"Tôi chưa thấy một trường đại học tư nào là đại học quốc gia"

16/06/2022 06:50
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho rằng, đại học quốc gia có sứ mệnh riêng và nên là đầu tư công nhằm giải quyết những bài toán chiến lược tầm quốc gia.

Vừa qua, tại hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 46/2017/NĐ-CP và Nghị định 135/2018/NĐ-CP do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có ý kiến đề xuất rằng, nếu thỏa mãn tất cả các điều kiện thì một trường đại học tư có thành đại học quốc gia được không?

Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lộc – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, trước khi bàn về việc nên mở rộng thêm mô hình đại học quốc gia nữa hay không, chúng ta phải thực sự thống nhất được mô hình đại học quốc gia với mục đích và vai trò đặc trưng rõ nét, hiệu quả trong vấn đề quản lý và phù hợp với xu thế thế giới.

Giáo sư Nguyễn Lộc – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Lộc – nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Thực ra, giai đoạn soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018/QH14) đã thu hút rất nhiều tranh luận khác nhau về mô hình đại học quốc gia. Mặc dù Luật này đã ban hành cách đây khá lâu song những tranh luận vẫn kéo dài cho đến bây giờ. Điều này rất đáng quan tâm.

Chúng ta đều biết, trong thời gian qua mô hình đại học quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về các phương diện như xu thế giáo dục tinh hoa, chất lượng hàng đầu, tự chủ, đa ngành... Cùng với thời gian, thông qua các công cuộc đổi mới, nhiều trường đại học ở Việt Nam cũng đã tiệm cận được các chuẩn mực tương tự.

Hơn nữa, nhiều ý kiến đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của mô hình này khi cho rằng bộ máy quản lý còn cồng kềnh. Đặc biệt có nhiều nhận xét, trong đó có chuyên gia quốc tế cho rằng mô hình đại học quốc gia của Việt Nam là một mô hình "độc đáo" trên thế giới mà không đâu có. Một số trường đại học của một số nước có mang tên "quốc gia" song có ý nghĩa khác.

Do còn nhiều ý kiến đa chiều như vậy nên dường như chúng ta cần có một đánh giá toàn diện về mô hình đại học quốc gia của Việt Nam, từ đó mới bắt đầu tính đến việc mở rộng thêm mô hình này đối với hệ thống công lập và tư thục.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết, trước hết phải hiểu rõ ràng về mô hình đại học quốc gia.

Theo Luật Giáo dục Đại học, đại học quốc gia có các trường thành viên và tổ chức theo hai cấp. Đại học quốc gia được Nhà nước giao thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến lược quan trọng, có nhiều quyền tự chủ cao hơn các trường đại học khác, là đầu mối cấp ngân sách, được dùng con dấu có hình quốc huy và được làm việc trực tiếp với các cơ quan ngang Bộ...

Luật Giáo dục Đại học cũng ghi rõ, đại học quốc gia được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, và Nghị định về Đại học quốc gia ghi rõ "đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập".

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Như vậy theo quy định hiện nay, các trường đại học tư không thể là đại học quốc gia vì đơn giản không phải là trường công, không là đầu mối nhận ngân sách nhà nước để phát triển.

“Hiện nay cũng có nhiều ý kiến khác nhau về cái được cũng như chưa được của mô hình đại học quốc gia. Một số đại học vùng cũng có mong muốn phát triển thành đại học quốc gia.

Tôi nghĩ nếu đã là Đại học Quốc gia Việt Nam (tên tiếng Anh đang dùng là Vietnam National University và gắn với tên địa phương) – thì có thể chỉ cần một đại học quốc gia bao trùm và có cơ sở ở các vùng miền.

Còn việc đánh giá mô hình đại học quốc gia tốt hay không tốt trong khi nhiều nước không có mô hình đại học quốc gia giống Việt Nam, cái quan trọng không phải là mô hình thế nào, mà là các đại học quốc gia gần 30 năm qua đã thực hiện trách nhiệm của mình như thế nào, mà nếu như không phải mô hình đại học quốc gia thì khó mà thực hiện nổi”, ông Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Theo ông Tùng, điều quan trọng đầu tiên là phải hiểu về mô hình đại học 2 cấp (gồm đại học vùng, đại học quốc gia) thật rõ ràng.

Nếu chỉ nhấn mạnh mô hình 2 cấp, xem đại học là một tổ hợp các trường hợp đại học kết hợp lại với nhau thì thành lập đại học không khó.

Khi đó các trường ngoài công lập cũng có thể liên kết với nhau để tạo thành một đại học ngoài công lập. Nhưng điều quan trọng là làm việc này để làm gì, có ý nghĩa gì không? Tôi cho rằng, việc này chưa mang lại nhiều lợi ích, và hầu như ít trường muốn thực hiện, ngay cả khi đủ điều kiện cứng theo quy định hiện nay.

Mô hình đô thị đại học (university city) - nơi nhiều trường đại học tập trung ở một khu vực - thuận lợi cho việc dùng chung các tiện ích như ký túc xá, công trình thể thao, dịch vụ, thư viện… nhưng đầu tư rất lớn và lâu dài. Còn mô hình đại học nhiều cơ sở phân tán (multi-campus) chỉ có thể phát huy tác dụng khi có chiến lược phát triển và mô hình quản trị chung, khi sử dụng thương hiệu và các hoạt động truyền thông chung, khi sử dụng chương trình đào tạo chung.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Phú Xuân cho biết: "Tôi chưa thấy một trường đại học tư nào là đại học quốc gia, bởi đại học quốc gia có sứ mệnh riêng và nên là đầu tư công nhằm giải quyết những bài toán chiến lược tầm quốc gia mà thị trường mà cơ sở giáo dục đại học tư thục, trường đại học địa phương không giải quyết được. Quan điểm của tôi là không thể có đại học quốc gia tư thục".

Tiến sĩ Đàm Quang Minh cũng cho biết thêm, định hướng của Trường Đại học Phú Xuân là trường đại học ứng dụng nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương. Trường Đại học Phú Xuân không cạnh tranh với các trường đại học nghiên cứu và các đại học quốc gia.

Phạm Minh