghị định 143 là điểm mới trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhiều nội dung quan trọng cần gấp rút triển khai trong thời gian tới đối với Ngành.

Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; vấn đề thu, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Nhiều câu hỏi được đặt ra về việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội; vấn đề thu, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. 

Theo đó, đối tượng áp dụng là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam...

Nghị định 143 quy định cũng quy định cụ thể về mức đóng và phương thức; các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc… Người lao động là đối tượng của Nghị định 143/2018/NĐ-CP thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Trong đó, các chế độ bảo hiểm xã hội như hưu trí và tử tuất sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn như thai sản, ốm đau và tai nạn lao động sẽ áp dụng từ ngày 01/12/2018. Mức hưởng và chế độ hưởng đều được áp dụng như trường hợp của lao động Việt Nam trong Luật bảo hiểm xã hội.

Nghị định 143 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018  thời gian rất gấp rút, do vậy, cần xây dựng nội dung tuyên truyền, giải pháp rất cụ thể để chính sách bảo hiểm xã hội đến được với người lao động nước ngoài.

Cũng theo ông Điều Bá Được, Nghị định 143 tạo ra cơ hội cho Ngành bảo hiểm xã hội phát triển theo hướng hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, Ngành bảo hiểm xã hội đang không ngừng chuyển đổi tác phong phục vụ, tích cực ứng dụng số hóa trí tuệ nhân tạo internet… theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, đáp ứng sự hài lòng của người dân…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế thì việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết.

Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài đã được quy định cụ thể trong Luật bảo hiểm xã hội 2014, nhằm bảo đảm bình đẳng, an sinh cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam; cũng như làm căn cứ trong các thỏa thuận song phương, đa phương để quyền lợi, chế độ bảo hiểm xã hội của lao động nước ngoài tại các nước được thực hiện thống nhất, tương đồng...

Tham gia bảo hiểm xã hội là quyền lợi của lao động người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng.
Tham gia bảo hiểm xã hội là quyền lợi của lao động người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, hiện tại Việt Nam đang đàm phán với Hàn Quốc ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, một trong những quốc gia có nhiều lao động Việt Nam làm việc và ngược lại, cũng có nhiều lao động Hàn Quốc làm việc ở Việt Nam.

Việc ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội với các đối tác để vừa xử lý việc tránh đóng trùng, vừa đảm bảo quyền lợi được hưởng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Sau khi Nghị định này có hiệu lực, sẽ tiếp tục mở rộng đàm phán với các nước có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc để đàm phán về hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội thế hệ mới, nhằm hỗ trợ chính sách tốt hơn cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Khi triển khai Nghị định 143/2018/NĐ-CP, nếu đã có những hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội, sẽ hỗ trợ rất tốt cho người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội. Đây cũng là quyền lợi của lao động người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng. 

Ngọc Hân