Tôi đã ý kiến với trường Hàm Thắng 2 cả năm nay về việc bớt khẩu phần ăn học trò

23/09/2019 08:50
Phan Tuyết
(GDVN) - Không có sự xấu hổ nào bằng việc thầy cô được ví như cha mẹ lại đi bớt xén khẩu phần ăn vốn ít ỏi của những đứa con mình.

Ngày 11/9, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip phản ánh bữa ăn bán trú đạm bạc tại Trường Tiểu học Hàm Thắng 2, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Bữa ăn được cho là 13 ngàn đồng vào ngày 11/9 tại Trường Tiểu học Hàm Thắng 2, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (Ảnh chị H.)
Bữa ăn được cho là 13 ngàn đồng vào ngày 11/9 tại Trường Tiểu học Hàm Thắng 2, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận (Ảnh chị H.)

Chúng tôi đã liên hệ được với cô N.T.H hiện là nhân viên kế toán của trường Trường Tiểu học Hàm Thắng 2, cô H. thừa nhận mình là chủ nhân của đoạn clip trên.

Cô H. cho biết: “ Em đã ý kiến với nhà trường cả năm về việc bớt khẩu phần ăn của học sinh nhưng lại không ghi lại hình ảnh. Hôm nay, em quay lại để làm bằng chứng”.

Nhìn vào những hình ảnh có được trong hình, bữa ăn ngày 11/9 của học sinh Trường Tiểu học Hàm Thắng 2 có: cơm trắng, 1 miếng chả chiên, 1 ít bắp sú xào, 1 ít canh đu đủ thịt bằm.

Chúng tôi liên hệ với thầy Lê Văn Cải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Thắng 2 để nắm rõ hơn thông tin được nhân viên nhà trường phản ánh.

Thầy Cải xác nhận người quay clip tung lên mạng là nhân viên kế toán của nhà trường.

Và cho biết: “Phụ huynh đóng cho con 20 ngàn tiền ăn. Nhà trường trích 6 ngàn đồng (có khi 6 ngàn 2 trăm đồng) mua một hộp sữa.

400-500 đồng tiền ga, vậy xuất ăn trên của học sinh chỉ có giá khoảng 13 ngàn đồng như thế là hợp lý”.

Thế nhưng cô H. lại cho biết: “Không phải hôm nào các em cũng được uống sữa 6 ngàn đồng/hộp, chỉ thi thoảng ngày dồn tiền, dư tiền mới được uống.

Sữa có nhiều loại và nhiều giá (có cả sữa bột) giá một hộp sữa có khi hơn 3 ngàn, khi hơn 4 ngàn”.

Tôi đã ý kiến với trường Hàm Thắng 2 cả năm nay về việc bớt khẩu phần ăn học trò ảnh 2
Bớt xén tiền ăn của học sinh- nỗi xót xa về đạo đức người thầy!

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với 2 phụ huynh hiện có con học tại trường này. Anh H. cho biết:

“Suất ăn hôm đó có giá 13 ngàn đồng, tôi thấy cũng chưa đạt.

Bởi, nếu cầm số tiền ấy nấu cho một người ăn sẽ không đủ.

Nhưng dồn vài trăm người lại để nấu ăn thì chừng ấy tiền sẽ có bữa ăn thịnh soạn hơn”.

Khác với ý kiến của anh H., chị X phụ huynh một học sinh khối 2 lại cho biết: “Tôi không đánh giá nhà trường có ăn bớt khẩu phần ăn của các cháu hay không?

Bởi, chỉ căn cứ vào một bữa ăn chẳng thể nói lên được gì.

Điều tôi muốn nói, nếu bữa ăn cho trẻ nhỏ được nấu như thế sẽ rất khó ăn vì rất khô khan”.

Nói rồi chị giải thích thêm, cũng với số tiền 13 ngàn đồng ấy, một người đầu bếp có tâm sẽ biết chế biến món ăn hợp với các cháu hơn.

Ví như mua trứng, ít thịt bằm, ít cà chua sốt lên được một món mặn vừa có rau, có chất đạm…con cũng dễ nuốt hơn miếng chả chiên khô rang.

Ngay sau khi có phản ánh về chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú Trường Tiểu học Hàm Thắng 2, thầy hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã tổ chức họp và lấy ý kiến phản ánh của phụ huynh.

Hiện tại, ngay thời điểm này, nhà trường đã tạm thời ngưng tổ chức bữa ăn bán trú.

Tôi đã ý kiến với trường Hàm Thắng 2 cả năm nay về việc bớt khẩu phần ăn học trò ảnh 3
Đã đến lúc Hội cha mẹ học sinh phát huy vai trò

Theo thầy hiệu trưởng là để điều tra cho rõ vấn đề (trong đó có mâu thuẫn về nội bộ).

Riêng phụ huynh mong muốn nhà trường nhanh chóng giải quyết những mâu thuẫn nội bộ.

Chuyện của người lớn không nên ảnh hưởng đến con trẻ để đáp ứng tốt việc dạy và học, và sớm tổ chức lại bữa ăn bán trú cho học sinh.

Chuyện nhà trường có ăn bớt khẩu phần ăn của những em học sinh hay không cũng cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ.

Điều này là đặc biệt cần thiết, bởi không có sự xấu hổ nào bằng việc thầy cô được ví như cha mẹ lại đi bớt xén khẩu phần ăn vốn ít ỏi của những đứa con mình.

Nhưng, nếu không có chuyện bớt xén miếng ăn của trẻ cũng cần được công bố rộng rãi để trấn an nhiều phụ huynh có con đang học nơi đây, để chính họ có được niềm tin mà yên tâm gửi gắm con cho nhà trường.

Phan Tuyết