Tổng kết Dự án: Phát triển các "Nhóm hoạt động GV-Teacher Activity Groups"

23/03/2023 15:04
Hoàng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự án TAG của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và Trường International House London giúp các thầy cô cùng nhau thiết kế nhiều bài giảng hay của CTGPT 2018.

Từ ngày 7/3 - 9/3/2023, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và IH London tổ chức tổng kết Dự án bồi dưỡng phát triển chuyên môn: Phát triển các “Nhóm hoạt động giáo viên-Teacher Activity Groups (TAG)” bằng hình thức trực tuyến.

Tham gia chương trình, về phía IH London có: bà Charolette Thompson - Giám đốc Đào tạo giáo viên và các chuyên gia, cố vấn đào tạo giáo viên;

Về phía Hội đồng Anh ở Việt Nam (British Council Vietnam) có: ông Davide Guarini Gilmartin - Trưởng phòng Học thuật tại Việt Nam;

Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có: Tiến sĩ Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhật - Trưởng khoa Tiếng Anh; và 240 giáo viên Tiếng Anh từ hai Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và Yên Bái.

Bà Charolette Thompson - Giám đốc Đào tạo giáo viên và TS Nguyễn Thị Hồng Nhật - Trưởng khoa Tiếng Anh tham dự Chương trình.Bà Charolette Thompson - Giám đốc Đào tạo giáo viên và TS Nguyễn Thị Hồng Nhật - Trưởng khoa Tiếng Anh tham dự Chương trình.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác - khóa bồi dưỡng phát triển chuyên môn: Phát triển các “Nhóm hoạt động giáo viên-Teacher Activity Groups (TAG)” - giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường International House London, 240 thầy cô giáo viên Tiếng Anh từ hai Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và Yên Bái được chọn tham gia bồi dưỡng đã xuất sắc hoàn thành nửa chặng đường cuối của dự án (3 tháng).

Với sự cố vấn và hướng dẫn của các chuyên gia Việt Nam và Vương quốc Anh, các thầy cô đã cùng nhau thiết kế, ứng dụng và thảo luận, chia sẻ rất nhiều bài giảng hay thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Davide Guarini Gilmartin - Trưởng phòng Học thuật tại Việt Nam, Hội đồng Anh ở Việt Nam phát biểu tại phiên tổng kết Dự án.Ông Davide Guarini Gilmartin - Trưởng phòng Học thuật tại Việt Nam, Hội đồng Anh ở Việt Nam phát biểu tại phiên tổng kết Dự án.

Phát biểu trong chương trình tổng kết, Tiến sĩ Bùi Kiên Cường và ông Davide Guarini Gilmartin đã tái khẳng định mục tiêu và quyết tâm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng như British Council Vietnam trong việc cùng phối hợp phát triển chất lượng giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam thông qua các dự án bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên đang giảng dạy.

Từ phía dự án, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhật và bà Charolette Thompson, đã báo cáo về cách dự án được thực hiện và những thành tựu ấn tượng - hàng chục nhóm chuyên môn TAG được dự án lập nên nay đã được tự tổ chức bởi các thầy cô người học, đã và sẽ tiếp tục chia sẻ hàng trăm ý tưởng, bài dạy hay, sát với tình hình, nhu cầu tại địa phương.

Cụ thể hơn, thống nhất với mục tiêu chung của Hội Đồng Anh Việt Nam - Đơn vị tài trợ của dự án - là tổ chức những chương trình bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh Việt Nam theo hình thức mới, kết nối các giáo viên để cùng phát triển chuyên môn.

Dự án TAG của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường International House London - theo mô hình kết nối các giáo viên vào các nhóm chuyên môn/nhóm hoạt động - ngay từ những ngày đầu tiên đã tạo những nhóm này trên mạng xã hội zalo để các thầy cô người học có thể trao đổi liên tục.

Các đại biểu tham dự phiên tổng kết Dự án.Các đại biểu tham dự phiên tổng kết Dự án.

Một giá trị đặc biệt nữa của Dự án so với những khoá phát triển chuyên môn thông thường là tính thực tiễn cao, nội dung các buổi phát triển chuyên môn đều được lấy từ tình hình và nhu cầu thực tế từ địa phương. Hiểu được các giá trị này, các thầy cô người học đã chủ động chia sẻ nhiều khó khăn khi dạy học trên lớp, cùng nhau thảo luận trong và ngoài những buổi họp/sinh hoạt TAG với chuyên gia để tìm được ra cách giải quyết hiệu quả.

Thầy Nguyễn Ngọc Bình, Trung học phổ thông Cẩm Nhân, Yên Bái, sau khi đã ứng dụng ý tưởng giảng dạy từ các buổi thảo luận vào trong lớp, chia sẻ: “Việc thử nghiệm sử dụng các bảng tổng hợp kiến thức do học sinh tự viết trong giờ ngữ pháp đã giúp học sinh chủ động khám phá, ứng dụng cấu trúc đang học vào các kĩ năng nói và viết hơn. Học sinh thể hiện sự hứng thú cao hơn trong giờ học tiếng Anh.”

Cô Lô Thị Tình, Tiểu học Thị Trấn Con Cuông, Nghệ An cho biết: “Tôi đặc biệt thích nội dung thảo luận của buổi TAG 4 và 8 về việc điều chỉnh hoạt động trong giáo trình với từng đối tượng người học để tăng tính hiệu quả của bài dạy. Ý tưởng về dùng thơ và nhạc để dạy của chuyên gia và các giáo viên khác đã truyền cảm hứng cho mình sáng tác một bài hát lấy giai điệu thân thuộc từ bài “Chú voi con ở Bản Đôn” để dạy từ vựng trên lớp. Học sinh của tôi thấy thích thú và nhớ từ nhanh hơn nhiều!”

Quan trọng hơn, để đảm bảo các thầy cô người học có thể tiếp tục phối hợp, tự tổ chức các buổi họp/sinh hoạt chuyên môn TAG sau khi dự án kết thúc, 3 tháng cuối của dự án đã chứng kiến sự chuyển giao từ các chuyên gia sang các thầy cô là người tổ chức các buổi này.

Các chuyên gia thuộc ban dự án đã cung cấp hướng dẫn chi tiết để các thầy cô tổ chức được buổi họp/sinh hoạt chuyên môn TAG, bao gồm quy trình các bước, video hay bài viết về các kĩ năng như cách hỗ trợ hoạt động thảo luận. Các buổi TAG do các thầy cô người học tổ chức vì thế đều diễn ra thành công.

Cô Nguyễn Thị Thanh Phúc, Tiểu học Hòa Hiếu, Nghệ An cho biết: “Bên cạnh cách dạy trên lớp, các chuyên gia của dự án đã hướng dẫn rất cụ thể cách mình tổ chức buổi họp chuyên môn với giáo viên khác. Khi tổ chức một buổi họp này, mình cần phải chủ động chuẩn bị nội dung thảo luận sâu hơn, vậy nên học được hơn rất nhiều so với việc tham gia các khoá bồi dưỡng với vai trò là người học”.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cũng chia sẻ câu chuyện về hành trình thay đổi bản thân qua dự án. Thầy Nguyễn Thanh Giang, Trung học cơ sở Bạc Liêu, Nghệ An cho biết: “Ban đầu, tôi cảm thấy khá chán nản vì nghĩ dự án lại giống như các khoá bồi dưỡng chuyên môn khác, với các chủ đề chọn sẵn mặc dù hữu ích nhưng khó liên hệ được với thực tế giảng dạy. Tuy nhiên, càng tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn TAG tôi càng cảm thấy hứng thú, do người học được chọn chủ đề và được khuyến khích chọn các chủ đề càng gần với thực tiễn càng tốt. Từ việc này, tôi đã ứng dụng được ngay các ý tưởng từ buổi TAG vào dạy trên lớp và thấy lớp học sôi nổi, hào hứng hơn trước nhiều. Bản thân tôi cũng từ đó thêm yêu nghề. Cảm ơn dự án TAG rất nhiều!”

Kết thúc chương trình tổng kết, các thầy cô đều thể hiện mong muốn tiếp tục kết nối và phát triển chuyên môn theo mô hình nhóm TAG tại địa phương, và mong được tiếp tục đồng hành với các chuyên gia đến từ British Council Vietnam, International House London và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Hoàng Mai