Ngày 12/12, tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị công bố kết quả Đề án thành phần số 1,3,5,8 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và đại học chia sẻ; Ký kết tài trợ, hợp tác đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
Tham dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNUHCM), lãnh đạo một số trường đại học trực thuộc VNUHCM, lãnh đạo các Sở, ban ngành của thành phố, lãnh đạo một số trường trung học phổ thông, Phòng Giáo dục và đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Theo báo cáo được trình bày tại hội nghị cho thấy, đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế được trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt từ ngày 5/7/2021 nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trình độ đại học và sau đại học, có chất lượng quốc tế đối với 8 ngành, nhằm hướng tới xây dựng mô hình đại học chia sẻ, có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ các nguồn lực quan trọng trong giáo dục đại học.
Để thực hiện được đề án tổng thể này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao các cơ sở đào tạo chủ trì 9 đề án thành phần. Trong hai năm đầu tiên thực hiện đề án này, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hoạt động của các cơ sở giáo dục đào tạo cũng bị ảnh hưởng nhưng cho đến nay, 8/9 đề án thành phần đã được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt, ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, với tổng kinh phí là 8,3 tỷ đồng.
Bốn đề án được nghiệm thu (1,3,5,8) và tổng kết trong đợt này là: Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Công nghệ thông tin – Truyền thông, ngành Trí tuệ nhân tạo, ngành Tài chính – Ngân hàng, ngành Quản lý đô thị, ngành Quản trị doanh nghiệp, Cơ khí - Tự động hóa, Y tế, Du lịch.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định trong quá trình đột phá, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế của thành phố, trong đó có 8 ngành đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế.
“Hiện thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện đề án trở thành trung tâm tài chính đã được Bộ Chính trị thông qua. Những công việc lớn của thành phố đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. Do đó, với kết quả của các đề án, cùng với sự thống nhất khẩn trương, phối hợp thực hiện của các bên, sẽ thu hoạch được kết quả cao” – ông Phan Văn Mãi thông tin.
Muốn làm được điều này, ông Phan Văn Mãi nêu lên 3 nội dung cụ thể cần phải triển khai, đó là:
Thứ nhất: Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Thứ hai: Đối với cơ sở đào tạo, bên cạnh Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố luôn hoan nghênh các cơ sở đào tạo tại thành phố, các cơ sở trong nước và kể cả quốc tế cùng khẩn trương hoàn thiện chương trình theo hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.
Các cơ sở đào tạo cần có hợp tác quốc tế trong việc xây dựng chương trình, đẩy mạnh việc tương tác với các cơ sở đào tạo khác, để có được chương trình tiên tiến, hiện đại.
Ngoài ra, cần phải tương tác, phối hợp với các doanh nghiệp để nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó mà thiết kế, lựa chọn chương trình phù hợp, nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế.
Thứ ba: Các cơ sở đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất thỏa đáng, từ đó cùng với chương trình và đội ngũ giảng viên, hợp tác doanh nghiệp sẽ triển khai đào tạo có hiệu quả.
3 vấn đề quan trọng khác trong đào tạo nguồn nhân lực cũng được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề cập đến, các cơ sở đào tạo cần lưu ý, đó là: Trình độ ngoại ngữ (kể cả sinh viên và giảng viên cũng đều cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh), sự hiểu biết pháp lý quốc tế, ý thức và kỹ năng kinh doanh.
Để triển khai hiệu quả các đề án, chương trình trong thời gian tới, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên 3 cam kết của thành phố.
Thứ nhất: Thành phố sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường quản trị, tạo ra thuận lợi để các chương trình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều thành phần tham gia, phát huy hiệu quả các chương trình không chỉ ở các cơ sở đào tạo, mà còn ở trong thành phố hay phát triển ra nước ngoài.
Thứ hai: Thành phố cam kết đầu tư nguồn lực xứng đáng để phát triển các chương trình. Các trường cần kinh phí đào tạo giảng viên, cần kinh phí để mua các chương trình đào tạo quốc tế, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại hay các nền tảng khác thì thành phố cũng sẽ tham gia.
“Thành phố sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để đào tạo nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo ở thành phố chúng ta” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thành phố cũng sẽ nghiên cứu một số chính sách cho sinh viên, giảng viên và kể cả doanh nghiệp tham gia vào chương trình này một cách thuận lợi.
Thứ ba: Thành phố cam kết cùng với các bên giải quyết các vấn đề phát sinh, các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện chương trình sắp tới.