Tôi biết áp lực của ngành giáo dục trong năm 2022 là rất lớn

04/02/2022 06:47
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi môn học trong chương trình đều có vai trò, vị trí quan trọng như nhau trong quá trình phát triển tri thức, đạo đức, kỹ năng và thể chất của học sinh.

Năm mới 2022 tôi có kỳ vọng lớn nhất là học sinh tất cả các cấp học đều được trở lại trường học tập trung một cách an toàn và hiệu quả. Học sinh trở lại trường học nghĩa là chúng ta đã thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Trong hai năm vừa qua, dịch bệnh đã khiến việc học tập của học sinh bị gián đoạn quá nhiều. Tuy ngành giáo dục đã rất linh hoạt chuyển đổi cho học sinh học trực tiếp sang trực tuyến, nhưng học trực tuyến dù sao cũng chỉ là giải pháp tình thế trong lúc phải tạm thời dừng việc đến trường.

Học trực tuyến trong thời gian quá dài sẽ không những ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh mà còn gây nhiều hệ lụy, tác động không tốt đến tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội, vắc-xin ngừa COVID- 19 chưa được bao phủ rộng, phần lớn học sinh, sinh viên chưa được tiêm chủng thì việc học trực tuyến là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn. Đến thời điểm này, chúng ta đã có đủ những điều kiện cần thiết để mở cửa lại trường học nên tôi hy vọng sau Tết Nguyên đán của dân tộc sẽ là “ngày hội đến trường” của tất cả các cấp học trên cả nước!

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) - Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) - Ảnh: quochoi.vn

Kỳ vọng thứ hai của tôi là ngành giáo dục và đào tạo có sự bứt phá rõ rệt trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục! Chúng ta đã thực hiện đổi mới giáo dục từ nhiều năm nay, nhưng rõ ràng kết quả thu được tuy khả quan nhưng cũng chưa đúng như kỳ vọng của toàn xã hội. Tôi mong muốn việc đổi mới giáo dục bắt nguồn thực sự sâu xa từ triết lý giáo dục để sao cho chúng ta luôn hướng đến và hoàn thành tốt mục tiêu đào tạo ra những con người toàn diện, những công dân tích cực trong kỷ nguyên số, có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, tri thức để hội nhập toàn cầu.

Như vậy, chúng ta phải thực sự loại bỏ thói quen giảng dạy “nhồi sọ”, khiến học sinh thụ động; loại bỏ quan niệm chỉ tập trung đề cao một số môn cơ bản, phân chia “môn chính, môn phụ” trong trường học. Chừng nào còn quan niệm “môn chính, môn phụ” thì chừng đó học sinh còn phát triển chưa toàn diện.

Mỗi môn học trong chương trình đều có vai trò, vị trí quan trọng như nhau trong quá trình phát triển tri thức, đạo đức, kỹ năng và thể chất của học sinh. Bởi vậy, sự quá coi trọng một số môn học và xem nhẹ một số môn học dẫn đến việc học sinh có thể thiếu hụt những kỹ năng sống cần thiết.

Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh những học sinh được coi là chăm ngoan, là tấm gương sáng khi các em chỉ biết vùi đầu vào học và học, thậm chí có những em đi học đại học còn chưa biết tự đi chợ, nấu cơm hay giặt quần áo, chứ chưa nói đến các kỹ năng khác.

Điều này khiến cho các em thực sự bị động, lúng túng trước cuộc sống. Nhưng để học sinh phát triển toàn diện, ngoài vai trò chính yếu là nhà trường thì việc giáo dục từ gia đình cũng vô cùng quan trọng.

Xưa nay nói đến giáo dục, chúng ta có thói quen nghĩ đến nhà trường, đến các thầy cô giáo, để khi học trò chưa ngoan chưa giỏi thì đổ lỗi tại nhà trường. Nhưng trên thực tế, việc giáo dục, dạy dỗ một con người được bắt đầu từ rất sớm, thậm chí từ khi đứa trẻ còn là một bào thai trong bụng mẹ. Người thầy đầu tiên của mỗi đứa trẻ bao giờ cũng là những người thân yêu nhất: cha mẹ, ông bà, anh chị em…

Cho nên, việc kết nối gia đình và nhà trường luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục con trẻ. Tôi có cảm giác chúng ta chưa thực sự chú trọng đến việc kết nối này. Chúng ta vẫn có các cuộc họp cha mẹ học sinh, có chi hội phụ huynh học sinh, nhưng phần lớn nội dung các cuộc họp này là để thông báo kết quả học tập của học sinh và các khoản đóng góp thu chi. Dường như có một khoảng cách vô hình nào đó giữa cha mẹ học sinh và các thầy cô khiến cho mối quan hệ hai bên còn gượng gạo và khách sáo. Tôi nghĩ cần thay đổi cách nhìn để có sự cởi mở hơn. Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, việc liên lạc giữa các cá nhân vô cùng thuận tiện.

Vậy thì cả phụ huynh lẫn giáo viên hãy cởi mở, thoái mái trao đổi với nhau về học sinh, về những khó khăn, vướng mắc, về những điều cần hỗ trợ nhau trong quá trình giáo dục con em mình. Có như thế, hai bên mới thực sự hỗ trợ lẫn nhau trong việc dạy dỗ học trò.

Tôi biết áp lực của ngành giáo dục và đào tạo là rất lớn. Áp lực đó cũng xuất phát từ sự kỳ vọng của toàn xã hội, từ sự trân trọng của toàn xã hội đối với nghề “làm thầy”. Tôi mong muốn các bậc cha mẹ học sinh hãy chia sẻ, thấu hiểu những áp lực của ngành, thực sự có những hỗ trợ tích cực với các thầy cô bằng cách quan tâm đúng mức tới việc học tập và rèn luyện của con em mình. Tôi nói “quan tâm đúng mức” bởi lẽ những mối quan tâm không đúng mức lại gây ra nhiều hậu quả hơn là kết quả.

Ví dụ đã có nhiều vụ việc phụ huynh học sinh gây hấn, dùng bạo lực với thầy cô giáo khi cho rằng con mình chưa được quan tâm. Có nhiều bậc cha mẹ làm thay con mình mọi việc, bao bọc con quá mức, chiều chuộng con quá mức khiến con trở thành “ông trời”, không thầy cô nào có thể dạy dỗ nổi. Cho nên, bên cạnh những thầy cô đáng kính và tâm huyết, học trò còn cần sự đồng hành của những bậc làm cha mẹ sáng suốt và công tâm.

Và sau cùng, dù cho lúc này lúc khác, ngành giáo dục và đào tạo có xảy ra những chuyện chưa vui, thì tôi vẫn luôn luôn tin tưởng, trân trọng và biết ơn những người đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Chúng ta nói nhiều về sự lớn mạnh của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, về cơ đồ và tiềm lực của đất nước, thì chúng ta cũng cần nhìn thấy, trong sự lớn mạnh đó, trong cơ đồ và tiềm lực đó có công sức rất đáng trân trọng của ngành giáo dục và đào tạo nước nhà!

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)