Tôi chưa thấy động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn của Bộ khi ứng phó dịch COVID

03/01/2022 06:47
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là chia sẻ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) khi trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Hai năm qua, đại dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) bùng phát và tác động đến toàn bộ hoạt động của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có hoạt động giáo dục và đào tạo.

Để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, ngành Giáo dục nhiều nước đã phải chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Ở nước ta, mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và phương tiện, nhưng các cơ sở giáo dục ở những địa phương có nguy cơ và nguy cơ cao đã kịp thời áp dụng hình thức dạy học trực tuyến và đang vượt mọi khó khăn, tích cực thực hiện kế hoạch năm học trong hoàn cảnh đại dịch. Đó là điểm sáng của ngành Giáo dục trong ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, về phía các nhà quản lý giáo dục, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đánh giá: “Đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát đã 2 năm nay nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) (ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu minh chứng, nhiều kế hoạch, đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể hiện sự quan tâm đến hoàn cảnh đại dịch. Ví dụ, đến ngày 4/8/2021, Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành theo Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT của Bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai kế hoạch được linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Mãi gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.

Trong 2 năm qua, Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng, những đối tượng gặp khó khăn. Học sinh nghèo không có phương tiện để học trực tuyến. Đường truyền ở nhiều vùng yếu, không ổn định khiến thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn.

Giáo án dạy học trực tuyến chủ yếu do giáo viên tự biên tự diễn, chưa được hướng dẫn chu đáo để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các trường, các lớp. Ngân hàng học liệu điện tử chưa phát triển. Kỉ luật học tập ở nhiều lớp học trực tuyến còn lỏng lẻo cũng hạn chế kết quả học tập. Việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong hoàn cảnh đại dịch chưa có phương án ứng phó với nhiều cấp độ dịch khác nhau.

Về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/03/2021 về dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên chứ chưa có văn bản quy phạm pháp luật về dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục; về cơ sở dữ liệu, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan trong ngành Giáo dục và ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; về tiêu chí kỹ thuật của các nền tảng số dùng trong ngành Giáo dục,... Những văn bản này không chỉ đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số nói chung mà còn thể hiện sự thích nghi và hỗ trợ dạy học trực tuyến.

Quan sát tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, có thể thấy rằng đại dịch Covid-19 có khả năng tồn tại với thời gian dài hơn những đại dịch chúng ta từng biết trong lịch sử. Các biến chủng mới của Covid-19 ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Đại dịch hoành hành giữa lúc toàn ngành Giáo dục đang triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu chậm áp dụng những biện pháp hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh, e rằng kết quả đổi mới sẽ rất hạn chế.

Do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị ngành giáo dục cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc dạy, học, kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học theo hình thức trực tuyến;

Đánh giá việc dạy học trực tuyến ở các cơ sở giáo dục; sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến;

Đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện dạy học trực tuyến ở các địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn;

Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo và có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin tăng cường tỉ lệ phủ sóng và chất lượng đường truyền, nghiên cứu sản xuất phương tiện truy cập mạng giá rẻ để hỗ trợ thầy và trò trong cả nước dạy và học trực tuyến;

Khuyến khích các nhà xuất bản, các cơ sở giáo dục có tiềm lực, các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phát triển học liệu điện tử, xây dựng ngân hàng học liệu điện tử phục vụ người dạy và người học;

Và, cần hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục thực hiện dạy học trực tiếp an toàn trong thời điểm dịch bệnh tạm lui.

Quan sát cách ứng phó với đại dịch Covid-19, cách tiếp thu, giải quyết kiến nghị của dư luận và của đại biểu Quốc hội thời gian qua về sách giáo khoa, về Thông tư số 25 (lựa chọn sách giáo khoa), Thông tư số 33 (thẩm định sách giáo khoa), Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng: “Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chậm trễ và lúng túng như vậy thì rất khó có kết quả tốt. Mong rằng lãnh đạo Bộ sẽ đổi mới phong cách làm việc, quyết liệt, khẩn trương để những mong muốn tốt đẹp hôm nay sẽ thành hiện thực”.

Thanh Sơn