Tối hậu thư, tâm thư và sự thư thư của những viên thư lại

10/05/2013 07:00
Đào Tuấn
(GDVN) - Cụ Đại đức Tâm Kiên đã không thể kiên tâm hơn được nữa, theo truyền thông, ông đã gửi một “tối hậu thư” tới lãnh đạo TP Hà Nội xung quanh câu chuyện ngôi chùa Diên Hựu, một trong những biểu tượng quốc gia có hình trên tờ bạc đang bị “bỏ quên”.
Cứ trời có mây đen các Phật tử tấp nập đi mặc áo mưa, đội nón cho tượng
Cứ trời có mây đen các Phật tử tấp nập đi mặc áo mưa, đội nón cho tượng
Phiên theo “ngôn ngữ đời” thì đại khái 30 ngày nữa mà Hà Nội vẫn mũ ni che tai thì các nhà sư sẽ phải phá quách ra để… cứu chùa.Những hình ảnh tràn ngập báo chí sau đó cho thấy Diên Hựu, ngôi chùa một cột độc nhất vô nhị đang ở vào tình trạng “Ngói rơi vào đầu sư bất cứ lúc nào”, “Gỗ lạt mục nát trở thành tổ tò vò cho mối mọt”, “bình đồng dùng để đựng nước mưa trên ban Tam bảo” và đúng là cười ra nước mắt với câu chuyện mỗi độ trời mưa, các cao tăng ở đây phải “đội nón mặc áo mưa” cho các pho tượng. Và điều khiến một nhà sư đức cao vọng trọng, tưởng đã đến cảnh giới xem tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ như chuyện gió thoảng mây bay lại “sân” đến mức gửi “tối hậu thư” là ở việc nhà chùa 4 năm trước xin sửa, 10 tháng trước viết “tâm thư”. Nhưng chim đi không thấy có thư lại. Chắc là vì chính quyền còn bận. Nhắc đến khoảng thời gian 4 năm chờ đợi, hẳn nhiều người chưa quên những giọt nước mắt của một nhà sư khác: Thích Đàm Liên. Vị trụ trì, nước mắt lưng tròng trước những lời quy kết biến ngôi chùa “Trăm gian ngàn năm tuổi” trở thành một ngôi chùa mới tinh không tuổi. “Tại tôi hết”- Bà nói- “Vì lời kêu cứu của tôi suốt 4 năm trời không được đáp ứng nên tôi cũng đành liều. Nếu chờ thì không biết đến bao giờ”. Chùa Trăm gian trước khi “về mo” cũng ở trong tình trạng “mái nhà tổ sạt một góc lớn, cột chống đã mục, phải dùng nhiều cột chống tạm sơ sài, một con hoành đã bị rơi hẳn xuống”. Nhớ trong bữa “kiểm điểm nhà sư” tháng 9 năm ngoái, Bí thư huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Thị Tuyến lên tiếng cảnh báo “Vụ việc chùa Trăm Gian không chỉ là bài học của riêng huyện Chương Mỹ, mà còn là bài học cho các di tích khác và các cơ quan quản lý di tích”. Và giờ, suýt thì lại có thêm một bài học lớn, đối với ngôi chùa mang tính biểu tượng quốc gia. Cũng là chuyện bảo tồn, cũng là chuyện “tối hậu thư”, hôm qua, người dân làng cổ Đường Lâm gửi tâm thư xin trả lại danh hiệu “di tích quốc gia”. Vì họ “không chịu nổi nữa” trước cảnh bị cấm tuyệt đối việc “xây dựng sửa sang cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình”, khi mà “Chính quyền xã Đường Lâm và một số người trong Ban quản lý di tích làng cổ suốt ngày đêm đi lùng sục phát hiện thấy nhà ai chở gạch, xi măng là lập tức thông báo cắt điện, nước, cuối cùng là cưỡng chế, đập phá các công trình xây dựng”. Không chỉ người dân, chính quyền xã cho biết “Cũng mệt mỏi lắm rồi” trước những “bức xúc không có lối thoát”, “muốn trình bày cũng không được nói”, chỉ được “cứ xử lý “vi phạm” trong xây dựng đi đã. Chứ còn giải pháp thì... không có giải pháp”. "Khốn nạn" cho dân đất Hai vua, gần 10 năm qua, đến quy hoạch làng cổ vẫn chưa hề có. Còn quy chế tạm thời về xây dựng thì chỉ thù lù một chữ cấm. Sau câu chuyện Chùa Một cột và làng cổ Đường Lâm, bạn đã thấy gì chưa? Một chữ treo Một biến thái khác của tình trạng phổ biến của những người dân phố cổ “đêm đêm trong những chiếc hộp diêm, ngủ đút chân gậm tủ, và sáng sáng, tay trái cầm cuộn giấy, tay phải cầm xô nước xếp hàng đi vệ sinh trong những hố xí thùng “cổ kính”. Và những viên thư lại “vô vi” đến mức thư thư từ từ với tất thảy những bức xúc của thế nhân. Hay chùa phải cổ kính và kỳ quái đến mức để tượng phật đội nón mặc áo mưa thì mới thu hút được khách tây. Hay phố cổ phải là “nhà wc trên ban công tầng 2” thì mới cổ. Tôi sẽ nhấn mạnh câu này: Một nhà sư có chữ tâm kiên trong tên đã phải nổi giận. Xin đừng trách ông. Trước hết hãy hỏi chính quyền đang bận gì trong ngần đó năm. Hay họ bây giờ đắc đạo đến mức bỏ ngoài tai tất thảy những câu chuyện thất tình lục dục.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Đào Tuấn